Chiến thắng và đẳng cấp

Mặc dù chỉ là chiến thắng với cách biệt tối thiểu trước Malaysia trên sân Mỹ Đình hôm 10-10, nhưng có thể nói, đội tuyển Việt Nam đã ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Cho đến lúc này, đẳng cấp đó không có gì phải tranh cãi nữa.

Chỉ chưa đầy 1 năm, Việt Nam và Malaysia đã thi đấu 4 trận và thầy trò HLV Park Hang-seo thắng 3, hòa 1. Trước đây, những con số thống kê vượt trội như vậy chỉ xảy ra khi so với Campuchia, Myanmar. Nhưng bây giờ, việc giành chiến thắng trước một đối thủ khó chịu như Malaysia đã quá đỗi bình thường. Hay nói cách khác, chúng ta đã vượt qua Malaysia không chỉ trên sân bóng, mà còn ở yếu tố đẳng cấp.

Trong cùng ngày, tại Thái Lan, đội tuyển U19 Việt Nam đã có chiến thắng rất thuyết phục với tỷ số 1-0 trước chủ nhà U19 Thái Lan. Những ai xem trực tiếp trận đấu này đều bất ngờ với lối chơi tấn công, kiểm soát bóng rất đẹp mắt của U19 Việt Nam, điều hoàn toàn trái ngược với màn trình diễn yếu ớt về tinh thần cách đây 2 tháng ở giải U18 Đông Nam Á. Chỉ trong một thời gian ngắn, cũng với những cầu thủ trẻ ấy, nhưng với sự có mặt của cựu HLV đội tuyển Nhật Bản là Philippe Troussier, có rất nhiều thứ đã thay đổi.

Nếu như chiến thắng trước Malaysia là sự xác tín về đẳng cấp, thì những thay đổi của U19 nhắc nhớ những nhà quản lý về cái gọi là tầm nhìn và chiến lược. Đội tuyển U19 hiện nay được Trung tâm Đào tạo PVF bảo trợ gần như toàn bộ, nhất là khía cạnh tài chính. Có thời điểm, trên sân tập của U19 Việt Nam có đến 17 người tham gia vào công tác huấn luyện dưới quyền điều hành của chuyên gia Troussier. Đội tuyển U19 được sử dụng toàn bộ sân tập, trang thiết bị theo dõi chuyên môn tối tân nhất và gần như toàn bộ HLV đang có của Trung tâm PVF. Ngay cả đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo cũng chưa từng được hưởng điều kiện tương tự.

Phía sau Trung tâm PVF chính là tập đoàn Vin Group. 5 năm gần đây, chính PVF là đơn vị bảo trợ phần lớn hoạt động của các đội tuyển trẻ do VFF quản lý. Ban đầu, họ chỉ hỗ trợ sân bãi, các HLV nhưng đến thời điểm này, PVF quyết định đầu tư toàn bộ con người của mình cho đội tuyển U19 sau khi có được sự đồng thuận của VFF về chiến lược giành vé dự World Cup 2026 mà chính lứa U19 hiện nay sẽ là nòng cốt sau 5 năm nữa.

Câu chuyện của U19 lần này khiến chúng ta nhớ đến những gì đã diễn ra 10 năm trước, khi các doanh nghiệp đầu tư lớn cho công tác đào tạo trẻ. Những tinh hoa của 10 năm trước chính là đội tuyển quốc gia hiện tại. Tài năng của HLV Park Hang-seo không thể phủ nhận, nhưng điều quan trọng là nhà cầm quân người Hàn Quốc có trong tay một lứa cầu thủ giàu khát vọng và được đào tạo đồng đều về tài năng, tâm lý. Tuy nhiên, cũng không khó nhận thấy là làn sóng đầu tư của 10 năm trước, thì nay ngày càng ít những doanh nghiệp tham gia làm bóng đá căn cơ, khiến cho chất lượng của các lứa cầu thủ sau Công Phượng, Quang Hải… có dấu hiệu giảm sút.

Đấy là vấn đề của những nhà quản lý. Muốn nền bóng đá vươn đến đẳng cấp hàng đầu châu Á thì bắt buộc phải có đầu tư từ khâu đào tạo và hệ thống trẻ. Nhưng muốn làm được như vậy, thì các nhà quản lý lại phải có đủ khả năng thuyết phục những doanh nghiệp hàng đầu, vận động được các nguồn tài chính khổng lồ. Nếu Trung tâm PVF của Vin Group không “ra tay” với đội tuyển U19 thì rất nhiều khả năng sẽ không thể có thế hệ tiếp nối để duy trì hy vọng giành vé dự World Cup nếu như lứa Công Phượng, Quang Hải không thành công ở thời của họ.

Đội tuyển của HLV Park Hang-seo đang tiến thêm một bước đến “Giấc mơ World Cup”, khẳng định được tiềm năng to lớn của bóng đá Việt Nam. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Câu hỏi đặt ra là gần 20 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, bên cạnh những HA.GL, T&T, Becamex, Vin Group… thì có thêm được bao nhiêu cái tên khác sẵn sàng âm thầm hỗ trợ VFF tạo nền móng lâu dài cho bóng đá Việt Nam?

Tin cùng chuyên mục