Trong 2 ngày 5 và 6-3, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2. Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, đồng thời xem xét một số báo cáo, đề án quan trọng. Chiều qua, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 2.
Đã đi đúng hướng
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định, tình hình có nhiều tín hiệu lạc quan. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 chỉ tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 2,38% so với cuối năm 2011, thấp hơn nhiều so cùng kỳ và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Lãi suất tín dụng có xu hướng giảm nhẹ, rõ nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu. Thị trường ngoại hối tương đối ổn định, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện, tỷ giá giao dịch có xu hướng giảm. Xuất khẩu tăng 24,8% so cùng kỳ năm trước, nhập siêu tương đương 4,1% kim ngạch xuất khẩu, giảm nhiều so cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 22%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 27,1%. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu đầu tư công được thực hiện tích cực và đạt những kết quả bước đầu.
| |
Kết luận phiên họp, nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm đã có chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, không thể chủ quan.
Tinh thần chung là tiếp tục ưu tiên kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành chức năng cần quyết liệt chỉ đạo điều hành để giữ vững sự ổn định về tỷ giá. Cùng với đó, có lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp với tình hình thực tế, dứt khoát điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, thực hiện điều hành giá cả những mặt hàng thiết yếu này vừa bảo đảm mục tiêu theo cơ chế giá thị trường vừa đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Thủ tướng cũng chỉ đạo việc tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất ngân hàng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý. Thủ tướng khẳng định, việc thực hiện lộ trình giảm lãi suất là có cơ sở khách quan, không phải duy ý chí, việc giảm lãi suất dựa trên cơ sở thanh khoản ngân hàng đã được cải thiện một bước, CPI giảm tốc… Đi liền với kiềm chế lạm phát, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho…
Giảm lãi suất sẽ bảo đảm không gây áp lực lên lạm phát
Tại buổi họp báo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho hay, từ đầu năm đến nay tiền tệ đang có chiều hướng diễn ra thuận lợi. Mức lãi suất đã giảm rất mạnh, biến động từ 7% - 14% thông qua các kỳ hạn. Hiện nay lãi suất 1 tuần, 2 tuần chỉ 6% - 7%, lãi suất tháng hiện nay cũng chỉ 14%.
Hiện nay có khoảng 9 tổ chức tín dụng có tình hình tài chính yếu kém, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát chặt chẽ để tái cơ cấu lại. “9 tổ chức này chỉ chiếm chưa đến 10% trong hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng, vì vậy tuy vẫn diễn ra tình trạng lãi suất không lành mạnh, nhưng hoạt động của họ không ảnh hưởng đến hệ thống”, ông Bình khẳng định.
Về lộ trình giảm lãi suất, ông Bình cho biết, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đã đến lúc hạ mặt bằng lãi suất xuống 1%. “Tất cả các lãi suất sẽ được giảm 1%, trần lãi suất cũng sẽ được giảm 1% trong vài ngày tới”, ông Bình thông báo. Trả lời câu hỏi liệu việc giảm lãi suất này có vội vã, việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể gây áp lực lên lạm phát?, ông Bình cho biết đã tính toán, hài hòa tất cả các mặt lợi ích để quyết định hạ lãi suất.
Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất theo định hướng kiềm chế lạm phát. Nếu năm nay lạm phát giảm dưới 10% thì lãi suất huy động của ngân hàng cũng xung quanh khoảng 10%. Ngân hàng Nhà nước đang điều hành tiền tệ, lãi suất theo đúng kịch bản đã đề ra, theo đúng tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ về ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Riêng về thị trường chứng khoán, ông Bình cũng nhận định, nếu bơm tiền để cứu chứng khoán thì chỉ là “ăn xổi ở thì”. Các biện pháp hiện nay mà ngân hàng đang điều hành là để tạo sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán. Xu hướng là khi lãi suất ngân hàng giảm, các nhà đầu tư sẽ phải tính toán các kênh đầu tư, trong đó có chứng khoán, đó là giải pháp vững chắc để chứng khoán phát triển.
Về vấn đề giá gas, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, do gas trong nước sản xuất còn hạn chế nên phụ thuộc giá nhập khẩu. Tới đây, Bộ Công thương sẽ họp bàn các biện pháp tăng cường quản lý giá cả, trong đó có giá gas. Bộ cũng đang xem xét việc đấu thầu giá gas sản xuất trong nước. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết thêm, giá gas thế giới tăng mạnh khiến các doanh nghiệp tăng giá bán, tuy nhiên Nhà nước sẽ kiểm soát không để tăng giá bất hợp lý. Đó cũng là định hướng điều hành giá xăng dầu.
THÀNH VINH
| |