Tại phiên thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, có đại biểu đặt câu hỏi: “Cơ quan nào cũng có chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định rất đầy đủ, nhưng sai phạm, tổn thất thì cứ xảy ra và hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn mà không một bộ nào chịu trách nhiệm. Liệu có nên gọi đó là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước?”.
Câu hỏi cũng là câu trả lời, thực trạng tình hình hiện nay quả như vậy!
Lâu nay người dân, công luận và kể cả cơ quan dân cử chỉ biết hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung thông qua các báo cáo định kỳ, có tính thông lệ.
Thông thường để đánh giá hoạt động của cơ quan nhà nước người ta tiến hành đánh giá hiệu quả. Hiệu quả của cơ quan nhà nước là hiệu quả thu được trong hoạt động quản lý của cơ quan. Khái niệm cơ quan nhà nước nói ở đây bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và các tổ chức dịch vụ công cộng thuộc chính quyền.
Một nền công vụ chồng chéo chức năng khó quy trách nhiệm. Không chỉ chuyện gà nhập lậu bây giờ, đã từng có chuyện một chiếc bánh trung thu có đến 2 bộ quản (Công thương quản vỏ, NN-PTNT quản nhân)!? Khi giải trình xung quanh vụ chết vì hố ga, ta thấy trách nhiệm lúc ở xí nghiệp cấp thoát nước, lúc ở UBND quận, hoặc ở chủ đầu tư...
Điều này đối với thực trạng hoạt động công vụ hiện nay cũng không có gì khó hiểu! Chuyện Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải, ngay cả những dòng sông như sông Đáy, sông Cầu, kênh Tham Lương, Ba Bò bị “giết chết” từ mấy chục năm qua..., KCN Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân gây ô nhiễm trầm trọng làm bạc lá cây xung quanh; các tổ chức cá nhân quản lý và bảo vệ môi trường ở đâu, lúc đó sao không thấy lên tiếng? Vì năng lực yếu, bệnh vô cảm, thiếu trách nhiệm hay có gì gì khác nữa mà làm ngơ? Cái giá phải trả do tác hại môi trường thật quá đắt.
Nói về các văn bản quy định trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại khá chung chung, cho nên trên thực tế hầu như chưa có công chức nào phải chịu trách nhiệm vật chất, pháp lý khi làm sai, vi phạm… Mặc dù Nghị định 157/2007/NĐ-CP về trách nhiệm người đứng đầu đã được ban hành, tuy nhiên chưa hình thành thói quen ứng xử khi xác định trách nhiệm.
Quyền lực công, xét ở góc độ kinh tế - chính trị là một nguồn lực xã hội vô cùng lớn. Nó phải được sử dụng một cách hiệu quả và tương thích với xu hướng xây dựng một nền kinh tế thị trường ở Việt Nam: Quyền lực và trách nhiệm phải minh bạch, rõ ràng. Những vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước không phải là một đặc quyền, đó là một vị trí đầy thách thức dành cho những cá nhân có hoài bão, có khát vọng và có nhân cách mạnh mẽ: Dám hành động, dám chịu trách nhiệm và luôn ý thức rõ ràng rằng, họ có đối tượng phục vụ là nhân dân. Lợi ích của họ gắn với chất lượng dịch vụ công mà họ cung ứng cho xã hội.
Trách nhiệm thì có trách nhiệm về đạo lý, trách nhiệm về pháp lý và trách nhiệm về chính trị. Và những thứ trách nhiệm này chỉ có nghĩa khi các chế tài tương ứng có thể áp đặt được. Bằng không, chúng chỉ là những lời giáo huấn không hơn và không kém: ai thích thì theo, không thích thì thôi.
Trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm trước pháp luật. Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm trước cử tri. Tất cả mọi công dân ai cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Mối quan hệ giữa trách nhiệm cá nhân và tập thể không phải bao giờ cũng được xử lý một cách hài hòa. Trong hoạt động công vụ, lâu nay trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, không được đề cao, thật ra cũng là điều dễ hiểu. Từ sâu xa trong quá khứ, một thời ta đề cao chủ nghĩa tập thể, thực sự đúng trong một giai đoạn lịch sử, ngày nay lại tỏ ra không còn thích hợp. Hệ lụy của nó là triệt tiêu cá nhân, làm thui chột suy nghĩ, sáng kiến, bản sắc của từng cá thể.
Giờ đây, việc khôi phục chế độ trách nhiệm cá nhân nhất định gặp khó khăn, thói quen đã ăn sâu đến mức được xem là hiển nhiên. Phải có thời gian để điều chỉnh lại từ cơ chế đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bố trí đúng người đúng việc, thiết lập chế độ trách nhiệm người đứng đầu.
DIỆP VĂN SƠN