Chợ quê

Về Huế vào dịp Festival, luôn có một điều gì thôi thúc tôi về phiên chợ họp bên cạnh cầu ngói Thanh Toàn ở Hương Thủy, cách trung tâm thành phố khoảng 12km. Bỏ sau lưng quãng đường phảng phất hương của rơm rạ, tôi và em tôi đã về đến nơi mà lòng vẫn hằng mong gặp. Đứng bên cầu nhìn bao quát cảnh chợ, dù là lần đầu tiên, tất cả đã gợi lên một niềm thân mật khó tả.

Chúng tôi bước vào khoảng sân lộ thiên, nơi phiên chợ tấp nập người qua lại. Hầu như gặp lại được rất nhiều món hàng, nhiều trò chơi, nhiều chi tiết đã nằm sâu trong ký ức mình từ bao giờ. Thật nhiều món đồ chơi trẻ con bày trên những sạp gỗ, những chiếc rổ tre đan thưa, những thùng giấy. Đây là chiếc kèn bằng ống hóp gắn hình con cóc giấy thổi vào một hơi nghe vang tiếng te te, rồi con cóc đe dọa người ta bằng chiếc lưỡi thè dài thật ngộ. Làm sao không dừng lại trước những món đồ chơi bằng bột màu xếp trên những chiếc rổ; này nải chuối vàng ươm, gà mẹ ấp trứng, mâm ngũ quả, con trâu nằm, con nai có đốm vàng..., hết thảy đều mang dáng hình, đường nét thật sắc sảo duyên dáng, nổi bật thêm nhờ cách pha màu theo hệ ngũ sắc dân gian của Huế: đỏ, vàng, tím, lục, xanh.

Có nơi bày những chiếc rổ, rá, thúng, mủng bằng tre đan đủ cỡ lớn nhỏ thật xinh xắn, công phu. Có nơi xếp theo dãy dài những cái thúng, mủng đầy đậu mè gạo nếp. Cầm nắm trên tay, được nhìn rõ những hạt đậu hạt nếp căng tròn bóng mượt thơm thảo, thật là hạnh phúc. Còn có nhiều trò chơi sinh hoạt dân gian như đá gà, viết câu đối, thư pháp, hò giã gạo, hô bài chòi... Bên tôi, em tôi cũng hào hứng vỗ tay, chỉ trỏ như nhiều người chung quanh. Lại còn có hàng bún bò, nước chè xanh... Bao nhiêu hình ảnh, màu sắc, âm thanh và hương vị làm rộn ràng cả tâm trí! Thật bất ngờ, một bà cụ ngoài 80 tuổi mặc chiếc áo lụa tím ngồi uống nước chè xanh cạnh bên tôi cho biết bà đang chờ đến phiên ra hò bài hò giã gạo cho khách chợ quê nghe. Tôi đã cảm nghe một nỗi lạc quan bao bọc lấy mình từ giọng nói thiết tha và thanh trong của bà cụ.

Tôi bước chậm trong chợ vì người qua lại rất đông, và nhìn trong nắng những chiếc nón lá cũng sáng lên màu nắng. Mọi người và cảnh vật đang sống đang thở cùng một nhịp, và đang cùng đi qua, theo bóng mặt trời càng lúc càng lên cao trên đầu. Nhưng những gì đang có trong hiện tại đâu mất đi mãi mãi? Có phải những trò chơi dân gian, những hạt gạo hạt đậu, các bức thư pháp, những tiếng nói cười... tất cả đã có trong cuộc sống từ rất xa xưa, đã gắn kết trong cuộc đời của ông bà, cha mẹ, đã biến hóa, hòa trộn trong thời gian, trong lửa, trong nước, trong đất, trong lá cây.

Thuở nào mẹ đã nâng niu trao cho ta món đồ chơi bằng bột màu, đã hát hay hò ru ta trong mùa hạ mùa đông, đã cặm cụi lặng lẽ sống bên rổ rau rá gạo, đã nấu nướng các loại đậu nếp nuôi ta lớn lên, đã đi về các phiên chợ. Xa xưa lắm, nhưng những chi tiết những biểu hiện gần gũi ấy vẫn tồn tại cho đến ngày chúng nằm trong ý tưởng lưu giữ của những người tổ chức và dự vào phiên chợ, chúng vừa là vật thể - vừa là phi vật thể, là hình ảnh lưu truyền, biến thành điều thấm đượm và thiêng liêng, như phần hồn của cuộc sống.

Tôi và em tôi rời chợ quê với bao niềm thân thương. Hình như tôi có nói với em tôi rằng những cái gì tốt đẹp thì chẳng bao giờ mất đi.

T.N THU THỦY

Tin cùng chuyên mục