Sau 7 năm thí điểm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm: Kiên định hành trình xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn

Ra đời từ tháng 12-2016, đến nay, sau 7 năm triển khai thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm, TPHCM đã sẵn sàng cho sự ra đời của Sở An toàn thực phẩm đầu tiên trên cả nước. Và người dân có thể yên tâm hơn khi vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đã có một đơn vị chính danh, đủ khả năng phụ trách một cách quy củ, bài bản.

Thanh tra Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM kiểm tra một hộ kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thanh tra Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM kiểm tra một hộ kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

7 năm nỗ lực “xây và chống”

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, lúc mới thành lập phải đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng ngay từ đầu đơn vị đã kiên định với mục tiêu “xây song hành với chống”. Ban đã tuyên chiến với thực phẩm bẩn khi triển khai nhiều đợt thanh tra, kiểm tra ATTP trên diện rộng và không ngừng phát triển, mở rộng mạng lưới cung ứng thực phẩm sạch cho TPHCM.

Kết quả, trong 7 năm, đơn vị này đã không ngừng phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, nông sản sạch, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó, ban đã ký kết với Sở NN-PT-NT 15 tỉnh, thành phố có sản phẩm nông nghiệp đưa về tiêu thụ tại TPHCM với số lượng lớn như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước… Việc ký kết góp phần khẳng định mục tiêu xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ khâu sản xuất ban đầu đến khâu chế biến, bảo quản và kinh doanh, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Ban đã lập được cơ sở dữ liệu của 1.833 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản tươi sống tại 22 tỉnh, thành cung cấp vào TPHCM đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận an toàn như GMP, HACCP, ISO 22000, VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ… Đặc biệt, vấn đề ATTP tại chợ truyền thống cũng luôn được quan tâm. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM thường xuyên tổ chức tập huấn các kiến thức về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh và chế biến. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 25 chợ được triển khai xây dựng mô hình chợ ATTP, trong đó chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) và chợ Bình Thới (quận 11) đã đáp ứng được các tiêu chí cơ bản về chợ ATTP.

“Song song với xây thực phẩm sạch, ban cũng đã mạnh tay với thực phẩm bẩn. Đầu tiên, ban xây dựng Đội quản lý ATTP tại các chợ đầu mối và tuyến quận, huyện. Ban cũng thường xuyên thực hiện phòng chống ngộ độc thực phẩm thông qua việc tăng cường giám sát chất lượng tại các bếp ăn tập thể, suất ăn sẵn cho các trường học, bệnh viện, công ty, thức ăn đường phố, lễ hội, sự kiện”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan thông tin. Bà cho biết, trong 7 năm, ban đã mạnh tay với thực phẩm không an toàn khi thanh tra, kiểm tra 376.517 cơ sở, phát hiện 58.562 cơ sở vi phạm, xử phạt với tổng số tiền gần 182 tỷ đồng.

Hứa hẹn mô hình quản lý hiệu quả

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, trong bối cảnh hệ thống sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn manh mún, ý thức của người dân vẫn còn hạn chế như hiện nay thì nguy cơ mất ATTP tại TPHCM vẫn luôn thường trực, khiến người dân bức xúc và lo lắng. Với một đô thị lớn 13 triệu dân như TPHCM, trách nhiệm quản lý ATTP rất nặng nề. Sở An toàn thực phẩm TPHCM ra đời là vô cùng cần thiết, song Sở An toàn thực phẩm không phải là “cây đũa thần”, kiểm soát triệt để các vấn đề an toàn thực phẩm của thành phố.

Hà Nội tiếp tục cải thiện mô hình an toàn thực phẩm

Ngày 29-12, Sở Y tế TP Hà Nội cho biết, trong năm 2023, thành phố tiếp tục duy trì các hoạt động mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại 100% phường, thị trấn và 60 tuyến phố văn minh bảo đảm ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã. Duy trì 20 tuyến phố ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát. 30/30 quận, huyện, thị xã kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai của các xã, phường, thị trấn về công tác ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

MINH KHANG

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức làm sao để hạn chế tối đa thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường, nhân thêm nhiều mô hình thực phẩm sạch, kiểm soát có hiệu quả các vấn đề liên quan đến ATTP để bảo vệ sức khỏe người dân”, bà Phong Lan nhấn mạnh.

Nếu như trước đây, với 3 Sở Công thương, Y tế, NN-PTNT, nhiệm vụ bảo đảm ATTP không phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho từng sở vì còn nhiều nhiệm vụ khác, thì với Sở An toàn thực phẩm, nhiệm vụ kiểm soát ATTP là nhiệm vụ duy nhất, hàng đầu, phải chịu trách nhiệm, không được đùn đẩy, tránh né... Có 3 nguyên nhân ảnh hưởng đến việc bảo đảm ATTP. Đó là thực trạng sản xuất kinh doanh manh mún và ý thức người dân; thứ hai là hệ thống quy định pháp luật về ATTP chưa đồng bộ và quan trọng hơn là hệ thống quản lý chưa hiệu quả.

Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM bước đầu có thể giải quyết phần nào nguyên nhân thứ ba nhưng sẽ có tác động tích cực hơn đến 2 nguyên nhân đầu, từ đó cải thiện hiệu quả vấn đề ATTP. Kết quả thí điểm 7 năm của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM là minh chứng rõ nét cho điều này. “Khi ra đời, Sở An toàn thực phẩm TPHCM sẽ có nhiệm vụ tham mưu cho UBND TPHCM xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hành động bảo đảm ATTP, giải quyết từng bước các nguy cơ mất ATTP, làm đầu mối phát hiện, phân tích, xử lý các sự cố về ATTP”, bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, đồng thời cho biết, trước mắt Sở An toàn thực phẩm TPHCM sẽ tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, thống nhất đầu mối quản lý để tăng sức mạnh, đề cao vai trò và trách nhiệm, phân công hợp lý hơn.

Nhiều kỳ vọng về Sở An toàn thực phẩm TPHCM

Hôm nay 30-12, Sở An toàn thực phẩm TPHCM chính thức ra mắt và đi hoạt động sau 7 năm thí điểm. Đây được xem là bước tiến lớn và sự quyết tâm mạnh mẽ của thành phố trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nhạy cảm, có liên quan trực tiếp tới đời sống, sức khỏe của người dân và là bước đi kịp thời, quyết đoán trong việc thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến kỳ vọng từ bạn đọc.

Ông NGUYỄN KHẮC PHƯƠNG (đường Ni Sư Huỳnh Liên, quận Tân Bình, TPHCM):

Đáng mong chờ

TPHCM là địa phương có dân số đông, tốc độ phát triển và đô thị hóa hàng đầu của cả nước nên việc đảm bảo an ninh, ATTP cho hàng triệu người dân thành phố luôn là vấn đề vô cùng cấp bách và được mong chờ. Việc TPHCM thành lập Sở An toàn thực phẩm sẽ giúp cho công tác quản lý của thành phố về lĩnh vực ATTP được thống nhất và hiệu quả hơn. Cùng với đó, Sở An toàn thực phẩm TPHCM với quyền hạn, chức năng được nâng cao chắc chắn sẽ có những quyết sách, sự tham mưu kịp thời cho UBND TPHCM giúp làm tốt hơn vai trò quản lý nhà nước về ATTP.


ThS TRẦN PHƯƠNG, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao:

Cầu nối với người tiêu dùng

Sở An toàn thực phẩm TPHCM ra đời là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn cho nguồn thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Trước hết, tôi mong rằng Sở An toàn thực phẩm TPHCM sẽ thực hiện một quy trình kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt đối với các nguồn cung cấp thực phẩm. Việc này đảm bảo sản phẩm được sản xuất và kinh doanh tuân thủ các quy định chung về vệ sinh và chất lượng, đồng thời cần có sự minh bạch và công khai trong việc thông tin về các sản phẩm không an toàn để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình. Sở cũng cần có một hệ thống phản ánh và xử lý khiếu nại hiệu quả, để người tiêu dùng dễ dàng báo cáo về các vấn đề liên quan đến ATTP và đảm bảo các vi phạm sẽ được xử lý một cách nhanh chóng và công bằng.


Bà LÊ THỊ THÀNH (56 tuổi, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội):

Mong nhiều địa phương cũng có Sở An toàn thực phẩm

Là một người dân ở thủ đô Hà Nội, tôi cảm thấy rất vui và ủng hộ việc TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập được Sở An toàn thực phẩm, nhất là khi Tết Nguyên đán 2024 sắp tới. Việc TPHCM cho ra đời Sở An toàn thực phẩm là thật sự cấp thiết đối với một đô thị phát triển mạnh mẽ, đông dân cư để bữa cơm của mỗi gia đình được an toàn hơn và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro xảy ra. Với bộ máy và mô hình tổ chức được thống nhất, chúng tôi rất kỳ vọng không chỉ có TPHCM mà các tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng cần sớm thành lập Sở An toàn thực phẩm để việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về ATTP được quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, giúp mọi người dân cảm thấy yên tâm hơn với đồ ăn, thức uống hàng ngày.

T.AN - N.QUỐC - K.HUYỀN ghi

Tin cùng chuyên mục