Hàng trăm ngàn tấn vải thiều, không chỉ là đặc sản mà còn là kế sinh nhai của hàng ngàn hộ gia đình ở miền Bắc, đang đứng trước những cánh cửa lớn để xuất khẩu tới nhiều thị trường mới đầy tiềm năng.
Giảm phụ thuộc vào một thị trường
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, vụ vải năm 2016, tổng sản lượng của tỉnh Bắc Giang chỉ đạt khoảng 130.000 tấn, giảm khoảng 65.000 tấn so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều năm nay, cứ đến mùa vải chín, dù được mùa hay mất mùa thì nông dân trồng vải đều lo lắng về những chuyện như được sản lượng thì mất giá, được giá thì bị ùn tắc trong khâu vận chuyển. Nguyên nhân là do nhiều năm nay, thị trường xuất khẩu vải thiều Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, trung bình mỗi năm, chúng ta xuất sang Trung Quốc khoảng hơn 100.000 tấn vải thiều (được trồng ở các tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái) thông qua hai cửa khẩu chính là Kim Thành (Lào Cai) và Tân Thanh (Lạng Sơn). Từ tháng 6 sang đầu tháng 7, hàng ngàn xe tải chở vải ngược lên cửa khẩu - như tại cửa khẩu Kim Thành thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài, xe đợi 2-3 ngày mới xuất sang được. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do vải chỉ xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, không có hợp đồng tiêu thụ và cơ quan kiểm dịch của nước nhập khẩu “làm chặt”.
Từ tháng 5, chính quyền các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp vào tiêu thụ, xuất khẩu vải. “Về hoạt động kiểm dịch, chúng tôi đã chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch của Trung Quốc, đề nghị họ năm nay ưu tiên cho trái vải thiều của Việt Nam để tránh tình trạng ùn tắc. Đồng thời, chúng tôi cũng đã chỉ đạo hệ thống kiểm dịch tại tất cả các cửa khẩu dồn sức, làm việc không quản giờ giấc từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm, cần thiết thì tăng cường nhân viên từ Hà Nội lên… để tạo mọi thủ tục tốt nhất cho tư thương xuất vải thiều sang Trung Quốc” - ông Hoàng Trung chia sẻ.
Mặc dù vậy, trong chiến lược lâu dài chúng ta không thể chỉ phụ thuộc vào một thị trường. Ngoài ra, trái vải thiều cũng như hơn 10 loại trái cây khác như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa… là đặc sản của Việt Nam mà nhiều quốc gia khác không thể cạnh tranh về độ thơm ngon cần được nâng cao hơn về giá trị thông qua mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng hơn.
Trung tâm chiếu xạ vải thiều tại Hà Nội Ảnh: TRẦN HIẾU
Năm 2015 là năm đánh dấu tín hiệu mới về mở cửa thị trường xuất khẩu trái cây Việt Nam sang các thị trường khó tính. Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu sang Mỹ hơn 3 tấn vải, 30 tấn cũng đã được đưa sang thị trường Australia. Mặc dù hiện tại sản lượng xuất khẩu vẫn chưa nhiều nhưng đây là bước chinh phục khởi đầu để trái vải được các thị trường mới đầy tiềm năng chấp nhận, công việc còn lại là chúng ta tổ chức trồng - chứng nhận và đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, kiểm dịch như thế nào… Theo ông Hoàng Trung, trong vụ vải 2016, chúng ta đã cấp được 29 mã số sản xuất theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) cho 300ha vải thiều (chủ yếu ở Bắc Giang) để xuất khẩu đi Mỹ và Australia. Hiện tất cả các vườn có mã số đều được các doanh nghiệp “đặt hàng” hết để xuất khẩu.
Còn theo ông Phạm Ngọc Tú, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Dương Sao (TPHCM), lô vải thiều đầu tiên của vụ vải 2016 (mua ở huyện Lục Ngạn - Bắc Giang) với khối lượng hơn 1 tấn đã được công ty xuất khẩu thành công vào Mỹ và dự kiến năm nay sẽ xuất khoảng 10 - 20 tấn, giá thu mua của bà con cũng cao hơn giá thị trường từ 10% tại thời điểm mua.
Chi phí chiếu xạ giảm 16 triệu đồng/tấn
Ông Hoàng Trung cho rằng, việc đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp mặc dù cần kiên trì nhưng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Song, khó khăn nhất hiện nay là việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để tổ chức các vùng trồng đạt yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch cũng như vai trò giám sát của cơ quan chứng nhận thì mới có thể thâm nhập vào thị trường lớn. Các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Australia… không chấp nhận trong trái vải có sâu đục quả cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Để loại trừ sâu đục quả cần phải xử lý chiếu xạ (hoặc hơi nước nóng).
Từ năm 2015 về trước, các doanh nghiệp ở miền Nam ra Bắc Giang, Hải Dương thu mua vải xong phải vận chuyển ngược vào TPHCM mới có chiếu xạ, sau đó mới có thể đưa ra sân bay để làm thủ tục xuất khẩu. Nhưng từ tháng 4-2016, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng của Bộ KH-CN) được đưa vào sử dụng đã rút ngắn cả khoảng cách lẫn chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu vải. Tuy nhiên, để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp tục giảm gánh nặng về chi phí hơn nữa, các hãng hàng không cần xem xét tăng thêm không tải và giảm chi phí vận chuyển cho trái vải. Nếu chi phí giảm, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nhảy vào thu mua, tiêu thụ vải thiều cũng như các loại trái cây đặc sản của Việt Nam để xuất khẩu ra các thị trường lớn và tiềm năng khác.
PHÚC HẬU