(SGGPO).- Trao đổi nhanh với PV Báo SGGP tại tâm bão, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đang cùng đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đi thị sát tình hình chuẩn bị ứng phó với bão số 7 tại Cẩm Phả và Hòn Gai, Hạ Long - Quảng Ninh, cho biết hồi 8 giờ sáng nay 19-10, tâm bão số 7 đã vượt qua đảo Bạch Long Vỹ hướng về phía Tây Bắc và còn cách Móng Cái - Quảng Ninh khoảng 90km.
Ông Lê Thanh Hải cho biết thêm, bão số 7 hiện đang ở cấp 8, giật cấp 9-10, di chuyển với tốc độ 15km/giờ. Dự kiến trưa đến chiều nay 19-10, bão sẽ đổ bộ vào Móng Cái ở cấp 7-8, giật cấp 9. Sau đó, sau khi đi qua đảo Hải Nam - Trung Quốc, bão số 7 sẽ suy yếu nhanh. Chỉ trong vài giờ đồng hồ đã suy yếu tới 2-3 cấp. Tuy nhiên sau khi đổ bộ, bão sẽ gây mưa 200mm tại Lạng Sơn và Quảng Ninh, các khu vực khác không nhiều.
Theo ghi nhận của PV tại Móng Cái, Cẩm Phả và Hạ Long - Quảng Ninh, nơi tâm bão sẽ đổ bộ, tính đến sáng nay 19-10, trên địa bàn đã có mưa vừa, một số nơi mưa to, tuy nhiên gió tại Hạ Long chỉ có gió cấp 4-5; tại Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà... có gió cấp 6-7. Đến 9 giờ sáng, nhiều nơi gió bão đã mạnh dần lên cấp 8-9. Tại thành phố Hạ Long và Cẩm Phả trong sáng nay đường phố rất vắng vẻ, trên đường chỉ lác đác một vài phương tiện giao thông.
Sáng nay đường phố tại Hạ Long và Cẩm Phả rất vắng vẻ
Tại khu vực đường bao ven biển, hầu hết các cửa đều đóng cửa tạm nghỉ vì lo ngại mưa bão và gió lớn sẽ gây thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để người dân nắm tình hình về diễn biến mưa bão, Quảng Ninh đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tăng thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát loa thông báo dọc các tuyến đường. Yêu cầu lãnh đạo các xã, phường xuống tận khu dân cư để thông báo cho nhân dân được biết và có biện pháp phòng chống và trú tránh an toàn.
Tại Quảng Ninh tàu thuyền được neo đậu an toàn để tránh bão
Đặc biệt, lực lượng quân sự, biên phòng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, nhu yếu phẩm để tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đồng thời, tổ chức cấm các tàu, thuyền ra khơi và đến sáng nay, trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, tất cả 534 tàu đưa khách đi tham quan du lịch đều đã ở bến và được chằng buộc an toàn toàn. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng đã chằng chống gần 8.600 ô lồng nuôi trồng thủy sản vững chắc và di dời hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống trên các ô lồng, bè vào đất liền.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và nhiều công ty than trên địa bàn đã tổ chức khơi thông các suối thoát nước, vận hành hệ thống bơm tiêu lũ tại khu vực khai trường mỏ và các bãi thải. Đặc biệt để bảo đảm an toàn cho học sinh, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều cho học sinh tạm nghỉ học trong ngày 19-10 để tránh báo.
Trong khi đó tại Hải Phòng, từ tối qua cho tới sáng nay, trời đã mưa khá nặng hạt dù gió không lớn. Cuộc sống của người dân, cũng như các hoạt động trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra khá bình thường.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, hiện các tàu thuyền của ngư dân ở các quận huyện ven biển như Đồ Sơn, Tiên Lãng, Thủy Nguyên... đều đã vào bờ để tránh trú bão và được chằng néo an toàn. Cùng với đó người dân và các lực lượng chức năng như quân đội, thanh niên xung kích tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ người dân tập trung thu hoạch lúa mùa, chằng chống nhà cửa, di dời người dân ở khu vực ngoài đê vào vị trí an toàn.
Tính đến sáng nay, tại các bến cá trên địa bàn Hải Phòng đã trên 3.200 phương tiện với hơn 11.050 lao động về neo đậu an toàn, không còn phương tiện hoạt động xa bờ. Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng đã huy động khoảng 20.000 người, trong đó có lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch gần 23.000 ha lúa mùa.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng đã triển khai các biện pháp bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản; thực hiện lệnh cấm biển, dừng hoạt động vận tải đường thủy, phà biển và các hoạt động vui chơi giải trí ven biển. Sáng nay, Sở GD- ĐT Hải Phòng cũng cho toàn bộ học sinh trên địa bàn thành phố được nghỉ học ở nhà để phòng tránh mưa bão.
Phóng viên báo SGGP sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của bão số 7.
TIN VỀ SIÊU BÃO HAIMA Theo bản tin mới nhất của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ ngày 19-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 126,0 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon - Philippines khoảng 440km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17. Vị trí và đường đi của bão HAIMA. Ảnh: TTDBKTTVTW Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km. Đến 7 giờ ngày 20-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 119,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, cách đảo Luzon khoảng 150km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 16-17. Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm 20-10, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 7 giờ ngày 21-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 180km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 16-17. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. S.NGUYÊN
VĂN PHÚC- KHÁNH NGUYỄN