Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất của trẻ dưới 1 tuổi, nhưng nếu chỉ nuôi đơn thuần bằng sữa mẹ sẽ không đủ nhu cầu cho cơ thể trẻ ngày càng lớn lên, nhất là từ sau 6 tháng tuổi. Do đó, cần cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung, gọi là “ăn dặm”. Giai đoạn này vô cùng quan trọng vì sẽ hình thành thói quen ăn uống của trẻ - đây thường là nguyên nhân dẫn đến biếng ăn nếu các bà mẹ không tập cho trẻ ăn dặm một cách khoa học.
Giai đoạn nào cho bé ăn dặm bột tốt nhất?
- Về mặt sinh lý tiêu hóa ở đường ruột của trẻ thì tuổi ăn dặm hợp lý nhất khi bé tròn 6 tháng tuổi, vì giai đoạn này chức năng tiêu hóa của ruột và khả năng bài tiết của thận đã khá hơn. Mặt khác nguồn sữa mẹ lúc này không còn đáp ứng đủ với nhu cầu ngày càng cao của bé, một số mẹ phải đi làm trở lại nên không thể cho bé bú cả ngày, vì vậy phải cho bé ăn thêm bột để bé đủ năng lượng cho nhu cầu hoạt động và phát triển của cơ thể. Mặt khác, nhu cầu các chất khoáng như: sắt, kẽm, calci bắt đầu thiếu hụt khi bé được 4 - 5 tháng tuổi, mẹ cần theo dõi cân nặng mỗi tháng, cho bé đến y tế để cân và đo chiều dài, nếu tăng cân ít hoặc đứng cân là bé bú không đủ nhu cầu (tháng tuổi này bé tăng khoảng 150g - 200g mỗi tuần), lúc này nên đến bác sĩ tư vấn dinh dưỡng xem có thể cho bé ăn dặm bột được hay chưa và nên cho bé ăn theo hướng dẫn của bác sĩ.
* Nên cho bé ăn dặm như thế nào cho phù hợp với đường tiêu hóa của bé?
- Theo khuyến cáo của WHO và UNICEF với trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ hoàn toàn không nước trái cây, không ngũ cốc, không nước cháo hoặc nước gì khác trong 6 tháng đầu đời sẽ giúp trẻ ít bị các bệnh nhiễm trùng, phòng thiếu máu thiếu sắt, ít bị tiêu chảy… Khi bé 6 tháng tuổi, tập cho bé ăn thêm chút ít bột loãng vị gần giống sữa như bột gạo sữa hoặc bột trái cây sữa. Tăng số lượng và tăng độ đậm đặc dần lên theo tháng tuổi của bé, nhằm tăng thêm năng lượng và kích thích hệ tiêu hóa tiết ra men tiêu hóa tinh bột mà bé ăn vào, khi bé đã quen với bột vị ngọt có thể xen kẽ bột vị mặn như bột rau, đậu thịt heo, gà, bò… giúp bé biết ăn nhiều loại thực phẩm, bổ sung nhiều dưỡng chất, đồng thời bé không bị ngán. Tuổi này bé mới tập ăn, do đó không nên cho bé ăn quá nhiều bột nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa, ngày nên cho ăn 1 - 2 lần bột, và cần đảm bảo cho bé bú sữa đầy đủ vì sữa vẫn là nguồn thực phẩm chính giúp phát triển toàn diện cả thể chất và trí não trong giai đoạn này mà không có thức ăn nào thay thế được.
- Cho bé ăn dặm nên giữ đúng nguyên tắc là từ loãng đến đặc dần, từ ít đến nhiều nhằm giúp đường ruột của bé tiết ra đủ men tiêu hóa tinh bột và thích nghi dần với lượng bột bé ăn vào. Mỗi bữa ăn cần có đủ bốn nhóm thực phẩm trong chén bột, có đạm giúp tạo tế bào, tạo kháng thể, tạo máu, có béo cung cấp năng lượng và hấp thu sinh tố tan trong dầu, rau lá, rau trái màu xanh, màu vàng nhằm cung cấp sinh tố và có chất xơ giúp bé không bị táo bón, còn gọi là “tô màu bát bột”. Sau 1 tuổi trẻ sẽ ăn được nhiều hơn, tuy vậy vẫn cần đảm bảo khoảng 700 - 800 ml sữa trong ngày. Tránh cho bé ăn dặm quá sớm, đường ruột chưa đủ men tiêu hóa thức ăn hoặc quá muộn, lúc đó bé đã biết “chọn lựa” hoặc quá quen với việc bú sữa nên khó tập ăn hơn. Nói chung ăn dặm đúng tháng tuổi sẽ giúp bé phát triển hài hòa, lớn nhanh khỏe mạnh hơn những bé ăn dặm không đúng tháng tuổi.
- Bộ máy tiêu hóa của trẻ có khả năng tiêu hóa các thực phẩm ngoài sữa từ khi tròn 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn và bắt đầu cho ăn dặm từ 6 tháng tuổi, không được trễ hơn vì trẻ sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng và càng lớn càng khó tập ăn.
- Nên bắt đầu với thức ăn từ lỏng tới đặc, từ ít tới nhiều, số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi. Khi chế biến, đảm bảo thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt, độ mịn của thức ăn phù hợp độ tuổi và số răng của trẻ, trẻ càng lớn, răng mọc đủ nhiều nên cho ăn lợn cợn rồi chuyển sang cháo đặc, cơm nát.
- Tập trẻ quen dần với nhiều thức ăn mới để đa dạng khẩu vị, đảm bảo đủ dưỡng chất, không bị ngán. Thí dụ: thay đổi hàng ngày loại thịt (bò, gà, heo, ếch, lươn, cá, trứng…); loại rau củ (cà rốt, khoai tây, hạt sen, bí đỏ, đậu Hà Lan, rau mồng tơi, rau ngót, rau dền, bó xôi…).
- Cho trẻ ăn đúng giờ giấc đã sắp xếp hàng ngày; không nên cho trẻ vừa chơi vừa ăn; không nạt nộ, nhồi nhét ép trẻ ăn hết suất gây tâm lý sợ hãi khi ăn; tạo không khí bữa ăn vui vẻ để trẻ thích thú.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa sạch tay trước khi chế biến và khi cho trẻ ăn.
- Theo dõi sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ hàng tháng, kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn của trẻ, để tránh bị suy dinh dưỡng hay béo phì.
Thức ăn dặm cho trẻ
- Thức ăn đầu tiên tập cho trẻ ăn nên gần giống sữa để cho trẻ tập làm quen trong những ngày đầu. Thí dụ: ngày đầu ăn chút nước cháo, bột gạo sữa pha loãng; ăn từ một bữa, tăng lên 2 bữa; vài ngày sau thêm một chút rau, củ hầm nhuyễn, rồi thêm chút dầu ăn…
- Thức ăn dặm nên có đủ 4 nhóm thực phẩm: bột (gạo), đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu, tôm, cua…), chất béo (dầu thực vật, mỡ, bơ…), rau - củ quả giàu vitamin và khoáng chất (mồng tơi, dền, ngót, bí đỏ, cà rốt…).
- Thành phần cân đối trong 1 chén bột ăn dặm nên có: một muỗng canh chất đạm + một muỗng canh rau/củ + một muỗng canh chất béo. Tất cả đều bằm nhỏ và cho trẻ ăn cả xác lẫn nước.
Hỗn hợp vitamin và khoáng chất: Cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của bé.
Công thức dinh dưỡng đặc biệt dành cho bé từ 6 đến 24 tháng tuổi, đem đến cho bé những bữa ăn đầu đời thơm ngon, giàu dưỡng chất, với nhiều lựa chọn đa dạng giúp mẹ thay đổi khẩu vị cho bé mỗi ngày như gạo sữa, trái cây sữa, heo rau ngót bí đỏ, bò khoai tây đậu Hà Lan, gà bó xôi cà rốt, cá nấm đông cô, ếch mồng tơi, lươn bí đỏ hạt sen...