Đến thời điểm này, cả nước có khoảng 40 địa phương thu ngân sách đạt kế hoạch, trong đó có những địa phương lớn như TPHCM, Hà Nội. Đây là một thông tin rất đáng mừng được Chính phủ và các địa phương chia sẻ tại hội nghị Chính phủ họp với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 diễn ra hôm qua, 23-12.
9 nhóm giải pháp cho năm 2014
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm 2013 ước đạt 790,8 ngàn tỷ đồng, đạt 96,9% dự toán năm, tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2012; tổng chi NSNN ước đạt 986,3 ngàn tỷ đồng, đạt 100,8% dự toán năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2012; bội chi NSNN bằng 5,3% GDP. Năm 2013, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra. Theo báo cáo của Chính phủ, GDP cả năm ước tăng 5,421%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 5,5% nhưng cao hơn năm 2012 (5,25%). Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong một thời gian khá dài thì đây là mức tăng hợp lý.
Triển khai nhiệm vụ năm 2014, Chính phủ đã đưa ra dự thảo Nghị quyết của Chính phủ với 9 nhóm giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014 mà Quốc hội đã thông qua.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, giải pháp hàng đầu vẫn là giải pháp tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Năm 2014 sẽ tập trung xử lý nợ xấu, triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác. Không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật).
Thứ hai là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất. Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó về nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, năm 2014 sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, nhất là các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 14)...
Các nhóm giải pháp còn lại bao gồm bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội…
Cần giải pháp thực tế hơn cho bất động sản
Trọn ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng và 5 Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã tập trung để nghe ý kiến đóng góp của các địa phương cho 9 nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Đa số các địa phương đều cho rằng, năm 2014 Chính phủ phải xác định được những đột phá để tạo chuyển biến tích cực cho tình hình kinh tế-xã hội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, năm 2014 cần tạo động lực cho tăng trưởng, trong đó có phát triển hạ tầng, cần có chính sách đủ mạnh để làm tan băng thị trường bất động sản (BĐS). “Nên chăng, năm 2014 các ngân hàng cần có gói tiền để giải cứu nguồn tiền mà ngân hàng đang bị đóng băng ở thị trường BĐS, chứ không chỉ là gói giải cứu BĐS của Chính phủ. Phải chấp nhận khuyến mại, giảm giá để giải phóng hàng BĐS. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ phải kích cầu nền kinh tế, nhằm vào hàng tiêu dùng đang tồn kho. Cùng với đó là kích cầu đầu tư, kể cả đầu tư công, vì kích cầu đầu tư sẽ giải quyết hàng tồn kho, tạo điều kiện cho tăng trưởng.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đề xuất, Chính phủ cần tập trung để hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) tái cấu trúc, nhất là các DN nhà nước; công nghiệp phụ trợ; DN vừa và nhỏ. “Vừa qua, TPHCM hỗ trợ 1.300 DN với tổng vốn 7.400 tỷ đồng để đổi mới công nghệ, thiết bị, rất hiệu quả. Đề nghị Chính phủ miễn thuế nhập khẩu thiết bị, công nghệ; miễn thuế thu nhập cho DN vừa và nhỏ đầu tư kỹ thuật cao để tạo điều kiện cho các DN đổi mới công nghệ. Họ sẽ nâng cao được năng suất, sức cạnh tranh”, Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất.
Tuyển cán bộ, công chức theo chất lượng
Tương tự ý kiến các địa phương khác, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho rằng, đầu tư hạ tầng đồng bộ là rất quan trọng để tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là các dự án để thích nghi với biến đổi khí hậu. Hiện nay, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, nhiều địa phương chịu tác động lớn từ bão lũ, triều cường, băng giá... Vì vậy đề nghị Chính phủ chỉ đạo sâu sát vấn đề này, nhất là ở TPHCM, ĐBSCL. Các địa phương như Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng... đều cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên cho đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (các tuyến cao tốc, sân bay…).
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, các địa phương đề nghị Chính phủ tăng cường phân cấp cho bộ, ngành, địa phương để chủ động, sáng tạo trong điều hành thực thi nhiệm vụ, nhất là trong thu hút FDI. “Thái Nguyên đang thu hút đầu tư rất tốt, nhưng khó khăn hiện nay là về hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp thì địa phương phải lo. Ngân sách địa phương ít nên rất vướng trong việc này. Đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ cho địa phương”. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long đề nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cũng đề xuất, Chính phủ cần cân đối nguồn để tăng vốn đối ứng ODA, nhất là cho những tỉnh thành chưa cân đối được ngân sách. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh rằng, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay “có vấn đề”, nguyên nhân một phần từ khâu tuyển dụng. “Ví dụ như ở Thanh Hóa, năm 2013 tôi chỉ đạo thi tuyển công chức rất nghiêm, yêu cầu không được “gửi gắm”. Kết quả, 419 thí sinh thì hết buổi thi thứ nhất đã có 70 thí sinh bỏ thi, chắc do không làm được bài. Cả đợt thi chỉ có 120 thí sinh đủ điểm để xét tuyển, chỉ đạt trên 28%. Như vậy là đã rõ. Mấy năm trước cứ thi là đậu. Để định giá bao nhiêu phần trăm cán bộ công chức làm được việc thì khó, nhưng chắc chắn là 2 con số chứ không thể 1% - 2%”, Chủ tịch Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, tất cả các ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm đề án về đổi mới cách tuyển dụng của Bộ Nội vụ để nâng chất cán bộ công chức.
PHAN THẢO