Chiều tối nay, tâm bão vào miền Trung

Theo bản tin phát lúc 11h30 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió mạnh 13m/giây (cấp 6), giật 21 m/giây (cấp 9), ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.
Chiều tối nay, tâm bão vào miền Trung

(SGGPO).- Theo bản tin phát lúc 11h30 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió mạnh 13m/giây (cấp 6), giật 21 m/giây (cấp 9), ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Hồi 11h ngày 6-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quãng Ngãi – Phú Yên khoảng 180 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22h ngày 6-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Bình Định – Phú Yên và Gia Lai. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 10h ngày 7-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên địa phận nước Cam Pu Chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Vị trí và đường đi của bão số 7. Ảnh: TTDBKTTV
Vị trí và đường đi của bão số 7. Ảnh: TTDBKTTV
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7, cấp 8, giật cấp 9; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có gió giật cấp 6, cấp 7. Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa to đến rất to.

Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng chiều tối và đêm 6-10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng yếu đến thời tiết các tỉnh miền Bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh từ chiều và đêm nay ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.

* Ngay từ sáng 6-10, trên địa bàn các tỉnh miền Trung (từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa) gió bắt đầu giật mạnh, đặc biệt tại những vùng ven biển. Người dân và các cấp chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách để đối phó với bão số 7 sắp đổ bộ vào đất liền.

Đến sáng nay 6-10, gần 1.000 tàu cá của ngư dân miền Trung đã vào neo đậu tại âu thyền Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Hùng
Đến sáng nay 6-10, gần 1.000 tàu cá của ngư dân miền Trung đã vào neo đậu tại âu thyền Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Hùng

Đến sáng nay, các địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi, hoàn thành việc tổ chức neo đậu trú tránh bão tại những vùng kín gió. Tập trung chỉ đạo và huy động các lực lượng thanh niên, bộ đội… giúp dân chèn chống nhà cửa, thu hoạch diện tích lúa lúa còn đang trên đồng.

Tính đến 13 giờ chiều 6-10, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xuất khẩn cấp 100 khối đá hộc, 60 rọ thép, 700m2 vải lọc và 3.000 bao tải kết hợp với việc sử dụng vật liệu địa phương để xử lý tạm thời tình trạng sạt lở khu vực bờ biển thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà. 

Người dân xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế chèn đá hộc khắc phục tạm thời tình trạng bờ biển sạt lở. Ảnh: Văn Thắng

Người dân xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế chèn đá hộc khắc phục tạm thời tình trạng bờ biển sạt lở. Ảnh: Văn Thắng

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, do ảnh hưởng gió bão số 7 và triều cường hoạt động mạnh, biển tiếp tục xâm thực, ăn sâu vào đất liền tại khu vực bờ biển thôn Thai Dương Hạ Nam từ 30-50m, kéo dài hơn 600m, nơi sâu nhất chỉ còn khoảng 20m và nguy cơ mở ra cửa biển mới thông với phá Tam Giang.

Cùng ngày, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức kêu gọi vào bờ và tổ chức neo đậu 1.810 tàu thuyền tránh trú bão số 7 an toàn. Trong đó, 7 phương tiện với 28 thuyền viên của Bình Định và Vũng Tàu. 7 doanh nghiệp trên địa bàn Thừa Thiên – Huế đã nhập vào kho dự trữ 200 tấn gạo, mì ăn liền và hàng trăm tấn hàng hóa thiết yếu khác, sẵn sàng chờ lệnh xuất kho của lãnh đạo UBND tỉnh khi xảy ra bão lụt. 

Tuy nhiên, để có đủ lương thực thực phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, giao thông cách trở, các địa phương vùng thấp trũng đã tích cực chủ động dự trữ hàng theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời tăng cường công tác dự trữ trong dân khoảng 7 ngày liên tục để không xảy ra tình trạng khan hàng, tư thương tự ý nâng giá gây khó khăn cho dân. 

Cũng trong sáng nay, lãnh đạo các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tiếp tục xuống những vùng xung yếu, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở chỉ đạo công tác di dời dân đến nơi an toàn. Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi, đến  20h ngày 5-10 đã tổ chức di dời được 212 hộ dân ở vùng có nguy cơ cao bị sạt lở núi, vùng lòng hồ thủy điện, vùng ngập lũ (Ba Tơ 99 hộ, Sơn Tây 11 hộ, Nghĩa Hành 102 hộ), ngoài ra sẵn sàng di dời 13.600 hộ khác theo phương án PCLB đã lập.

Còn tại tỉnh Phú Yên, tính đến 23h30 ngày 5-10, thị xã Sông Cầu đã di dời được 21 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi triều cường tại xã Xuân Hải; các xã, phường: Xuân Hòa, Xuân Thịnh, Xuân Thành, Xuân Đài đã sơ tán toàn bộ người già và trẻ em. Ngay trong sáng nay, tỉnh Phú Yên tiếp tục tổ chức sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm khác và dự kiến sẽ hoàn thành vào 14h chiều cùng ngày.

Trước diễn biến của bão số 7, chiều 6.10 trưởng ban PCLB tỉnh Lê Văn Trúc đã  kiểm tra và chỉ đạo xong công tác phòng tránh bão tại các địa bàn trong tỉnh. Nhiệm vụ trọng tâm của Phú Yên trong phòng chống bão ngày 6.10 là tập trung di dời dân tại các vùng trũng thấp, vùng xung yếu.

Theo chỉ đạo của tỉnh, tất cả các địa phương khẩn trương di dời dân tại các vùng xung yếu trước trước 14g chiều 6.10. Đặc biệt, chú ý các vùng trũng thấp dọc sông Ba. Khu vực ven biển tập các xã: Xuân Hải, Xuân Hòa (TX Sông Cầu), An Ninh Đông, An Hòa, An Chấn (huyện Tuy An), xã An Phú, P. Phú Đông, P 6 (TP Tuy Hòa), Hòa Xuân Đông, Hòa Tâm, Hòa Thành (huyện Đông Hòa). Khoảng gần 1000 hộ dân sẽ được di dời ngay trong ngày.
  
Ngoài ra, sau khi bão vào sẽ xảy ra mưa lớn khu vực Phú Yên và Tây Nguyên. Dự kiến lượng mưa sẽ khoảng 450mm. Phú Yên sẽ hứng chịu toàn bộ lượng nước lũ này. Tỉnh Phú Yên làm việc với Ban quản lý các hồ chứa thủy điện  phối hợp điều tiết lũ, bằng mọi cách phải hạ mực nước trên hồ ở mức an toàn. Ở khu vực ven biển tuyệt đối không để người trên các lồng bè nuôi tôm, không cho tàu thuyền ra biển.Cùng ngày, Phú Yên đã chuẩn bị 3500 cán bộ chiến sỹ cùng hệ thống trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu.

Đến 15 giờ chiều 6.10, trên địa bàn Phú Yên có mưa rất to. Gió thổi vừa. Công các phòng chống bão của người dân ở các xã ven biển đã được cơ quan chức năng đôn đốc tuần tra nhắc nhỡ kỹ lưỡng, nhất là những khu dân cư ở gần biển.

Ngư dân xã An Hòa, huyện Tuy An tranh thủ đẩy lại những chiếc thúng chai của mình lên lên bờ trước khi bão đến. Ảnh: Quốc Thắng

Ngư dân xã An Hòa, huyện Tuy An tranh thủ đẩy lại những chiếc thúng chai của mình lên lên bờ trước khi bão đến. Ảnh: Quốc Thắng

Các địa phương miền Trung cũng lên phương án đối phó với lũ lớn khi bão đi qua. Dự báo, trong chiều tối 6-10 và những ngày tiếp theo, mưa lớn sẽ xảy ra trên diện rộng, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên nhanh. Các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2. Chính vì vậy, việc dự trữ lương thực, nước uống cho người dân đủ sử dụng trong 3-4 ngày khi xảy ra lũ lớn làm cô lập đang được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng huy động lực lượng cùng các phương tiện khẩn trương gia cố các hồ chứa đang bị xuống cấp, tránh để xảy ra nguy cơ vỡ đập, hồ khi có mưa lớn. Bởi đến nay, hầu hết các hồ chứa, đập thủy điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dung tích nước đạt từ 80-90%, có nơi đạt 100%.

Ngay trong sáng nay Đoàn công tác Trung ương do Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đến thị sát tình hình và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 7 ở các địa phương miền Trung, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, nơi tâm bão đi qua.

Đối với tàu thuyền của ngư dân, đến sáng nay đã có 21.172 tàu/ 98.742 người của các địa phương từ Quảng Trị đến Phú Yên đã vào bờ hoặc tìm nơi trú bão an toàn. Ngoài ra, còn có 247 tàu/3.583 người ở khu vực Trường Sa; 5 tàu/72 người của tỉnh Quảng Ngãi đang tránh trú tại quần đảo Hoàng Sa.

>>Miền Trung khẩn cấp ứng phó bão số 7

Tr.Vũ - Nguyễn Hùng - Văn Thắng - Quốc Thắng

Tin cùng chuyên mục