Chợ đêm Thủ Dầu Một

Chợ đêm Thủ Dầu Một

Ở thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) có khu chợ đêm rất độc đáo đã tồn tại qua hai thế kỷ, người dân địa phương quen gọi là chợ Thủ.

  • Lối xưa, chợ cũ

Chợ đêm Thủ Dầu Một ảnh 1

Một góc chợ đêm.

Chợ Thủ kéo dài từ vòng xoay ngã 6 đến đường Trần Hưng Đạo và nối qua đến tận đường Bạch Đằng. Đây là khu trung tâm của thị xã Thủ Dầu Một. Theo nhiều bậc cao niên kể lại, ngày trước ở chợ có một cây dầu rất lớn.

Địa danh Thủ Dầu Một hình như cũng xuất xứ từ cây dầu này. Từ những năm đầu của thế kỷ XIX, rất nhiều người Bắc di cư, người Hoa… đến đây làm ăn và gầy dựng sự nghiệp bằng các nghề truyền thống như: nghề gốm, trồng rau, đan lát, sản xuất cối, chày, thớt…

Dần dần, khu đất trung tâm đô thị Thủ Dầu Một trở thành điểm thương mại sầm uất bậc nhất miền Đông Nam bộ lúc bấy giờ. Ban ngày, hàng dãy thuyền buôn của các thương lái khắp mọi miền đến đây mua hàng hóa, vận chuyển đi nơi khác bán lại. Đêm xuống, tiếng lạc ngựa vang lên để hối hả đưa hàng kịp buổi chợ mai. Có thể kể tên các tiểu thương quen thuộc như bà Tám, bà Út, những người đã gắn bó với chợ Thủ gần nửa thế kỷ.

Đặc biệt, ông Huỳnh Văn Mứt (62 tuổi, ở phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một) vẫn còn giữ lại chiếc xe ngựa chở hàng từ thời ông cụ thân sinh của ông. Ngót nghét cũng đã ba đời, giờ đây chiếc xe ngựa ấy vẫn tiếp tục bon bon ra chợ nửa đêm dưới đôi tay ghì cương của anh Trắng, con trai ông. Tuy vậy, thanh âm vó ngựa đã trở nên lẻ loi giữa tiếng máy động cơ của rất nhiều phương tiện giao thông hiện đại.

Một đêm giữa tháng 3, chúng tôi theo chân các gia đình tiểu thương ở huyện Tân Uyên chuyển hàng ra chợ. 12 giờ đêm nhưng hàng quán ăn uống vẫn nhộn nhịp. Qua khỏi khu ăn uống chừng 100m là vào khu vực bán rau. Đập vào mắt chúng tôi không biết cơ man nào là rau với rất nhiều chủng loại: xà lách, cải xoong, rau muống, cải, cần và các loại củ như củ sắn, củ cải, củ hành…

Càng về khuya rau được tập kết về càng nhiều. Chị Mai, một tiểu thương nhà ở Tân Uyên, cho biết: “Phần lớn rau, củ bán ở chợ Thủ được trồng trong vùng. Hàng ngày, rau được chủ vựa đưa đến từng nhà tiểu thương. Việc của tiểu thương là vận chuyển ra chợ bán lai rai, tới sáng thì mang đi bỏ mối ở các huyện lân cận. Đó là thói quen từ bao đời nay”.

  • Những “thương gia” tuổi teen

Lang thang trong chợ đêm, chúng tôi gặp rất nhiều bạn ở độ tuổi mực tím đang bán rau. Cô bạn có nụ cười hiền lành và dáng người nhỏ nhắn tên Nguyễn Ngọc Vinh (học sinh lớp 11A3 Trường THPT Tân Phước Khánh, H. Tân Uyên) là một ví dụ. Nhà làm nghề bán rau ở chợ Thủ từ lâu nên khi mới 8 tuổi Vinh đã theo mẹ ra chợ.

Một tuần có 7 đêm là ngần ấy thời gian Vinh lái xe lôi chở mẹ cùng “núi rau” cao ngút vượt 20km đến chợ bán. 5 giờ sáng lại chạy về cho kịp buổi đến lớp, chiều thì ngủ bù để đến tối tranh thủ học bài rồi... ra chợ. Vậy mà suốt 11 năm liền Vinh luôn là học sinh khá. Những lúc mẹ ốm, một mình Vinh cáng đáng công việc. Đang trong tuổi ăn, tuổi lớn nên nhiều khi thèm ngủ Vinh lại tranh thủ lên xe lôi chợp mắt. Tuy vóc dáng nhỏ bé nhưng Vinh khẳng định chắc nịch: “Mình sẽ thi vào Trường Đại học An ninh. Nhất định mình sẽ trở thành một nữ cảnh sát hình sự”.

Còn Hảo, cô bạn 19 tuổi ở Thuận An, hoàn cảnh khá hơn, cũng là một “tay mua bán có số” ở chợ. Hảo cho biết: “Nhà mình là chủ vựa rau và là điểm thu mua hàng gốc nên mình có khá nhiều kinh nghiệm mua bán. Vài năm nữa mình sẽ xin mẹ cho được tự kinh doanh mặt hàng này”. Công việc mỗi ngày của Hảo như sau: theo xe ôtô đi thu gom rau đưa ra chợ rồi dùng xe đẩy đưa đến cho các tiểu thương, lấy tiền. Sau đó, lại cùng xe rong ruổi các vùng lân cận bỏ mối.

5 giờ sáng, những bóng đèn cao áp vụt tắt, chúng tôi lên xe ra về trong cái se lạnh rất đáng yêu của thị xã Thủ Dầu Một. Hàng rau cũng bắt đầu vãn, nhường chỗ cho các mặt hàng khác. 

THANH NHÃ
 

Tin cùng chuyên mục