Chính phủ được áp dụng các biện pháp đặc biệt để phòng, chống dịch Covid-19 ​ ​

Quốc hội kêu gọi cả hệ thống chính trị và toàn dân, đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm nỗ lực vượt mọi khó khăn để thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch Covid-19

 

Họp Quốc hội ngày 28-7. ẢNH: QUANG PHÚC
Họp Quốc hội ngày 28-7. ẢNH: QUANG PHÚC

Chiều 28-7, trước khi bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. 

Nội dung Nghị quyết đề cập đến các nội dung mà kỳ họp đã hoàn thành như công tác kiện toàn nhân sự; thảo luận và thông qua các Nghị quyết quan trọng. Đặc biệt, nội dung Nghị quyết tập trung đề cập đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, sự chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ cán bộ ngành y tế, quân đội, công an, các tình nguyện viên… trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Quốc hội trân trọng sự đồng hành, tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tinh thần tự giác, trách nhiệm, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và sự đoàn kết, chia sẻ, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường hiện nay, đòi hỏi phải có các giải pháp ứng phó kịp thời, đồng bộ, phù hợp. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 124/2020/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021.

Thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chính phủ được áp dụng các biện pháp đặc biệt để phòng, chống dịch Covid-19 ​ ​ ảnh 1 Tổng thư ký Quốc hội trình bày dự thảo Nghị quyết.  ẢNH: VIẾT CHUNG

Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách.

Thứ nhất, quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.

Thứ hai, thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vaccine phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chính phủ được áp dụng các biện pháp đặc biệt để phòng, chống dịch Covid-19 ​ ​ ảnh 2 Các ĐBQH dự họp ngày 28-7. Ảnh:VIẾT CHUNG

Thứ ba, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

Thứ tư, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Thứ 5, thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “Quỹ vaccine”; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng, chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng…

Cùng với một số giải pháp khác, các giải pháp này áp dụng đến hết ngày 31-12-2022 và phải báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường phân cấp cho các địa phương để bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19. Căn cứ tình hình thực tế và nếu thấy cần thiết thì Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp này tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022).

Quốc hội kêu gọi cả hệ thống chính trị và toàn dân, đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm nỗ lực vượt mọi khó khăn để thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch Covid-19, đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết, vừa phải phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tin cùng chuyên mục