Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với kết quả sít sao 155 phiếu thuận, 143 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Với thắng lợi “nghẹt thở” này, ông G.Papandreou có thể tiếp tục theo đuổi những cải cách kinh tế quan trọng để đổi lấy gói cứu trợ mới giúp Hy Lạp. Quan trọng hơn, thắng lợi trên còn giúp châu Âu thở phào nhẹ nhõm trong bối cảnh bóng ma nợ công đang nhăm nhe nuốt chửng lục địa già.
Quyết tâm thắt lưng buộc bụng
Ngay sau khi tái đắc cử, ông G.Papandreou cùng nội các Hy Lạp khẩn trương xúc tiến các giải pháp cứu nguy Hy Lạp. Thủ tướng Hy Lạp đã chủ trì cuộc họp để thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng mới, hứa hẹn tiết kiệm cho chính quyền Athens 28 tỷ EUR từ nay đến 2015. Nội các Hy Lạp cũng tiếp tục thảo luận về kế hoạch tư nhân hóa tài sản quốc gia với kỳ vọng mang về cho ngân sách nước này khoản tiền 50 tỷ EUR.
Nếu không thông qua được các giải pháp mới này, Athens sẽ không thể tiếp cận gói cứu trợ trị giá 12 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào tháng 7 này, thời điểm ngân sách Hy Lạp cạn tiền.
Những giải pháp của Chính phủ Hy Lạp hiện đang vấp phải sự phản đối của người dân nước này. Ngay sau khi công bố kết quả bỏ phiếu, cảnh sát chống bạo động tại Athens đã phải dùng hơi cay để giải tán khoảng 200 người biểu tình quá khích dùng chai lọ và các đồ vật khác tấn công lực lượng bảo vệ tòa nhà Quốc hội.
Trong khi đó, các nghiệp đoàn tại Hy Lạp thông báo kế hoạch tiến hành cuộc tổng đình công kéo dài 2 ngày nếu Quốc hội nước này thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng mới.
Bất chấp làn sóng phản đối trong nước ngày một dâng cao, tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos cho biết bằng mọi cách chính phủ sẽ thông qua 2 giải pháp trên vào ngày 30-6.
Chỉ là đối sách tạm thời
Không chỉ có Hy Lạp mới đau đầu với vấn đề nợ công. Cả châu Âu hiện đang dõi theo các diễn biến trong quá trình xử lý món nợ công khổng lồ, giờ đã vượt quá 350 tỷ EUR của Athens. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã phải thốt lên rằng kết quả cuộc bỏ phiếu là “tin tốt lành với Hy Lạp và EU”.
Liên minh châu Âu (EU), IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), những chủ nợ đưa ra gói cứu trợ 110 tỷ EUR giúp Hy Lạp thoát khỏi phá sản năm 2010, đã yêu cầu chính quyền Athens phải thực hiện cắt giảm ngân sách triệt để. Nếu ông G.Papandreou không tái đắc cử, EU sẽ phải chờ đợi chính phủ mới của Hy Lạp thành lập, rồi xem xét các chính sách kinh tế của chính phủ mới có phù hợp, đáp ứng được những yêu cầu của EU trong việc giải quyết nợ hay không. Thời gian kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế EU.
Một khi Hy Lạp vỡ nợ, các ngân hàng châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các khoản vay dành cho Hy Lạp sẽ trở thành nợ xấu, khó đòi. Đồng thời, sẽ làm sống dậy mối lo về khủng hoảng tài chính tại các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung EUR (eurozone) như Bồ Đào Nha, Ireland và Tây Ban Nha - những quốc gia cũng đang phải đối mặt với vấn đề nợ công như Hy Lạp.
Theo một số chuyên gia, cho dù Hy Lạp có tiếp cận được gói cứu trợ tài chính mới của châu Âu, điều đó cũng chỉ có thể giúp Athens “dễ thở” thêm trong vài tháng trước khi lại phải đối mặt với viễn cảnh bị vỡ nợ. Bởi kế hoạch cứu trợ lần thứ 2 này có cách tiếp cận giống như gói cứu trợ lần đầu được đưa ra hồi tháng 5-2010.
Theo đó, không bao gồm các biện pháp trực tiếp cắt giảm nợ của Hy Lạp mà chỉ cố ngăn chặn tình trạng vỡ nợ cho tới khi Athens có thể cải cách ngân sách của mình và nền kinh tế Hy Lạp bắt đầu phát triển, thoát khỏi khó khăn.
Cách tiếp cận này đã bắt đầu tỏ ra không hiệu quả sau 9 tháng thực hiện do Athens không trả được nợ và không đạt được các mục tiêu tăng trưởng, đồng thời sự ủng hộ chính trị đối với các biện pháp thắt lưng buộc bụng ở trong nước đã suy yếu từ năm ngoái.
ĐỖ VĂN