Ăn dặm là giai đoạn rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ, nếu không chú ý những khuyến cáo khoa học khi cho trẻ ăn dặm có thể “vô tình” làm cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ bị “tụt hậu”, dẫn đến nhiều hệ lụy như trẻ thường xuyên bị bệnh, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng…
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sẽ được tập cho ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi. Lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ có thể hấp thu những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ, bổ sung để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Những chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi và kết thúc ở tháng thứ 24. Khi cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ không có lợi cho trẻ vì hệ tiêu hóa của trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ chấp nhận và thích hợp với việc tiêu hóa các thức ăn lỏng như sữa mẹ. Ngược lại, nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn sau 6 tháng tuổi, trẻ thường bị thiếu dinh dưỡng do độ đậm các chất dinh dưỡng trong thức ăn lỏng không đủ đáp ứng nhu cầu hàng ngày của trẻ, làm cho trẻ chậm lớn và dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng.
Giai đoạn 6 tháng tuổi là giai đoạn giúp trẻ dần làm quen với những “thức ăn mới lạ”, rất cần thiết cho sự phát triển sau này của trẻ. Tuy nhiên, để xác định xem trẻ đã thực sự sẵn sàng cho việc ăn dặm hay chưa, cần dựa vào những biểu hiện sau đây: Cân nặng của trẻ đã tăng gấp đôi so với cân nặng khi sinh; trẻ đã biết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi để có thể đút thức ăn dễ dàng cho trẻ; trẻ biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa/muỗng; trẻ đã biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó; lưỡi trẻ không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ (lúc trẻ còn nhỏ, khi cho bất cứ vật gì vào miệng trẻ cũng đẩy ra, trừ núm vú); trẻ thể hiện sự thích thú đối với thức ăn.
Việc tuân theo những nguyên tắc cơ bản khi cho trẻ ăn dặm sẽ giúp việc nuôi trẻ được thuận lợi và khoa học hơn. Theo kinh nghiệm được đúc kết từ việc chăm sóc sức khỏe trẻ em của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics), cần chú ý những nguyên tắc sau: Cho trẻ tập ăn dặm những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc giống với sữa công thức để bé quen dần. Bột ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên khi tập cho trẻ ăn dặm vì mùi vị “tương tự” với sữa mẹ, sau đó dần thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn. Cho trẻ ăn với lượng ít rồi tăng dần, cụ thể như tháng đầu nên cho ăn 1 - 2 muỗng bột mỗi lần, rồi tăng dần lên 1/3 chén, rồi nửa chén… Đối với trẻ nhỏ, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người mẹ không nên cho thêm mắm, muối vào thức ăn của trẻ, vì hai quả thận của trẻ vẫn còn yếu. Khi nêm mắm, muối vào thức ăn sẽ khiến thận của trẻ phải làm việc quá sức gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này… Nguyên tắc cơ bản nữa là “không ép trẻ ăn” khi trẻ không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm, nên cho trẻ tạm ngưng việc ăn dặm một thời gian 5 - 7 ngày, rồi sau đó sẽ tiếp tục tập luyện để trẻ không bị căng thẳng trong việc ăn dặm.
Thạc sĩ - Bác sĩ ĐINH THẠC
(Bệnh viện Nhi đồng 1)