Cách nay hơn chục năm, một nhà báo khá quen thuộc ở TPHCM đã giả làm người nghiện ma túy vào cai nghiện tại một cơ sở ở Đồng Nai. Sau nhiều tuần làm con nghiện và được nếm đủ các phương pháp cai lạ lùng và không mang lại kết quả gì, nhà báo này đã khám phá và phản ánh ra dư luận về một trong những cơ sở cai nghiện chui như là lời cảnh báo về thực trạng quản lý của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này. Vậy mà, sau nhiều năm được chấn chỉnh với nhiều biện pháp chặt chẽ hơn, cai nghiện ma túy chui đã trở lại với những phương pháp càng phản khoa học hơn và có vẻ như, càng công khai hơn.
Nghiện ma túy, ngoài khía cạnh y tế sức khỏe, còn là vấn đề xã hội nhức nhối. Không ai muốn đi vào con đường nghiện ngập và khi đã nghiện thì gần như phụ thuộc hoàn toàn vào những tác động của chính chất ma túy. Vì vậy, trên thế giới, cai nghiện ma túy được xem như quá trình giành giật lại phần người trong cuộc chiến giữa xã hội với “cái chết trắng”. Bên cạnh các phác đồ điều trị, người cai nghiện còn được hỗ trợ các biện pháp tại gia đình và cộng đồng. Nhưng dù đã huy động nhiều yếu tố, tỷ lệ thành công vẫn không cao. Nguy hiểm hơn, khi các yếu tố bắt buộc trong phác đồ điều trị bị xem nhẹ, khả năng tái nghiện càng nhiều.
Ở Việt Nam, phòng chống ma túy luôn là vấn đề được huy động sức mạnh của cả xã hội. Những bản án đích đáng đã được dành cho người mua bán ma túy bởi hậu quả của nó có sức tàn phá ghê gớm đối với con người. Riêng cai nghiện và chống tái nghiện, ngoài các cơ sở y tế được cấp phép, các trung tâm có đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện y tế được tổ chức cai nghiện thì các tổ chức đoàn thể, các cấp chính quyền đều phải có trách nhiệm hỗ trợ, góp phần đưa người nghiện hòa nhập với cuộc sống bình thường. Nhưng thật đáng tiếc, chính trong môi trường đó cũng có những người lợi dụng hoàn cảnh, sự hiểu biết của người nghiện để hưởng lợi.
Cách đây không lâu, vụ cơ sở cai nghiện chui gây chết người ở Hà Nội đã khiến dư luận đặt vấn đề về công tác quản lý và y đức. Tuy nhiên, dường như sau khi vụ việc trôi qua, công tác quản lý vẫn chưa chặt chẽ hơn mà vấn đề y đức càng khiến nhiều người lo lắng. Hiện nhiều người chỉ cần lên mạng gõ vài chữ, bấm điện thoại trao đổi vài câu với một người nào đó được quảng cáo là bác sĩ là có thể… bắt đầu quá trình cai nghiện! Đến nỗi, người ta có thể kê toa uống vài viên thuốc có tác dụng cắt cơn, dĩ nhiên là bán với giá trên trời nhưng lại được xem như là một phác đồ cai nghiện khoa học. Không ít cơ sở cai nghiện tư nhân được đặt trong một không gian chật hẹp, vừa là nhà ở, vừa ngăn phòng để người cai… nằm ngủ. Nhiều cơ sở không có bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn, chuyên gia tâm lý theo quy định nhưng vẫn ra sức “chiêu sinh” và thu “học phí”.
Cuộc chiến của người nghiện để quay lại cuộc sống bình thường vẫn nhiêu khê và nhiều thử thách; cuộc chiến của xã hội chống lại thảm họa ma túy càng cam go hơn. Trong bối cảnh ấy, lợi dụng những sơ hở của pháp luật cũng như sự thiếu hiểu biết của nhiều người để thu lợi có thể được xem như là hành động tiếp tay cho ma túy. Sự tiếp tay này cũng không hẳn một mình họ làm được. Một khi quy định đã có đủ thì chỉ có sự bao che, thông đồng giữa những người được giao nhiệm vụ quản lý với các nhóm “làm ăn” trên nỗi đau của những cá nhân và xã hội khiến cho cuộc chiến chống ma túy càng khó khăn hơn.
MINH HOÀNG