Đột phá - Bắt đầu từ đâu?
Tại TPHCM vẫn còn hơn 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch, hàng ngàn hộ dân sống trong các chung cư cũ nát. Chính vì thế, Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã đề ra chương trình Chỉnh trang đô thị. Mục tiêu của TPHCM là đưa khoảng 100.000 người dân thành phố thoát khỏi cảnh sống chung với nghèo khó và ô nhiễm, góp phần xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để di dời hàng ngàn hộ dân, áp lực nguồn vốn lên ngân sách thành phố không phải là chuyện nhỏ. Báo SGGP đã ghi nhận được nhiều ý kiến, hiến kế tâm huyết.
Nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH TÀI: Công khai quy hoạch
Việc đề ra chương trình thứ bảy “Chỉnh trang đô thị” đã thể hiện rất rõ yếu tố nhân văn cũng như năng lực, tầm nhìn của Đảng bộ TPHCM. Đó chính là tinh thần chịu trách nhiệm, là quan điểm vì dân, lo cho dân. Để có thể thành công, Đảng bộ TPHCM và các cấp cần phát huy cho được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố để có được những giải pháp tích cực, phù hợp nhất. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của HĐND các cấp, MTTQ thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương, chính sách đến từng hộ gia đình; góp ý kiến với UBND TPHCM trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Song song đó, theo tôi cần tiếp tục thực hiện triệt để hơn nữa cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý đất đai, thực hiện công khai quy hoạch để người dân, doanh nghiệp đồng thuận.
Một khu dân cư mới ở quận 2. Ảnh: Việt Dũng
Giám đốc Sở Xây dựng TRẦN TRỌNG TUẤN: Xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư
Mục tiêu đến năm 2025, TPHCM sẽ hoàn thành di dời khoảng 20.000 hộ dân đang sống trên và ven kênh rạch; riêng giai đoạn 2016-2020 sẽ di dời 60% con số trên. Đối với chung cư cũ và xuống cấp thì phấn đấu đến 2020 sẽ cơ bản giải quyết việc xây dựng mới thay thế các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, kết hợp với chỉnh trang đô thị nhằm tạo ra các khu nhà ở mới có chất lượng tốt hơn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Để thực hiện được mục tiêu nói trên, trong số các nhóm giải pháp thì căn cơ nhất vẫn là xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư. Trong đó, cần xây dựng chính sách tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực quản lý đô thị của chính quyền các cấp, thu hút nguồn viện trợ quốc tế trong việc đầu tư hạ tầng đô thị; đa dạng hóa, khuyến khích hình thức đối tác công tư (PPP) đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị có khả năng thu hồi vốn thấp như cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải. Cần xã hội hóa đầu tư dự án chỉnh trang phát triển đô thị, nhằm huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia, chủ đầu tư được thành phố hoán đổi quỹ đất công dôi dư, mặt bằng kho bãi trên địa bàn TPHCM, đồng thời thực hiện phương án mở rộng biên thu hồi đất, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, nhằm tăng giá trị sử dụng đất để mời gọi đầu tư dự án chỉnh trang, phát triển đô thị.
Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN: Cần điều tra, đánh giá xã hội học
Tôi cho rằng đây là chương trình rất tốt, rất cần thiết. Để làm được và làm nhanh, TPHCM cần nghiên cứu triển khai các phương thức xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia, đồng thời cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết để đào tạo nghề, tìm kiếm, hướng dẫn việc làm cho cộng đồng người dân tái định cư. Thành phố cũng cần có các nghiên cứu điều tra, đánh giá xã hội học để từ đó có dự báo phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống và nhu cầu của người dân; đồng thời tổ chức thực hiện chương trình một cách đồng bộ, có hệ thống từ khâu đền bù, giải tỏa, bố trí nơi ở sau tái định cư đến giải quyết việc làm cho người dân. Trong đó, các chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư phải đảm bảo cho được yếu tố công khai, minh bạch, hợp tình hợp lý.
Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh NGUYỄN THỊ THU HÀ: Ban hành quy định cụ thể để hỗ trợ nhà đầu tư
Đối với các hộ sống trên và ven kênh rạch, nên có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với người dân nhận căn hộ tái bố trí (thay vì nhận tiền bồi thường). Nếu hộ dân đồng ý nhận căn hộ thì hỗ trợ giảm giá căn hộ tái định cư (giảm không kinh doanh hoặc bằng 80% giá thị trường); trường hợp chi phí hỗ trợ, bồi thường không đủ để mua căn hộ tái định cư thì cho phép trả góp, trả chậm. Ngoài ra, thực hiện giải pháp về mặt quy hoạch đô thị thì trong quá trình di dời các hộ sống ven kênh rạch cần phải chủ động xác định các khu vực khoét lõm dọc tuyến để lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, nhằm có nguồn quỹ đất sạch mời gọi nhà đầu tư tham gia chỉnh trang, phát triển đô thị các khu nhà lụp xụp cũng như đầu tư cải tạo các tuyến rạch đã giải tỏa.
Riêng đối với việc hoàn thành cải tạo đầu tư xây dựng lại các chung cư hư hỏng, việc di dời, bồi thường, giải phóng mặt bằng các chung cư hư hỏng nên thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách theo hình thức thu hồi đất, chứ không để nhà đầu tư thực hiện thỏa thuận thương lượng với người dân. Sau khi di dời, giải phóng mặt bằng sẽ tiến hành tổ chức mời gọi đầu tư xây dựng chung cư. Ngoài ra, thành phố nên ban hành các quy định cụ thể để hỗ trợ cho nhà đầu tư khi tham gia xây dựng các chung cư hư hỏng như tăng hệ số sử dụng đất, tầng cao, chỉ tiêu dân số, ưu đãi cho vay vốn, chính sách thuế… theo đúng tinh thần Nghị quyết số 34 của Chính phủ về thực hiện cải tạo các chung cư hư hỏng.
Bí thư Quận ủy quận Tân Phú NGUYỄN THÀNH CHUNG: Tạo sự kết nối đồng bộ với các khu vực lân cận
TPHCM cần tập trung nguồn vốn để tiến hành đền bù, giải tỏa nhằm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cơ bản, tạo sự kết nối đồng bộ với các khu vực lân cận, làm tiền đề cho việc mời gọi các thành phần kinh tế tham gia cải tạo, chỉnh trang đô thị. Thành phố cần có cơ chế, chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, cho vay với lãi suất ưu đãi… đối với các thành phần kinh tế tham gia vào việc thực hiện chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo chủ trương mời gọi của Nhà nước. Đồng thời, kiên quyết thu hồi đất đối với các tổ chức, cá nhân thuê đất nhưng sử dụng sai mục đích, sử dụng không hiệu quả để tạo quỹ đất đầu tư các công trình dịch vụ đô thị cơ bản như trường học, bệnh viện, công viên.
Chủ tịch UBND quận 8 BÙI TÁ HOÀNG VŨ: Nên có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp tham gia xã hội hóa
Với chủ trương kêu gọi đầu tư thực hiện di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch bằng hình thức xã hội hóa, để huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia thì việc có các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư là điều hết sức cấp bách và cần thiết để đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, di dời (ưu đãi về tín dụng, lãi suất đối với các khoản vay ngân hàng, các nhà đầu tư được phép thực hiện quy hoạch đầu tư các cụm chung cư cao tầng phục vụ tái định cư tại chỗ và được phép kinh doanh căn hộ trong dự án theo một tỷ lệ phù hợp nhằm thu hồi vốn…). Bên cạnh đó, cần sớm có chính sách ưu đãi về quy hoạch và tài chính để UBND quận có điều kiện thuận lợi trong việc mời gọi đầu tư thực hiện di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch. Trong trường hợp cần thiết thì nên có cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư.
LINH ĐAN - KHIẾT NHUNG (ghi)