Dự án công viên hoang dã Safari ở huyện Củ Chi được UBND TPHCM giao cho Thảo Cầm viên Sài Gòn làm chủ dự án. Đến nay, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi đã giải tỏa đền bù được 690/700 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án, chỉ còn khoảng 4% hộ dân còn lại chưa di dời. Trong 400 hộ dân bị giải tỏa có nhu cầu tái định cư đến giờ có 300 hộ dân tự lo chỗ ở mới, 100 hộ dân còn lại đang chờ huyện Củ Chi xây dựng khu tái định cư rộng 28,5 ha nằm trong Công viên hoang dã Safari.
Theo chủ dự án, số hộ dân chưa giải tỏa chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số diện tích của dự án nên với mặt bằng đã giải tỏa, chủ dự án xúc tiến phủ xanh từng bước các loại cây mang về từ vùng Đông Nam bộ, Trường Sơn, đồng thời cho xây dựng chuồng trại nuôi thú.
Chủ đầu tư cũng đã mạnh dạn đưa những con thú quý hiếm như báo lửa, chim trĩ… vào sinh sống ở đây, tạo điều kiện cho những động vật này sinh sản tự nhiên, chuẩn bị nhân giống tạo một phần nguồn thú cho công viên hoang dã Safari sau này khi đi vào hoạt động.
Đây là công viên hoang dã được đầu tư theo hướng xây dựng vườn thú mở nên cần có nguồn thú chuẩn bị trước vì sau này khi công viên hình thành mới bắt đầu kế hoạch tổ chức đấu thầu mua bán trao đổi thú thì dự án sẽ bị động về nguồn thú.
Vì thế, ngoài giải pháp đưa các loại động vật quý hiếm từ Thảo Cầm viên Sài Gòn lên Safari nhân giống từng bước, bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Giám đốc Thảo Cầm viên Sài Gòn kiến nghị, Chính phủ và UBND TPHCM cho phép chủ dự án mua thú trước theo kế hoạch, không phải thông qua đấu thầu để chủ động nguồn thú trước cho Safari, đồng thời cũng giúp cho công tác quy hoạch đầu tư các hạng mục của công viên hoang dã Safari triển khai suôn sẻ hơn.
Do chưa có kinh nghiệm quy hoạch tổ chức vườn thú theo hướng mở ở Việt Nam nên trong quá trình triển khai Safari, chủ dự án đề xuất và được UBND thành phố cho phép thi tuyển kiến trúc, qua đó đã chọn được 5 nhà tư vấn trong và ngoài nước.
Đến cuối năm 2008, Hội đồng thẩm định, phê duyệt ý tưởng quy hoạch kiến trúc Safari của 5 nhà tư vấn trên đã hình thành gồm các chuyên gia kinh nghiệm của nước ngoài ở vườn thú Indonesia, Singapore và các chuyên gia của Bộ Xây dựng, Hội kiến trúc sư TPHCM.
Dự kiến trong quý 1-2009, Hội đồng thẩm định sẽ có phiên họp đầu tiên xem xét các ý tưởng về quy hoạch kiến trúc để thúc đẩy nhanh dự án. Theo chủ dự án, tiến độ thực hiện dự án cho đến nay thuận lợi, nếu Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM cho phép vận hành một cơ chế đầu tư động vật đặc biệt, không qua hình thức đấu thầu, chắc chắn công viên hoang dã Safari ở huyện Củ chi sẽ hoàn thành sớm hơn và đi vào hoạt động đúng với ý nghĩa mục đích đầu tư của dự án.
Ngọc Xuân