
Trong khi nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển chọn người tài, người có năng lực, sức khỏe tốt vào làm việc thì Công ty 27-7 luôn nặng lòng với thương binh, người khuyết tật.
- Điểm tựa…

Du khách nước ngoài tham quan xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Xí nghiệp 27-7.
Trở về từ chiến trường Tây Nam với thương tật hạng 2/4, anh Trần Văn Vinh (quê ở Hóc Môn TPHCM) đã gõ cửa xin việc làm ở nhiều nơi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu, từ chối. “Chẳng có chủ doanh nghiệp nào muốn nhận những người thương tật như chúng tôi vào làm việc. Chỉ đến khi tìm đến đúng địa chỉ - Công ty 27-7, tôi mới được tiếp nhận vào làm việc ngay. Làm việc ở môi trường toàn thương binh, người khuyết tật, tôi nhận được sự chia sẻ, cảm thông”, anh Vinh tâm sự. Gắn bó với công ty 6 năm nay, anh thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng mình may mắn được làm việc ở công ty mang cái tên đầy ý nghĩa 27-7 - ngày thương binh liệt sĩ.
Thấu hiểu nỗi niềm của những người tàn tật luôn khát khao được làm việc, cống hiến cho xã hội, nhiều năm qua, Công ty 27-7 luôn tìm hướng đi riêng phù hợp với sức khỏe, thể lực của người khuyết tật. Ngoài ngành hàng chủ lực là sản xuất thuốc lá, công ty còn đầu tư phát triển xí nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gắn với hoạt động du lịch. Đến tham quan 2 xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của công ty-một trong những điểm bán hàng lưu niệm đạt chuẩn, nhiều du khách nước ngoài không khỏi thán phục, ngưỡng mộ những nghệ nhân khuyết tật đang làm việc tại đây.
Dừng tay cẩn những vỏ trứng li ti lên bức tranh sơn mài, Nguyễn Thị Bích Thủy quê ở Kiên Giang bộc bạch: “Trở thành lao động chính thức của công ty chúng tôi cảm thấy tự tin và yêu đời hơn. Ngoài việc làm và thu nhập ổn định, chúng tôi còn được công ty chăm lo chỗ ở, đưa đi tham quan, nghỉ dưỡng…”. Lớn lên từ trại mồ côi và bị bại liệt từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Lan nào dám mơ có ngày nắm bắt được hạnh phúc trong tay. Nay, ngoài mái ấm - một căn hộ tập thể do công ty cấp, hàng ngày vợ chồng chị đi làm bằng xe đưa rước cũng do công ty tài trợ. Với họ, hạnh phúc tuy đơn sơ nhưng dạt dào niềm vui, niềm hy vọng.
- Bắc thêm nhịp cầu may mắn
Chỉ tính riêng năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006, Công ty 27-7 đã tiếp nhận hơn 200 lao động là thương binh, người tàn tật vào làm tại Xí nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ 27-7 và Nhà máy Thuốc lá 27-7. Hiện có gần 300 lao động trong tổng số 1.400 lao động của công ty là đối tượng thương binh, người khuyết tật. Ngoài ra, công ty còn tiếp nhận nhiều trẻ mồ côi trưởng thành từ các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, lang thang bụi đời của Sở LĐTB-XH TP vào làm việc.
Bí quyết nào đã đưa công ty từ một xí nghiệp nhỏ (Xí nghiệp 27-7) trở thành Công ty 27-7 có quy mô hoạt động lớn với tổng doanh thu hàng năm đạt 150 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 30 tỷ đồng/năm như hiện nay? Ông Nguyễn Hoàng Viễn, Giám đốc Công ty 27-7, cho biết: “Để tăng doanh thu, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động đặc thù, chúng tôi không chỉ tìm cho mình hướng đi phù hợp, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh mà còn động viên khuyến khích người lao động làm việc hết khả năng, trình độ của mình”.
Nếu năm 1999, công ty chỉ có duy nhất 2 đơn vị là Xí nghiệp Thuốc là 27-7 và Xí nghiệp May 27-7 thì đến năm 2006 đã tăng lên 14 đơn vị thành viên trực thuộc, hoạt động hiệu quả. Mở rộng đầu ra tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do người tàn tật làm ra, tháng 7-2005 công ty thành lập thêm Khu Du lịch sinh thái tại Cần Giờ với tên gọi Hòn Ngọc Phương Nam.
Mỗi bước trưởng thành của Công ty 27-7 được kết nối bởi cái tầm, cái tâm của ban lãnh đạo.
HƯNG HÀ