Chợ quê Sài thành

Hương vị chợ quê xứ Quảng

TPHCM là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa, trong đó có đặc sản vùng, miền khác nhau. Nếu như chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) nổi tiếng với nhiều món ăn xứ Quảng, thì chợ “Nam Vang” (quận 10) nổi danh với nhiều món ăn đến từ đất nước chùa tháp.

Hương vị chợ quê xứ Quảng

Nằm trên con đường Trần Mai Ninh (quận Tân Bình), chợ phường 11, hay người ta còn gọi với cái tên thân thuộc - chợ Bà Hoa - được nhiều người biết đến như chợ quê xứ Quảng, với đầy đủ món ăn đặc trưng của ẩm thực miền Trung giữa TPHCM. Theo nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ cho hay, ban đầu chợ hình thành từ một người phụ nữ tên Hoa, bà mua mảnh đất nhỏ lập chợ buôn bán và phân lô lại cho nhiều người thuê. Dần dần chợ mở rộng như hiện nay. Đây là khu vực khá nhiều người xứ Quảng tập trung buôn bán và sinh sống, tên gọi chợ Bà Hoa hay chợ xứ Quảng dần quen thuộc với nhiều người như hiện nay.

Tiệm chè Cô Có - điểm ăn vặt thu hút nhiều bạn trẻ

Ngay từ đầu chợ, mùi bánh tráng nướng hay tiếng lốp bốp của bánh đập đủ để khách nhận ra hương vị ẩm thực miền Trung đầy mời gọi. Nhiều món ăn đặc trưng của xứ Quảng đã theo chân nhiều người có mặt ở chợ như mì quảng, đường bát, phong bánh nổ, bánh in, bánh tổ, bánh thuẫn, kẹo đậu phộng… đến những bịch hành tỏi nhỏ nhắn nhưng thơm đặc trưng của đất Lý Sơn được bày bán khắp chợ, không ngớt khách tìm mua. “Các món đặc sản chủ yếu được chuyển trực tiếp từ quê vào nên giá có phần hơi cao, nhưng hương vị thì không lẫn vào đâu được. Ví dụ đường bát phải mua từ Quảng Nam thì mới đúng vị ngọt thanh”, bà Nguyễn Thị Sinh (quê Quảng Nam), chủ một sạp tại chợ, cho biết.

Chợ Bà Hoa tuy đã được mở rộng, hàng hóa đa dạng để phục vụ tốt hơn cho thực khách, nhưng có khoảng 80% các tiểu thương tại chợ là người xứ Quảng nên góc ẩm thực miền Trung vẫn luôn nhộn nhịp và tấp nập khách hàng khi đến đây. Đến chợ Bà Hoa không chỉ để tìm mua chút hương vị ẩm thực của quê nhà xứ Quảng, đối với những người xa quê, đến chợ để còn được nghe giọng nói đậm chất của người xứ Quảng. Những “hỉ, tau, mi…” cứ văng vẳng mỗi góc chợ. “Ghé chợ đôi khi trò chuyện bằng giọng quê với các cô bán hàng cũng thấy lòng vui lắm, đỡ nhớ nhà một chút”, Minh Vĩ (quê ở Trà Bồng, Quảng Ngãi) chia sẻ khi đến chợ.

Có lẽ với nhiều người miền Trung xa quê, chợ bà Hoa như một điểm hẹn để tìm về chút hương vị ẩm thực quê nhà, nghe lại giọng nói xứ Quảng nhiều mến thương. Với người thành phố hay những ai đang sinh sống tại đây, chợ Bà Hoa như một địa chỉ nổi tiếng về đặc sản miền Trung, góp phần tô điểm thêm nét độc đáo cho ẩm thực nơi này, cũng như một địa chỉ chợ “đặc sản” của đất Sài Gòn.

Độc đáo chợ Campuchia

Có nhiều tên gọi khác nhau như chợ Campuchia, chợ Nam Vang, chợ Miên hay đơn giản là chợ trên đường Lê Hồng Phong, nằm phía sau chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Nơi đây là khu vực tập trung, sinh sống và mua bán của nhiều người gốc Campuchia, với nhiều món ăn nổi tiếng của đất nước chùa tháp.
Khách đến chợ dễ dàng nhận ra đặc trưng văn hóa của nước bạn, bởi những biển hiệu có đề tiếng Campuchia bên cạnh tiếng Việt. Chợ đã tồn tại hơn 20 năm với nhiều món ăn đặc sản của xứ chùa tháp. Nhiều món ăn tại đây đã níu chân thực khách khác bởi hương vị đặc trưng, khó quên. Cá tra, cá lóc Biển Hồ hay lạp xưởng Siêm Riệp cùng nhiều món khô cá khác được người mua tìm hỏi. “Chỉ có cá khô vậy thôi, mà ăn riết thành ghiền, mua chỗ khác nhiều khi hương vị không bằng, phải ra đúng chợ Campuchia mua thì ăn mới đã thèm”, chị Tuyết Mai (ngụ quận 8, TPHCM) cho hay.

Đặc sản ở chợ Campuchia chủ yếu là các loại khô, cá, mắm và chè, bánh. Với hàng trăm loại khô cá nước ngọt, ếch, nhái, mắm khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là khô cá lóc rút xương, cá tra Biển Hồ…với giá từ 150.000 đồng/kg, được xếp thành từng xâu và treo thành dãy với nhiều sắc màu hấp dẫn, mời gọi. Hay những thau ba khía đầy vun, thơm nức mũi mà khách đi ngang qua thường ngoái đầu nhìn lại, trầm trồ trước món ăn của miền phù sa sông nước. Đặc biệt món mắm bò hóc, một trong những món ăn truyền thống đặc trưng của người Khmer, chủ yếu làm từ các loại cá nước ngọt cũng được bày bán nhiều tại chợ, được đựng trong những hũ thủy tinh loại bự, khách mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu. Bên cạnh đó, lá sầu đâu cũng được bán khá nhiều tại chợ, đây là loại lá mà nhiều người sành ăn khi trộn gỏi các loại khô như cá lóc, cá sặc phải tìm mua cho bằng được thì mới đúng vị ngon của món ăn.

Ở sạp Tư Xê -  một trong số các sạp khô lớn và có tiếng tại chợ - còn bán thêm món bún num-bo-chóc vào buổi sáng, đây cũng là một trong những quán bún num-bo-chóc nổi tiếng nhất, nhì thành phố, khách đến trễ sau 10 giờ sáng thì không còn bún để bán. Món ăn này “níu chân” thực khách cũng bởi được nấu một cách “bài bản” và đúng điệu của người Khmer. Chị Thanh Mai cùng chồng là anh Văn Khoa (chủ sạp Tư Xê) có cha là người Campuchia, mẹ là người Việt, tiếp quản quán bún do mẹ chị để lại, được nấu với bí quyết gia truyền trong gia đình nên mang đậm hương vị đặc trưng của món bún num-bo-chóc Campuchia. Để nấu món bún ngon thì nguyên liệu ngải bún (một loại củ giống củ nghệ) và trái chúc (loại quả đặc trưng ở vùng Bảy Núi, An Giang có vị chua như quả chanh) phải thật tươi và loại mắm ngon. “Mấy loại nguyên liệu này có thể mua ở các tỉnh miền Tây, nhưng ví dụ như trái chúc ở vùng An Giang tuy có nhưng không đều mùa và giá khá cao. Cho nên gia đình tôi nhập các loại nguyên liệu này từ Campuchia, để đảm bảo độ tươi ngon nhất khi nấu bún”, chị Thanh Mai cho biết thêm.

Không chỉ riêng sạp Tư Xê, phần lớn các tiểu thương ở đây đều lấy hàng trực tiếp từ Campuchia, chị Huỳnh Thị Dung (chủ sạp khô Hai Nhỏ) chia sẻ: “Cứ khoảng 3 hoặc 4 ngày là khô, cá từ Campuchia được nhập về một lần để đảm bảo hàng bán luôn ngon. Người ta bỏ mối cho mình thành quen, mấy chục năm nay rồi”.

Không chỉ mời gọi khách với nhiều loại khô cá đặc sản, phía cuối chợ, quán chè Cô Có - chè Campuchia - luôn đông khách, phần lớn là các bạn trẻ tìm đến như một món ăn vặt hấp dẫn. Chị Nguyễn Thị Có, chủ tiệm chè Cô Có, đã hơn nửa đời người gắn liền với việc buôn bán chè, cho hay: “Tôi đi theo mẹ bán từ nhỏ, chè Campuchia có vị lạ nhưng hợp với khẩu vị nhiều người nên khách tới ăn thử một lần rồi từ từ thành mối quen”. Nhiều loại chè như chè hột me, chè bí chưng, chè thập cẩm Campuchia, xôi xiêm… được nhiều bạn trẻ thích thú. “Chủ yếu là hột me, hột mít thôi nhưng được chế biến khá hấp dẫn vừa thơm, vừa bùi, ăn vị rất lạ nhưng ngon”, Thanh Hiệp (sinh viên Trường Đại học Bách khoa chia sẻ).

Khu chợ nhỏ nằm trong con hẻm trên đường Lê Hồng Phong với đầy ắp ẩm thực, sản vật của đất Campuchia như một nét chấm phá độc đáo trên bản đồ ẩm thực ở thành phố, vùng đất hội ngộ của ẩm thực từ nhiều nơi khác nhau.

 Ngoài ra, còn khá nhiều ngôi chợ lạ và độc đáo giữa lòng thành phố như: chợ Nhật Tảo (quận 10) với đầy đủ các loại linh kiện điện tử, từ cũ đến mới, hàng nội hay hàng ngoại đều có. Hay chợ Dân Sinh (quận 1), được ví như một tiệm lạc xoong lớn với đầy đủ hàng hóa từ phụ kiện máy móc, đến các thiết bị gia dụng…


Kim Loan

Tin cùng chuyên mục