|
Bài 1: Đứng ngoài cuộc chơi
Cùng với việc “thay áo mới” cho các chung cư, tòa nhà cũ hoặc các dự án nâng cấp, mở rộng khách sạn tại các thành phố lớn của Việt Nam, các trung tâm thương mại (TTTM) cũng được hình thành ngày càng nhiều. Điều đáng lưu ý, công trình càng được xây dựng hiện đại thì hàng Việt càng không có chỗ đứng. Tại nhiều TTTM, hàng Việt chiếm chưa đầy 5%! Nhiều ý kiến lo ngại, trong vài năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành “vùng trũng” để tiêu thụ hàng ngoại.
Sân chơi của hàng ngoại
Tại TPHCM, cho đến thời điểm này có thể khẳng định, chỉ có TTTM Zen Plaza là “mảnh đất” duy nhất để ươm mầm và hỗ trợ cho các nhà thiết kế trẻ trong ngành thời trang may mặc cũng như các thương hiệu Việt phát triển. Đến đây, người ta có thể tìm mua được nhiều sản phẩm khác nhau, từ chiếc áo sơ mi cho đến các trang phục dạ hội… tất tật đều “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, khách hàng đến Zen để mua sắm phải là những người thuộc tầng lớp trung lưu vì giá bán các mặt hàng tại đây không hề rẻ. Ngoài việc mua sản phẩm, khách hàng còn phải trả thêm khoản phí mặt bằng cho chủ thương hiệu.
Còn tại các TTTM khác như Saigon Center, Diamond Plaza, Parkson, Vincom… nghiễm nhiên đã trở thành “lãnh địa” của các thương hiệu nổi tiếng thế giới về mỹ phẩm, đồng hồ, nước hoa, đồ trang sức, quần áo… Từ những thương hiệu mạnh trong khu vực châu Á, cho đến những sản phẩm 5 sao, dành cho giới tiêu dùng ở tầng tháp chót (high-end) trên thế giới như Lancôm, L’oreal, BVLGARI, Esterlauder đều đã có mặt. Đi mỏi chân, nhìn mỏi mắt cũng không thể tìm được một thương hiệu Việt!
Còn nhớ, vào những năm 2002-2007, khi các TTTM này mới hoạt động, người tiêu dùng còn bắt gặp nhiều thương hiệu Việt quen thuộc của ngành may mặc như Ca-rô, Việt Thy, Anh Thư (A&T), NinoMaxx… Nhưng đến nay, hàng Việt đã bị “xóa sổ”, nhường chỗ cho những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Trong lĩnh vực hàng gia dụng, hiện chỉ có duy nhất sản phẩm sành sứ của Minh Long I trụ vững với chuỗi cửa hàng Q-home.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang chua chát nói, hồi TTTM Pakson mới khai trương, bất chấp giá thuê mặt bằng khá cao, công ty vẫn đưa hàng vào bán để từng bước gầy dựng thương hiệu. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, giá thuê mặt bằng liên tục được điều chỉnh, trong khi năng lực tài chính của công ty có hạn, hơn nữa doanh thu không đủ bù chi phí nên công ty phải tự rút lui để nhường chỗ cho các thương hiệu nổi tiếng vốn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Với đà này, khi hàng rào thuế quan được hạ xuống còn 0%-5% vào năm 2015, các thành phố lớn của Việt Nam sẽ trở thành “vùng trũng” để tiêu thụ hàng nước ngoài. Còn các TTTM cao cấp sẽ trở thành lãnh địa để phân phối hàng hóa cho các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
Chưa thể hiện phong cách, đẳng cấp
Khoảng 5 năm gần đây, tại TPHCM xuất hiện các TTTM như Saigon Square, Ánh Linh… được thiết kế dưới hình thức các chợ hiện đại, có các ô, sạp theo thứ tự, chuyên kinh doanh các loại quần áo chủ yếu có xuất xứ từ Campuchia và Việt Nam. Đã có khá nhiều ý kiến tranh luận, đây là các chợ chuyên kinh doanh hàng Việt, hàng xuất khẩu…
Trên thực tế các mặt hàng bày bán tại đây đều là sản phẩm của các nhãn hàng quốc tế được gia công tại Việt Nam và một số nước trong khu vực, cộng với các sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng từ nhiều nước rồi tuồn về các TTTM này để tiêu thụ. Hàng loạt vụ kiểm tra, xử lý của lực lượng quản lý thị trường đã minh chứng khá rõ. Yếu tố chất xám để mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam gần như bằng không.
Trong suốt thời gian đi thực tế, chúng tôi có thể khẳng định, hàng Việt đang đứng bên ngoài “cuộc chiến” của những thương hiệu ngoại ngay trên sân nhà! Chúng ta vẫn tự hào, Việt Nam là nơi có thế mạnh trong việc gia công các mặt hàng giày dép, quần áo cho các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Fuma…
Tuy nhiên, tại các TTTM, sản phẩm “made in Vietnam” đang bị lép vế trước hàng của Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ và có xuất xứ từ nhiều nơi trên thế giới. Giá bán không rẻ, bình quân từ 800.000 - 1,5 triệu đồng/đôi nhưng vẫn được khách hàng mua “đắt như tôm tươi”.
Chị Hương Giang - khách hàng thường xuyên của Diamond, Saigon Center, lý giải: Cùng một chiếc áo thun nhưng khi mặc chiếc áo của các thương hiệu Esprit hoặc Mango tôi cảm thấy rất tự tin, thoải mái. Chất liệu vải mềm mại, cộng với một vài chấm phá nhỏ trên thân áo, làm cho sản phẩm khác xa so với hàng trong nước. “Vấn đề tiêu dùng ngày nay không phải là giá tiền, độ bền của sản phẩm mà chính ở khâu thiết kế - các DN Việt Nam vẫn chưa làm được điều này. Vậy nên đừng vội trách bọn trẻ thích xài hàng hiệu” - chị Hương Giang cho biết.
Hàng hiệu đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều và trong bối cảnh hàng trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân có thu nhập cao. Cùng với đó, tại Việt Nam đã và đang nổi lên hiện tượng giới trẻ thích tiêu xài hơn là tích lũy. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng. Những sản phẩm họ dùng, phản ánh họ đang thuộc đẳng cấp, giai tầng nào trong xã hội. Điều này có thể lý giải, hầu hết các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam và kinh doanh rất thành công.
Trước thực trạng trên, chúng tôi cũng đã đặt vấn đề về hàng nội - hàng ngoại với một nhà quản lý TTTM, họ rất thẳng thắn khi cho rằng, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam chưa thể hiện được đẳng cấp và phong cách riêng, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cao cấp nên khó chen chân vào các TTTM. Mặt khác, ngoài mức giá thuê mặt bằng rất cao (khoảng 30-50 USD/m²), nếu doanh thu trong 3 tháng liên tiếp không đạt mức 100 triệu đồng/tháng, ngay lập tức sẽ bị loại ra ngoài, nhường chỗ cho hàng loạt thương hiệu khác đang chờ thế chỗ. Cũng có một thực tế, việc kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu luôn mang lại lợi nhuận cao hơn (do giá trị của sản phẩm cao) so với hàng nội. Điều này thật dễ hiểu vì trong kinh doanh, hiệu quả luôn được đặt lên vị trí hàng đầu!
Thúy Hải
* Theo Sở GD-ĐT TPHCM, thời gian qua ngành đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, phối hợp cùng các doanh nghiệp (Vissan, Vinamilk, giấy Vĩnh Tiến…) tổ chức triển lãm, giới thiệu sản phẩm có chất lượng đến các đối tượng tiêu dùng.
Thống kê cho thấy, trong quá trình mua sắm trang thiết bị, hàng hóa phục vụ cho giảng dạy, Sở GD-ĐT TPHCM ưu tiên dùng khoảng trên 95% hàng Việt Nam.
Th.Hồng
Bài 2: Hàng Việt khó chen chân
Nếu như tại hệ thống các siêu thị, mật độ hàng Việt chiếm tỷ lệ khá cao, từ 90%-95% thì tại 2 kênh phân phối có thế mạnh, trung chuyển đến hơn 80% lượng hàng hóa của cả nước là chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa, hàng Việt đang tỏ ra lép vế, chỉ chiếm bình quân từ 10%-50%, tùy ngành hàng.
Miền Bắc - Kín hàng Trung Quốc
Cuối tháng 8-2011 vừa qua, Bộ Công thương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức cuộc tọa đàm với tiểu thương chợ Đồng Xuân - Hà Nội về chủ đề: “Tại sao hàng Việt chưa được ưu tiên tại chợ truyền thống”.
Ông Trần Xuân Tặng, chủ sạp hàng 226B2 ngành hàng quần áo, cho rằng đã là người Việt Nam ai cũng có lòng tự tôn dân tộc. Không phải họ không ưu tiên cho hàng Việt mà vì việc tiếp cận với hàng Việt đòi hỏi quá nhiều thủ tục rườm rà, rối rắm như hợp đồng mua bán, con dấu, tài sản thế chấp…
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Ngọc - chuyên kinh doanh đồ da, giày dép cho biết, hiện cửa hàng đang kinh doanh khoảng 50%-60% là hàng Việt Nam. Nhưng làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) rất khó, khi tiểu thương cần hàng, gọi đến họ nói rằng đang sản xuất ưu tiên cho xuất khẩu, muốn có hàng phải đặt trước. Một số hãng lớn còn khoán doanh thu cho tiểu thương, lúc bán đắt thì không sao nhưng khi ế hàng, chúng tôi không có quyền đổi trả hàng. Với cung cách làm ăn cứng nhắc như thế, tiểu thương có thể ưu tiên cho hàng Việt!
Theo ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Đồng Xuân, tỷ lệ hàng Trung Quốc tại chợ này rất lớn. Ở ngành hàng lưu niệm, quà tặng hàng Trung Quốc hiện chiếm tới 90%; vải, hàng may mặc và đồ gia dụng chiếm 70%; nông sản và thực phẩm hơn 10%. Con số này khá trùng hợp với kết quả bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA đưa ra, hơn 90% hàng hóa tại chợ Đồng Xuân là hàng Trung Quốc. Nguyên nhân chính, phía Trung Quốc cho tiểu thương mua theo dạng gối đầu, thanh toán dễ dàng, nhanh gọn, không ràng buộc bởi những thủ tục rườm rà. Hàng Trung Quốc dễ bán vì thay đổi mẫu mã nhanh, thậm chí cho đổi trả nếu không bán hết...
Ngược lên một số tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, nếu có dịp ra chợ, rất dễ nhận thấy hàng Trung Quốc đã chiếm thế độc tôn như quần áo, mỹ phẩm, giày dép, đồ gia dụng, hàng lưu niệm...
Anh Trần Tới, công nhân Nhà máy Đạm Bắc Giang cho biết, so với hàng Việt, giá bán hàng Trung Quốc khá rẻ. Một bộ veston của Trung Quốc giá chỉ từ 500 ngàn - 1 triệu đồng, trong khi hàng sản xuất trong nước giá lên tới nhiều triệu đồng/bộ. Tương tự, với các sản phẩm gia dụng giá bán cũng rất rẻ, chưa kể mẫu mã, màu sắc đẹp hơn và đa dạng hơn so với hàng Việt. Điều này có thể lý giải, vào mùa đông, nông dân miền Bắc còn diện cả áo vest ra đồng cày ruộng!
Xuôi về miền Trung, tại khu vực các tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, hàng Việt cũng đang tỏ ra yếu thế, đặc biệt ở nhóm hàng gia dụng và đồ điện, gần như hàng ngoại làm chủ thị trường.
Miền Nam - Còn thiếu những ốc đảo
Dạo quanh các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM, chúng tôi nhận thấy, hàng Việt chiếm tỷ lệ khá lớn, điển hình nhất là các mặt hàng quần áo, giày dép, hàng gia dụng, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm... Riêng đối với nhóm hàng mỹ phẩm, túi xách, bóp, đồ lót... hàng ngoại có ưu thế hơn so với hàng Việt.
Có mặt tại quầy hàng của Công ty Hoàng Minh Ngọc, tham gia tuần lễ bán hàng Việt tại chợ Bến Thành vào chiều 10-10, phóng viên đã chứng kiến nhiều khách hàng đến săm soi từng chiếc ví da đang bày bán với giá 200.000 đồng/chiếc. Họ nâng lên đặt xuống vì hàng Việt Nam đắt hơn so với hàng Trung Quốc và rằng họ chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Chỉ đến khi chủ nhân quầy hàng, ông Nguyễn Văn Hạnh, chứng minh chất lượng da thật bằng cách dùng hộp quẹt đốt, da vẫn không suy suyển và không có vết đen thì khách hàng đồng ý mua ngay. Hàng tốt là vậy, nhưng sản phẩm của Công ty Hoàng Minh Ngọc vẫn chưa có mặt nhiều trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hạnh phân bua: “Tôi muốn bán hàng ra chợ, bỏ mối cho cửa hàng, nhưng vẫn lo vì vốn chưa đủ lớn cho bạn hàng gối đầu. Nếu không tính toán cẩn thận, khó tránh khỏi tình trạng mất cả lời lẫn vốn!”.
Cho đến nay hình thức kinh doanh tại các chợ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các bạn hàng bán sỉ. Hình thức mua bán gối đầu, trả chậm, ứng hàng trước thu tiền sau… vẫn phổ biến.
Tại TPHCM, với người bán hàng ở chợ họ không mấy quan tâm đến hàng ngoại hay hàng Việt, quan trọng là hàng nào bán chạy, thu hồi vốn nhanh và mang lại lợi nhuận nhiều hơn. Cũng vì lý do này nên có dạo hàng nông sản ngoại nhập (chủ yếu từ Trung Quốc) đã chiếm tới 30% lượng hàng về chợ đầu mối Thủ Đức. Đến khi người mua bắt đầu ý thức về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm thì các mặt hàng nông sản trong nước mới tìm lại chỗ đứng của mình. Tuy nhiên, với các sản phẩm ở nhóm hàng tiêu dùng nhanh vẫn chưa làm được điều này.
Cũng vì e ngại sự rủi ro trong hình thức mua bán gối đầu nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận bỏ trống việc phát triển mạng lưới tại các chợ, chỉ tập trung đầu tư từ vài chục tỷ đồng để tìm chỗ đứng tại các siêu thị, hoặc mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm, showroom. Đây chính là điều kiện để hàng ngoại thâm nhập ngày càng sâu rộng vào các chợ truyền thống hiện chiếm tới 70% thị trường bán lẻ Việt Nam.
Chủ một thương hiệu nổi tiếng trong ngành hóa mỹ phẩm cho biết, doanh thu tại các chợ chiếm chưa đến 5% tổng doanh thu, nên ông không có ý định đầu tư mở rộng thêm mạng lưới bán hàng ở chợ mà tập trung vào các kênh phân phối khác.
Thúy Hải
Bài 3: Thị trường nông thôn - Đường về còn rất xa
Tâm điểm của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động chính là việc đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đưa hàng hóa về khai mở thị trường nông thôn. Khu vực nông thôn hiện chiếm hơn 75% dân số cả nước, chiếm hơn 60% tổng GDP. Người dân nông thôn hiện có nhu cầu mua sắm cao gấp 3 lần so với thành thị. Đây chính một thị trường tiềm năng, do vậy nếu các doanh nghiệp chiếm giữ được các cứ điểm này chắc chắn sẽ thành công. Trên thực tế, có đi mới biết...
Thị trường lớn
Kể từ phiên chợ hàng Việt về nông thôn đầu tiên do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức vào ngày 8-3-2009 (tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), đến nay chỉ riêng đơn vị này đã lần lượt tổ chức gần 80 phiên chợ tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Từ 10 doanh nghiệp (DN) tham gia phiên đầu tiên, đến nay mỗi phiên chợ có ít nhất 40 DN thuộc nhiều ngành hàng cùng đưa hàng về nông thôn để bán. Doanh thu tại mỗi phiên chợ (thường diễn ra trong 3 ngày) đạt trên dưới 1 tỷ đồng. Chưa có phiên chợ nào ế hàng, mà thường bị hết hàng nửa chừng, do lượng hàng mang theo còn hạn chế. Có mặt tại nhiều phiên chợ, chúng tôi đã chứng kiến cảnh người dân đi mua, đi xem hàng Việt đông vui như đi hội!
Một điều rất đáng lưu ý, người dân nông thôn khi đã đến với phiên chợ, họ đều chi khá mạnh tay, cho dù nơi đó đã vào mùa thu hoạch hay chưa. Khách hàng Nguyễn Thị Bé Tư (An Giang) chọn mua một chai nước xả Sil Sop của Mỹ Hảo nói: “Đây là lần đầu tiên tôi mua loại nước xả này để dùng thử thay cho Comfort. Nếu tốt, từ nay về sau tôi sẽ mua vì giá rẻ hơn so với các mặt hàng cùng loại”.
Còn nhớ, tại phiên chợ tổ chức tại Cam Ranh và Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), đại diện Công ty Nhựa Chí Thành không giấu được sự vui mừng khi nói với phóng viên: “Mặc dù có được những thông tin tích cực về thị trường nông thôn từ ban tổ chức, nhưng chúng tôi vẫn không tin có thể bán hết 400 chiếc nón bảo hiểm trong một buổi sáng. Nhiều người cho biết họ mua hàng Việt vì có địa chỉ rõ ràng”.
Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc đối ngoại và truyền thông Công ty cổ phần NutiFood, cho biết cũng nhờ những chuyến hàng Việt về nông thôn nên thị phần của NutiFood ngày càng tăng, nhiều người dân nông thôn đã biết đến thương hiệu sữa NutiFood.
Khoảng trống
Thông thường, hoạt động của phiên chợ hàng Việt về nông thôn do BSA tổ chức đều có 3 mảng chính là huấn luyện kỹ năng bán hàng cho tiểu thương tại địa phương; bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua các phiên chợ vui; cuối cùng các chuyên gia thị trường của BSA sẽ cùng các DN tiếp cận nhà phân phối và người bán lẻ tại đây, đặt quan hệ lâu dài để thiết lập kênh phân phối cho hàng Việt.
Để hiểu rõ hơn về nhu cầu tiêu dùng, giúp DN biết sản phẩm của mình đang đứng ở đâu trên thị trường, BSA cũng yêu cầu DN tiến hành khảo sát hàng hóa đang bày bán tại các chợ cũng như các cửa hàng tạp hóa lân cận. Ví dụ, kết quả khảo sát tại 40 sạp hàng chợ Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cho thấy chỉ có 4 sạp bán dầu Tường An (số còn lại chủ yếu bán hàng của Cái Lân, Neptune); nhôm Kim Hằng gần như không xuất hiện; Mỹ Hảo chiếm hơn 50%; Vissan chủ yếu là mặt hàng xúc xích…
Đối với dầu Tường An, có hàng chục lý do khiến tiểu thương ở đây không lấy hàng về bán, đó là độ nhận biết về thương hiệu cũng như chất lượng của người dân gần như bằng 0; không được mua gối đầu, không có nhiều chương trình khuyến mại…
Đại diện Công ty Vissan cũng thừa nhận, đối với mặt hàng xúc xích Vissan vẫn “một mình một chợ” nhưng về lâu dài sẽ không ổn. Nguyên nhân chính có thể do Vissan chưa thật chú trọng đến việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm khác, nhưng cũng không loại trừ tình trạng “cửa hàng bán gì người dân mua nấy”. Nếu không sớm khắc phục nhược điểm này, sẽ khó có thể cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại trong tương lai.
Hành trình về nông thôn
Theo AC Neilson, hình thức kinh doanh hiện đại tại VN hiện mới chỉ chiếm 13% trong tổng lượng hàng hóa trung chuyển (riêng tại TPHCM con số này từ 20%-25%). Dự kiến đến năm 2020, kinh doanh hiện đại sẽ tăng lên 30%. VN hiện có hơn 9.000 chợ và gần 500.000 cửa hàng, lượng hàng hóa tiêu thụ qua 2 kênh phân phối này vẫn chiếm đến hơn 80% tổng lượng hàng hóa tiêu thụ.
Được biết, một số tập đoàn đa quốc gia tại VN đang ra sức củng cố, tổ chức lại mạng lưới đưa hàng về nông thôn để tăng cường độ bao phủ của hàng hóa.
Bằng kinh nghiệm có được từ nhiều năm làm việc cho một tập đoàn nước ngoài, một chuyên gia nghiên cứu thị trường đúc kết: “Điều kiện mua hàng tại VN rất đơn giản, đó là sản phẩm của ai tới trước sẽ được bán và được xài. Điều này đồng nghĩa, để thành công các DN buộc phải đưa sản phẩm xuất hiện thường xuyên trên các quầy kệ để người mua nhìn thấy được. Điều tối kỵ trong bán lẻ là DN không duy trì hàng thường xuyên dẫn đến “đứt” hàng.
Sở dĩ sản phẩm của một số DNVN đã từng chiếm lĩnh thị trường nhưng lại bị rơi vào tay các đối thủ nước ngoài là do không đảm bảo nguồn hàng thông suốt. Đây cũng chính là chất lượng độ bao phủ của DN trên thị trường”.
| |
Thúy Hải