Chịu đau để tiến lên

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài: TPHCM tiếp tục tiên phong
Chịu đau để tiến lên

Đó là một trong những ý kiến bộc bạch khi đề cập đến một cuộc “đại phẫu” để thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, mà chúng tôi ghi nhận được từ những lời tâm huyết của các đại biểu tại hội nghị giáo dục toàn quốc ngày 31-7 tại TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài:
TPHCM tiếp tục tiên phong

Chịu đau để tiến lên ảnh 1

Học sinh như một tờ giấy trắng, những tiêu cực trong giáo dục chủ yếu bắt nguồn từ người lớn. Ảnh: THÁI BẰNG

Để cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đi vào cuộc sống thì chúng ta cần làm rõ và minh định rạch ròi giữa cái được và chưa được, giữa thành tựu và hạn chế của ngành giáo dục cũng như nguyên nhân tạo nên những điều đó và các hệ lụy mà nó gây ra. Có làm rõ nguyên nhân và có giải pháp thiết thực thì chúng ta mới thật sự tiếp lửa và tiếp sức cho đội ngũ thầy cô giáo.

Đặt vấn đề như thế bởi chúng tôi tin tưởng rằng với truyền thống của nhân dân ta, với thế và lực của đất nước sau 20 năm đổi mới, với quyết tâm chiến lược của Đảng coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu…, nền giáo dục nước ta sẽ có những bước phát triển mới, trong đó TPHCM sẽ là một trong những địa phương tiếp tục thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp cao cả này.

TS Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau:
Cần xác định lại các tiêu chí thi đua

Ba năm qua, Cà Mau luôn là một trong 5 tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất nước, đặc biệt năm học 2004 – 2005, tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT chỉ đạt 17,85%. Chúng tôi nhiều lần phải giải trình và trả lời chất vấn của HĐND.

Tuy nhiên, điều thuận lợi của Cà Mau khi triển khai cuộc vận động này là lãnh đạo địa phương rất ủng hộ, không gây áp lực nào. Song bên cạnh đó vẫn có những khó khăn: nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; thói quen ỷ lại, sự dễ dãi, sợ đụng chạm, sợ mất thành tích… không thể khắc phục ngay được.

Chủ trương, giải pháp của bộ và địa phương phải nhất quán, đồng bộ, kiên quyết, đồng thời tăng cường thanh tra học đường, đội ngũ thanh tra phải đủ thẩm quyền. Theo tôi, cũng cần xác định lại các tiêu chí thi đua, các quy chuẩn trường đạt chuẩn thực tế hơn. Chuẩn đặt ra đến độ không với tới thì sẽ phát sinh hành vi gian dối để đạt chuẩn. Cách kiểm tra thi cử cũng phải tiến bộ, cần mở rộng trắc nghiệm  khách quan hơn nhằm hạn chế tiêu cực.

Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định Trần Văn Quý:
Chịu đau để tiến lên

Ngoài việc thực hiện theo kế hoạch chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc vận động “Dạy thật học thật” đồng thời với “Dạy tốt học tốt”. Thực tế tại Bình Định, 5 năm trước cũng có tình trạng cướp đề, lộn xộn trong các kỳ thi tuyển.

Mấy năm gần đây Bình Định đã triển khai việc chống tiêu cực trong thi cử và đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền, các ngành các cấp địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ của các bậc phụ huynh. Trong năm học vừa qua, sở đã đề nghị học sinh báo cáo thẳng với sở để giải quyết nếu thấy có tình trạng tiêu cực trong phòng thi.

Điều quan trọng trong việc chống tiêu cực trong thi cử là sự công bằng. Có thể sau khi triển khai quyết liệt hơn nữa phong trào “nói không với tiêu cực trong thi cử”, số học sinh đậu tốt nghiệp sẽ giảm xuống, nhưng phải chịu đau để tiến lên. Chắc chắn chúng tôi sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc triển khai “Nói không với tiêu cực trong thi cử”. Theo tôi, triển khai phong trào này trong hai năm nữa, về cơ bản tiêu cực trong thi cử tại Bình Định sẽ được giải quyết.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Trần Văn Chương:
Có 4 cái khó

Cái khó thứ nhất là tâm lý: ai cũng muốn được khen thưởng trên mức. Học sinh cũng vậy, thi thì luôn muốn đậu, đủ trình độ đậu thì muốn đậu cao hơn. Cái khó thứ hai là áp lực lãnh đạo: muốn có thành tích tốt. Thứ ba là các mối quan hệ, sự nhờ vả, gửi gắm quanh các mối quan hệ đó. Cuối cùng là tiêu cực, là chuyện tiền bạc, nhận hối lộ…

Tiêu cực trong thi cử đã và đang tồn tại, chống tiêu cực trong thi cử cũng đã và đang thực hiện. Trong nhiều năm nay, Phú Yên có nhiều biện pháp, song vẫn còn tồn tại. Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm, lương tâm, nghiệp vụ cho GV. Về phía nhà quản lý, sẽ tăng cường các công cụ quản lý hiện đại, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý.

NHÓM PV KHOA GIÁO

Tin cùng chuyên mục