Chính sách “xí chỗ”

Tại Hội nghị G8 vừa qua, các nước phương Tây đã hứa hẹn 58 tỷ USD gọi là “khuyến khích cải tổ dân chủ” ở các nước Arab. Số tiền này không những dành cho những nước đã trải qua các cuộc nổi dậy lật đổ chính phủ mà còn cho cả các chính phủ đang tại vị ở các nước Trung Đông và Bắc Phi. Trong số các nước được phương Tây hứa hẹn trợ cấp tài chính không có Libya.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Canada Jim Flaherty, mỏ dầu lớn của Libya đồng nghĩa với việc nước này khỏi cần nhận tiền viện trợ và chuyện các “đại gia” phương Tây chia phần “chiếc bánh dầu mỏ” ở đây là chuyện đã được định đoạt.

Nhìn lại những cuộc nổi dậy tại các nước Arab vừa qua sẽ thấy mức độ giúp đỡ không đồng đều. Như tại Ai Cập và Tunisia, hai đồng minh lớn của Mỹ và châu Âu, ban đầu phương Tây còn rất miễn cưỡng, nếu không muốn nói là án binh bất động. Chỉ khi hiểu được rằng không thể nào tiếp tục duy trì mối liên hệ đồng minh với Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali hay Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak thì phương Tây mới nói đến chuyện thay đổi dân chủ để sớm tạo ảnh hưởng lên chính phủ mới.

Chính vì lẽ đó, người ta thấy hàng loạt quan chức Pháp dùng tiền và máy bay của ông Ben Ali phải từ chức. Hay như mới đây nhất, theo tiết lộ của các tài liệu mật, cơ quan tình báo CIA của Mỹ và MI6 của Anh từng hợp tác với các cơ quan an ninh của Libya trong đó Mỹ từng chuyển giao 4 nghi can khủng bố sang Libya giam giữ cũng như cả Mỹ và Anh cùng chia sẻ thông tin với Libya về các nghi can khủng bố.

Việc hợp tác như vậy sẽ là bình thường nếu chính phủ hai nước Mỹ và Anh không cáo buộc chính phủ của ông Muammar Gaddafi “vi phạm nhân quyền, đàn áp người biểu tình cũng như tra tấn những người bị giam cầm”. Cũng tương tự như vậy, Washington và nhiều nước châu Âu cũng bật đèn xanh để các nước vùng Vịnh đưa quân vào Bahrain giúp chính phủ đồng minh của họ dẹp các vụ biểu tình của lực lượng đối lập.

Nói tóm lại, các cuộc biểu tình nổi dậy ở các nước Arab thân Iran sẽ nhận được sự ủng hộ hết mình, chẳng hạn Syria. Nếu có nguồn dầu dồi dào như Libya càng được ưu tiên hơn. Xét cho cùng, đồng tiền đổ vào các nước Arab không phải để nhắm đến lợi ích trước mắt của dân chúng các nước đó. Nhìn lại cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, đời sống của dân chúng và kinh tế của họ hiện nay chẳng hề được cải thiện so với trước chiến tranh, chỉ có nguồn dầu hay nền dân chủ của họ chắc chắn sẽ “đi” theo đúng “lộ trình” của những nước can thiệp.

Sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cuối thập niên 1980 và Liên Xô đầu thập niên 1990, các cuộc ném bom của phương Tây giữa và cuối thập niên 1990 vào các nước Nam Tư cũ làm suy yếu Liên bang Nam Tư chủ trương theo đường lối XHCN dân tộc và giờ đây là các cuộc nổi dậy ở Arab làm suy yếu ảnh hưởng của Iran. Tất cả điều đó cho thấy các cuộc can thiệp dù bằng quân sự hay tài chính khoác áo dân chủ đều phục vụ cho mục đích của các nước can thiệp.

Điều làm người ta ngạc nhiên là trong bối cảnh kinh tế Mỹ và EU đang gặp nhiều khó khăn và chính họ chưa tìm được lối ra cho chính họ thì tại sao họ có thể hứa hẹn gần 60 tỷ USD cho các nước Arab? Dù sao đây cũng chỉ là lời hứa giống như việc “đặt một cục gạch” để xí chỗ trước. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục