Chim vịt kêu chiều

Chim vịt kêu chiều

Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau
” (ca dao)

Tháng bảy, con về quê và bắt gặp một mùa mưa xưa cũ. Đó là một thứ mưa rả rích, ngày này qua ngày khác. Mưa như thế trong ruộng gọi là mưa thúi đất. Đồng nước mênh mông. Chiều tím một góc trời xa thẳm. Đâu đó tiếng nhái bầu ngắt nga, hòa lẫn với tiếng chim vịt kêu chiều. Chim vịt là con vịt lạc bầy vào mùa nước nổi. Nó sống bơ vơ côi cút giữa đồng không mông quạnh. Nó cất tiếng kêu lạc loài nghe xót xa vô tận. Tiếng chim vịt kêu chiều hay đó là một thứ tiếng lòng của đất này mà mùa mưa dầm tháng bảy nào cũng nhớ má đến lạ. Con nhớ hồi nhỏ, cũng như chiều tháng bảy như thế, má dầm mình giữa đồng sâu cấy lúa đến đỏ đèn. Con và mấy đứa em ở trong chòi ruộng nhao nháo chờ cơm. Má về, tay cầm bụi bông súng. Chưa kịp tắm đã vội thổi lửa nấu cơm rồi xoay qua tắm rửa, thay quần áo cho tụi nhỏ. Mâm cơm dọn lên chỉ có nồi mắm kho lõng bõng, vậy mà mẹ, con mình vừa chan vừa húp soàn soạt. Má dịu dàng nói với các con “Năm nay lúa trúng, má sẽ may cho mỗi đứa một bộ đồ vải sọc, dẫn các con đi chợ Bạc Liêu chơi…” má sống bằng niềm hy vọng đơn sơ như thế, còn các con sống bằng vòng tay gian truân mà ấm áp của má.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Thuở nền nông nghiệp chưa có những giải pháp tân kỳ, mồ hôi nước mắt của má đổ tràn lên cánh đồng phèn mặn cũng chỉ đạt một vụ mùa loe hoe những bông trái lép. Đó là khi gió bấc rao ngọn, má cắp thúng, mắt đỏ hoe, lục lọi trong đám cỏ năng cỏ nước mặn… để mót những bông lau chắc. Vậy mà, rồi một câu chuyện thần kỳ xảy ra. Chúng con lớn lên, phổng phao có danh vị với đời từ những hạt lúa chắt chiu cực khổ như thế. Giờ đây sau khi đã thực hiện xong nửa kiếp người với đầy sương gió và đắng cay, con vẫn nhớ như in những bông lúa trong đôi tay sạm nắng của má.

Tháng bảy cũng là tháng thu hoạch rau, trái trên miếng rẫy đầu doi. Con còn nhớ miếng rẫy nhà mình xưa là cụm rừng trâm bầu, má cần mẫn mà sức vóc như một người đàn ông tráng kiện, má bứng góc trâm bầu đến đôi tay bật máu để trồng rau cải, dưa leo, đậu đũa, khổ qua… má sắp hàng vào quang gánh. Con đưa má qua sông để bán trên xóm Cả Vĩnh. Con vô tư khi đôi chân gầy guộc của má run rẩy vì trượt bãi lầy với một gánh nặng 50kg. Chiều con đón má, má cười thật tươi đưa con miếng bánh chuối chiên mua của bác Út Xinh. Con nhảy tót lên đầu giống cho má gánh về bên sông. Năm 25 tuổi, biết sương gió cuộc đời, con mới rùng mình nhận ra những nốt chai trên đôi vai của má!

Má ra đi để lại cả đời con hai điều ân hận: Một là nếu con không ra đi lo cho sự nghiệp của riêng mình mà ở nhà gánh vác thì má sẽ không cực khổ như thế. Hai là con không nuôi má sung sướng được một ngày. Cái khổ sở của một kẻ sống không trọn chữ hiếu làm con u mê, lú lẫn. Rằm tháng bảy con về quê báo hiếu theo kiểu mê tín. Tháng bảy theo kinh Phật là tháng báo hiếu, theo dân gian là tháng “cô hồn”. Một năm chỉ có một ngày cúng những tháng ngày còn lại không biết má vật vờ đói lạnh nơi đâu? Thế là con đi chùa Cô Bảy (Bạc Liêu) để báo hiếu, cầu mong cho linh hồn của má mát mẻ nơi chín suối. Cô vải bảo: “Đây là người hạnh phúc, hãy gắn lên ngực người một bông hồng đỏ. Kia là kẻ mồ côi mẹ, hãy gắn lên ngực người một bông hồng trắng”. Và thế là ngực con lấp lánh một đóa hoa màu tang. Trắng, đỏ chỉ là sự khác biệt gam màu, vậy mà má ơi sao tủi buồn đến thế, ngày xưa mỗi bận gặp tai ương hoạn nạn là con về. Má thắp nhang vái lạy trời Phật cho con tai qua nạn khỏi. Thật lạ lùng cái đức tính dân dã cộng tình thương mênh mông của má làm cho con thanh thản trong lòng. Rồi má ra đi, con tự đi mua khăn tắm, quần cụt. Con ngồi lặng lẽ đơm cái nút áo vừa sút, trật tay kim đâm rớm máu. Nhìn giọt máu tươi, con chạnh lòng nhớ đến phận cút côi như đàn đứt dây của mình.

Thanh minh con mang tiền về xây mộ cho má. Tiền thì con chắt lọc thật kỹ, loại ra những thứ ươn hèn.

Bác Tám Lượm dạy con thắp nhang lạy rồi vái rằng: Xin với đất đai Dương Trạch… cho tôi được động mồ động mả để đưa mẹ tôi đến mồ yên mả đẹp… con làm theo thành khẩn và thiết tha.

Chôn má mới có 10 năm, vậy mà nắp quan tài mục ruỗng. Sụp xuống, đất đè lên. Con run rẩy, thận trọng móc từng cục đất nhỏ xíu, sợ đụng chạm đến hình hài của má. Tấm cao su bó thi hài má lên. Không biết vì sao con nhìn thi hài của má sợ hãi tột cùng. Con run lẩy bẩy vạch lớp cao su ra và… Má ơi! Có còn đâu, một nửa của má đã về với đất theo quy luật của vũ trụ, một nửa còn lại là nắm xương tàn. Chế Sáu khóc, thằng Mỹ khóc, thằng Cảnh khóc… còn con mắt ráo hoảnh và hung tợn. Như thể căm giận kẻ đã để thân thể mẹ mình vùi dập dưới sình lầy hàng chục năm qua.

Xây mộ má xong. Chiều, con lén mọi người một mình ra mộ má để lạy. Con thủ thỉ: “Sáng sớm mai con lại ra đi. Việc trông mồ mả, khói hương con chỉ biết nhờ hai đứa em. Tha lỗi cho con má ơi, đời cấm rễ con ở xa mọt mờ…”.

Sau đó thì con đánh rơi tiếng khóc. Tiếng khóc nghe bơ vơ lạc loài như tiếng chim vịt kêu chiều.

PHAN TRUNG NGHĨA

Tin cùng chuyên mục