Theo Ban Phát triển kinh tế Singapore, 500 chuyên gia, nhà lãnh đạo về khoa học công nghệ sẽ được nhận thị thực vào quốc gia này. Tuy nhiên, thời hạn visa chỉ gói gọn trong 2 năm, do lo ngại rằng những nhân tài công nghệ có thể cạnh tranh với lực lượng nhân công trong nước với nhiều rủi ro. Các chuyên gia đăng ký chương trình Tech.Pass phải có mức lương hàng tháng tối thiểu 20.000 SGD (khoảng 14.800 USD), đồng thời tích lũy ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong việc lãnh đạo những công ty công nghệ có giá trị thị trường tối thiểu 500 triệu USD. Những nhân tài có từ 2 năm kinh nghiệm phát triển những sản phẩm đạt doanh thu 100 triệu USD/tháng cũng đủ tiêu chuẩn đăng ký chương trình visa đặc biệt này. Những người sở hữu tấm vé thị thực có thể linh hoạt tham gia vào các hoạt động như thành lập và điều hành doanh nghiệp, trở thành nhà đầu tư hay giám đốc trong các công ty có trụ sở tại Singapore.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing nhận định: “Với bề dày kiến thức, mạng lưới đối tác và kinh nghiệm tích lũy từ việc điều hành các công ty công nghệ quốc tế, các chuyên gia sẽ hợp tác, rèn giũa các nhân công trong nước, tạo ra nhiều cơ hội hơn. Điều này sẽ củng cố thêm vị thế của Singapore như một trung tâm công nghệ của khu vực”. Theo ông Chan, trong thời gian qua, Thái Lan, Trung Quốc và Pháp đang nỗ lực thu hút các chuyên gia trong các lĩnh vực này. Chẳng hạn, Pháp và Thái Lan đã thiết lập các chương trình thị thực đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi cho các tài năng công nghệ nước ngoài đến làm việc ở đất nước của họ. Trong khi đó, nhu cầu tài năng công nghệ ở Singapore cũng đang vượt xa nguồn cung trong nước, các lĩnh vực như an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn là những “ngành công nghệ sâu” và khi kết hợp với các doanh nghiệp liên quan, chúng sẽ là nền tảng cốt lõi cho nền kinh tế tương lai của đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tàn phá các khu vực trên thế giới như Bắc Mỹ, Tây Âu, Nam Á, các tài năng công nghệ di động trên toàn cầu cũng đang tìm kiếm các cơ hội mới để xem họ có thể tận dụng thời gian của mình ở đâu hiệu quả hơn.
Singapore không đơn độc trong việc sử dụng các biện pháp thu hút tài năng công nghệ. Các nền kinh tế lớn như Australia, Pháp và Anh cũng có những kế hoạch nhân tài tương tự, một số trong số đó còn quyết liệt hơn Singapore. Thị thực tài năng ưu tú của Australia cung cấp quyền thường trú nhân. Chương trình thị thực công nghệ của Pháp không dựa vào lựa chọn địa phương trước khi người nước ngoài nộp đơn xin việc. Còn thị thực tài năng toàn cầu của Anh, với thời hạn 5 năm, có thể được gia hạn trực tiếp cho các thành viên gia đình. Trong danh sách các địa điểm cạnh tranh nhất để tìm kiếm nhân tài do Viện Phát triển Quản lý vừa công bố, Singapore được xếp hạng hàng đầu ở châu Á và nằm trong tốp 10 trên thế giới, xếp trên cả Australia, Pháp và Anh.