
Từ năm 2003 cho đến nay, Thảo Cầm viên Sài Gòn (TCVSG) có nhiều đổi thay về quản lý điều hành, chăm sóc động thực vật và đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở. Đặc biệt TCVSG đã phối hợp với các trường học tổ chức các đợt học tập, tìm hiểu về thiên nhiên, động vật hoang dã cho các em học sinh. Nhờ vậy mà lượng du khách hàng năm đến đây ngày càng tăng.

Tuy nhiên, sự thay đổi trên chưa đáp ứng được những yêu cầu cần phải có ở một công viên tầm cỡ như TCVSG. Công tác chăm sóc động thực vật còn lạc hậu… nhiều con thú vẫn bị nuôi nhốt trong các chuồng chật chội, hôi hám.
Đứng trước một chuồng nuôi rái cá, một du khách đã phải thốt lên: “Thảo cầm viên không có gì mới so với trước đây… số động vật mới quá ít”. Nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản chưa tập trung, thiếu đồng bộ… như cổng chính của TCVSG xây dựng xong rồi phá bỏ, lãng phí gần 127 triệu đồng. Tất nhiên, trong chuyện này có nguyên nhân khách quan, song điều ấy cũng nói lên sự bất cập trong quản lý đầu tư xây dựng.
Bà Huỳnh Thị Kim Oanh, Chủ tịch Công đoàn TCVSG đồng tình với nhận xét ấy và cho biết thêm: “Việc sửa chữa, nâng cấp chuồng trại thường được thực hiện đúng quy trình nhưng (không hiểu sao) luôn xảy ra trục trặc, chất lượng công trình khi nghiệm thu thường mắc nhiều lỗi (?). Công đoàn cũng tổ chức người giám sát công tác thi công nhưng vì không có chuyên môn nên… có nhiều việc không giám sát hết được”.
Bao giờ TCVSG trở lại… như xưa - một TCVSG nổi tiếng cả một vùng? Đó là một câu hỏi đau đáu trong lòng du khách yêu TCVSG và ở cả trong lòng những cán bộ công nhân viên của TCVSG…
Bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Giám đốc TCVSG cho rằng: “Trước đây chưa rõ TCVSG tồn tại sẽ theo loại hình nào nên chưa có định hướng phát triển(?)… mãi cho đến khi thành phố có văn bản số 6801 ký ngày 18-9-2006 cho phép TCVSG trở thành vườn bách thảo và chỉ giữ lại một số động vật phục vụ du khách thì ban lãnh đạo mới yên tâm và có kế hoạch đầu tư phát triển lâu dài.
Cách làm chắp vá ở TCVSG thời gian qua cũng vì chờ quyết định của thành phố (?)”. Cũng theo bà Lương, sắp tới TCVSG sẽ mở thêm nhiều dịch vụ vui chơi giải trí như xây dựng vườn thú đêm; tổ chức nhân sự thuyết minh tại các chuồng thú để du khách hiểu rõ hơn nguồn gốc và đặc tính của từng loại thú; đi sâu nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên môn để phát triển vườn bách thảo theo hướng mở như các vườn thú trên thế giới đã làm”.
Nguyên nhân xuống cấp của TCVSG có thực sự như bà Lương nói? Thế nhưng dù với bất cứ lý do nào, mong rằng quyết định mới nhất của thành phố về định hướng phát triển của TCVSG, sẽ giúp TCVSG thực sự chuyển mình, không phải chỉ như xưa mà còn phải thật sự trở thành một vườn bách thảo tầm cỡ của khu vực. Người yêu TCVSG đang chờ đợi sự khởi sắc thực sự của TCVSG.
NGỌC XUÂN