Báo cáo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2020 của Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương ngày 2-7 cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, nhiều quốc gia còn đang vật lộn với dịch bệnh và chưa thể có giải pháp hữu hiệu phục hồi nền kinh tế và có mức tăng trưởng âm, việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81% tuy là thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng là đáng ghi nhận, nước ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương.
Báo cáo Bộ KH-ĐT cho hay, lao động, việc làm tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm khoảng 2,4 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người lao động giảm.
Các gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ tiếp tục được triển khai tích cực. Tuy nhiên, qua phản ánh của nhân dân, việc tiếp cận chính sách còn rất khó khăn, thủ tục phức tạp, tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ chưa đạt yêu cầu, cần khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ ngay các vướng mắc để chính sách thực sự đến với người dân.
Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, theo dự báo, kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đang suy thoái nghiêm trọng, các tổ chức quốc tế như IMF, WB đều điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới như đã nêu ở trên, tổ chức OECD dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm (-) 6% và dự báo trường hợp dịch Covid-19 bùng phát lần hai thì tăng trưởng hạ xuống còn âm (-) 7,6%.
Mặc dù vậy, các tổ chức vẫn đánh giá tích cực tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong đó IMF dự báo tăng 2,7%, WB dự báo tăng 2,8% và ADB dự báo tăng 4,1%.
Diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, khó lường và Việt Nam chưa thể mở cửa trở lại với các quốc gia; triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sản xuất được vaccine, thuốc điều trị Covid-19. Nếu để dịch bùng phát trở lại trong nước thì hậu quả sẽ rất nặng nề, sẽ có nhiều doanh nghiệp bị tổn thương, tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản... ảnh hưởng rất lớn đến thành quả phát triển của đất nước trong những năm gần đây và sẽ mất rất nhiều năm, nhiều chi phí để phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển cho đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng nhận định, tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn. Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, ngay lúc này, chúng ta cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung cao độ; nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đề ra. Tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.
Cùng với đó, khẩn trương tổ chức các đoàn công tác của Chính phủ, đoàn công tác liên ngành và của từng bộ, ngành kiểm tra, làm việc cụ thể với các vùng động lực, địa phương lớn (như TPHCM...) để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề hỗ trợ tăng trưởng.
Tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm: đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn heo, ổn định giá thịt heo trong nước; duy trì sản xuất các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế; đẩy mạnh kích cầu và củng cố nền tảng thị trường nội địa, tiếp tục triển khai mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa.
Song song đó, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới. Khuyến khích tổ chức tín dụng triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi để góp phần duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý, bảo đảm khôi phục sản xuất, việc làm cho người lao động. Tập trung thực hiện các giải pháp về lao động, việc làm.
Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và tăng cường xúc tiến thu hút có chọn lọc và hợp tác đầu tư nước ngoài. Rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Sớm kích hoạt Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về thu hút đầu tư nước ngoài.
Đẩy mạnh thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công. Đây là giải pháp trọng yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm, người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm chỉ ước đạt 156.000 tỷ đồng, bằng 33,1% kế hoạch. Do đây là giải pháp quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nên trong các tháng cuối năm cần phải thực hiện các giải pháp mạnh, kiên quyết để thúc đẩy thực hiện và giải ngân.
Bộ KH-ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đảm bảo triển khai được ngay sau khi Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư…