Giáo dục đại học (GDĐH) cho đến thời điểm này vẫn luôn là vấn đề “nóng” của xã hội bởi những bất cập mà bản thân hệ thống này đang gánh phải và sẽ cần không ít thời gian để giải quyết. Tại hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ trên toàn quốc vừa diễn ra tại Hà Nội, hàng loạt vấn đề liên quan đến việc thực hiện đổi mới GDĐH mà Chính phủ đề ra tại Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng về đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010-2012 đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân truy vấn và yêu cầu ngành giáo dục phải trả lời.
Thế nhưng, như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, bên cạnh một số nỗ lực mà ngành đang triển khai để hạn chế bớt tăng trưởng nóng của GDĐH, hướng đến bảo đảm chất lượng đào tạo, còn rất nhiều công việc quan trọng mà ngành giáo dục “chưa làm được bao nhiêu”.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ GD-ĐT cần khẩn trương có sơ kết và báo cáo Thủ tướng kết quả sau 2 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng. Tức là Bộ GD-ĐT phải trả lời rõ ràng, minh bạch những việc đã làm được và chưa làm được, vì chỉ có trả lời rõ ràng thì mới có thể định hướng những bước tiếp theo trong tương lai, mới nhận định rõ GDĐH đang ở đâu và cần đổi mới thế nào theo đúng tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện nền GD-ĐT mà Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra.
Một trong những vấn đề nóng mà xã hội đang nhìn vào và Phó Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục phải có câu trả lời, đó là việc mất cân đối trong đào tạo. Đây là điều mà rất nhiều chuyên gia cả về lĩnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội đã từng cảnh báo trong nhiều năm gần đây. Chỉ tính riêng năm 2011, có tới 60% trường ĐH-CĐ tuyển sinh 1 trong 4 ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán. Tức là chỉ còn 76 trường ĐH và 92 trường CĐ tuyển sinh các ngành khác. Có tới 38% chỉ tiêu được các trường dành cho các ngành kinh tế, còn lại 62% chỉ tiêu dành cho tất cả các ngành khác. Bình quân trong 3 năm, số thí sinh đăng ký vào các ngành kinh tế chiếm 41% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. “Sự mất cân bằng trong đào tạo các ngành nghề Bộ có cần điều chỉnh không, hay để các trường tự xác định chỉ tiêu? Nếu thế sẽ dẫn đến nguy cơ gì, Bộ cần phải bàn cho rõ”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
Thực tế, sự mất cân bằng này đã khiến xã hội lo lắng với cục diện “phình to” các ngành kinh tế, còn các ngành nông lâm - khoa học xã hội, thậm chí sư phạm, khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản đang ngày càng teo tóp. Vì vậy, không hẳn ngẫu nhiên đây là vấn đề đầu tiên mà Phó Thủ tướng đã truy vấn ngành giáo dục tại hội nghị vừa qua.
Không chỉ vấn đề mất cân đối trong đào tạo, hàng loạt vấn đề mà Chính phủ đề ra tại chỉ thị của Thủ tướng nhưng Bộ GD-ĐT “quên” đề cập khiến Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phải yêu cầu Bộ phải có câu trả lời. Đó là việc sau khi Quốc hội cho phép GDĐH tăng học phí thì chất lượng đào tạo có tăng? Là vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội khi vừa qua Chính phủ đã có quy hoạch nhân lực, ngành GD-ĐT đã triển khai như thế nào? Từ năm 2010, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác đánh giá, kiểm định chất lượng GDĐH, hình thành 3 trung tâm kiểm định giáo dục độc lập, đến nay Bộ đã làm chưa? Mục tiêu đến 2014, chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học đã làm đến đâu và liệu có làm được đúng thời hạn? Chuẩn đầu ra của các trường đã làm đến đâu?
Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Phó Thủ tướng lại yêu cầu ngành giáo dục phải trả lời hàng loạt các câu hỏi. Điều đó không phải là những vấn đề mới lạ, trái lại, đều là những vấn đề mà ngành giáo dục đã làm, đang và sẽ làm. Đó cũng đều là những đòi hỏi bức thiết mà xã hội đặt ra đối với GDĐH Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục chuẩn bị phải trình lên Chính phủ báo cáo sơ kết 2 năm việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về đổi mới quản lý GDĐH. Đặc biệt, khi GDĐH hiện đang đứng trước một bước chuyển khá lớn, có thể tạo ra thay đổi về chất, đó là giao quyền tự chủ cho các trường thì việc ngành giáo dục phải “kiểm đếm”, rà soát lại những gì đã làm và trả lời được các câu hỏi đó sẽ là điều kiện quan trọng để tiếp tục đổi mới và phát triển. Mục đích cuối cùng là không để GDĐH phát triển nóng như cả chục năm qua, thay vào đó chú trọng chất lượng để rút ngắn dần khoảng cách giữa yêu cầu của xã hội và thực tế sản phẩm đầu ra của các trường! Vì vậy, chắc chắn không chỉ Chính phủ mà cả xã hội đang chờ câu trả lời từ ngành giáo dục!
Thành Vinh