Hạnh phúc tràn ngập mỗi căn nhà bất kể giàu nghèo khi đứa trẻ ra đời. Nó là kết quả của yêu thương, hy vọng và niềm vui trọn vẹn. Không phải đứa trẻ sơ sinh nào cũng dễ nuôi dù rằng các bà mẹ được dặn dò rất kỹ lưỡng từ khi sắp lấy chồng. Đại khái nuôi trẻ sơ sinh cố gắng đừng để chúng “bén hơi” do bế ẵm quá nhiều. Đứa không dễ nuôi sẽ suốt ngày bám chặt mẹ hoặc người lớn như một bản năng. Đứa dễ nuôi nằm chơi một mình. Chẳng muốn ai bế bồng. Cho đến tận bây giờ khoa học vẫn chưa thể đưa ra lời khuyên chính xác cho việc nuôi mọi trẻ sơ sinh. Chúng vẫn mỗi đứa một nết. Cần mẫn huấn luyện cũng chỉ tiến bộ lên chút ít. Những đứa trẻ ngoan biết nằm chơi một mình hình như không nhiều.
Vòng đời thấm thoắt chỉ độ hơn nửa thế kỷ sau chu trình ấy sẽ lặp lại. Vào lứa tuổi về hưu. Tuổi này có những phiền toái hệt như con trẻ. Bạn bè dần ít đi. Răng tóc dần ít đi. Vận động dần ít đi. Và lứa tuổi này dĩ nhiên không còn ai dám dạy dỗ ta về những phép tắc sinh hoạt nữa. Cứ là nhất cụ. Đã nhất thì tránh sao khỏi cô đơn phiền muộn nghĩ ngợi. Nhưng đánh đổi ngần ấy thứ để lấy được tuổi cao đức trọng kể cũng đáng đồng tiền bát gạo.
Khi là đứa trẻ sơ sinh dĩ nhiên vây quanh ta là cả một rừng người lớn. Ông bà, bố mẹ, anh chị, họ hàng. Tất cả đều coi ta là trọng tâm. Được chiều chuộng, cho ăn, cho mặc, dạy dỗ. Nếu may mắn ta là một đứa trẻ khôi ngô xinh xắn thì đến ngay cả hàng xóm cũng yêu mến. Ngược lại cũng chẳng sao. Vẫn có đủ người yêu quý quanh mình. Nhưng khi già mọi chuyện sẽ ngược lại. Ta chẳng còn là trung tâm nữa. May ra thì chỉ còn được dạy dỗ. Ấy là ta phải dạy dỗ người khác. Nhưng dạy những người trưởng thành không dễ. Thời khoa học công nghệ tiến nhanh như vũ bão, hiểu biết của một anh già về hưu là không đủ để dạy bạn thanh niên cường tráng đầy học thức.
Hết việc sinh ra buồn. Đến cơ quan cũ chơi, lớp cán bộ đàn em cũng chẳng được mặn mà lắm. Họ nghi mình định dạy dỗ thêm điều gì đó. Mình nghi họ đang có những kế hoạch nhằm phá hỏng công sức xây dựng mấy chục năm của mình. Kể cũng khó chơi. Sinh hoạt tổ hưu là một hoạt động khá cọc cạch. Từ tuổi tác cho đến trình độ và lĩnh vực mình quan tâm rất khó tìm ra một người có chung sở thích. Đến ngay cả tập thể dục với họ cũng là điều khó khăn. Mình cao có mét rưỡi làm sao đi bộ theo kịp ông bạn già mét bảy mỗi sáng quanh hồ. Vậy là một vòng bờ hồ của mình gặp ông ấy những hai lần dù đi cùng chiều. Thế là suốt một đời rị mọ áo cơm ta đã quên một việc hết sức quan trọng. Đó là chuẩn bị trò chơi cho tuổi già. Để ung dung sống trong phần lớn thời gian còn lại là “chơi một mình” đâu phải chuyện dễ. Phải đối phó với muôn vàn khủng hoảng tuổi tác mà không có chuẩn bị gì tránh sao khỏi hoang mang buồn bã.
Tuổi già hóa ra không thiếu trò chơi như ta vẫn tưởng. Ngay cả những chuyện tưởng như chỉ có tuổi trẻ mới quan tâm như hẹn hò chẳng hạn. Chẳng ai ngăn cản cụ bà hẹn cụ ông sáng sáng cà phê phố vắng tí tách chút hạt hướng dương để cùng nhau luyện hai hàm răng giả. Cũng không ai đánh giá tư cách cụ ông khi gửi tặng cụ bà một bài thơ mới làm có tí đắm say lãng mạn. Niềm vui nho nhỏ ấy giúp các cụ có thêm nhiều nghị lực sống mà chẳng tốn kém sức khỏe hay tiền bạc gì cả. Tất nhiên cụ nào muốn kết hôn thì phải cân nhắc kỹ chuyện tài sản cho phân minh trước khi chung sống.
Minh họa: KHANH MAI
Tuổi già dĩ nhiên phù hợp với việc đọc sách báo. Trừ những cụ làm việc chữ nghĩa cả đời ra chắc chắn không nhiều người đọc nổi một cuốn sách trong một năm làm việc. Giờ là lúc có thể “truy lĩnh” tiêu chuẩn ấy. Rất may ngành xuất bản hơn hai chục năm nay phát triển không ngừng. Sách vở chất đầy các cửa hiệu chỉ thiếu người đọc. Và giá cả rẻ đến mức khó tưởng tượng.
Tuổi già dành cho việc chơi bời thăm thú nếu như còn đủ sức khỏe. Phương tiện và dịch vụ sẵn sàng ở mọi nơi mọi chỗ. Đất nước dài hơn hai nghìn cây số rất ít ai đã từng đến đủ các miền. Con cháu bạn bè có mời đi du lịch nghỉ mát thì cứ chọn chỗ chưa biết mà đi. Nếu một năm chỉ đi một chuyến thôi cũng đủ để biết hết chiều dài đất nước trong vòng hai chục năm.
Không loại trừ có những cụ khi về hưu chọn cho mình một trò chơi gắn bó đến hết đời. Họ vẽ tranh, làm thơ, viết hồi ký, trồng cây cảnh, nuôi chim, cá cảnh, đi câu, nghe nhạc, sưu tập đồ chơi cả cổ lẫn kim… Chẳng những họ biết cách chơi một mình mà vài cụ còn trở nên nổi tiếng dù cả đời chẳng ai biết đến cụ!
ĐỖ PHẤN