Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thường diễn biến phức tạp hơn, gây tác hại nhiều mặt tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) xung quanh các giải pháp đang được thực hiện.
* Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về công tác phòng chống buôn bán, vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại... sau khi Ban Chỉ đạo 389 được thành lập?
* Ông NGUYỄN VĂN CẨN: Ngày 19-3-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 389 thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đã làm chuyển biến rõ rệt công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở cơ quan trung ương và các địa phương trên toàn quốc. Nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt đã được triển khai, mang tính đồng bộ và đổi mới hơn như: việc huy động cả hệ thống chính trị thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các địa phương; phối hợp hiệu quả nhiều lực lượng, nhiều địa bàn; đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm buôn lậu; tăng cường tuyên truyền, thi đua khen thưởng kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, tiêu cực, tham nhũng...
* Càng gần về cuối năm, hoạt động buôn lậu thường diễn biến theo chiều hướng phức tạp, Ban Chỉ đạo 389 đã có những biện pháp quyết liệt gì để đấu tranh mạnh mẽ hơn với tình trạng này?
* Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu ban hành Công điện số 2118 về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp, phương án cụ thể. Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, cảnh sát biển ở biên giới, cửa khẩu tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, người, phương tiện xuất nhập cảnh, tăng cường tuần tra kiểm soát, thiết lập các chốt chặn 24/24 giờ tại các đường mòn, lối mở tuyến biên giới; chỉ đạo lực lượng công an tổ chức triệt phá các tụ điểm, đường dây buôn bán, vận chuyển hàng lậu từ biên giới vào nội địa; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong thị trường nội địa... Các tỉnh, thành phố cùng vào cuộc. Nhiều địa phương đã thực hiện hiệu quả trong thời gian như: ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua đường mòn, lối mở ở Lạng Sơn, Quảng Ninh; buôn lậu thuốc lá biên giới Tây Nam; kiểm soát thị trường Hà Nội, TPHCM.
* Hiệu quả của các biện pháp đấu tranh vừa qua ra sao, thưa ông?
* Năm 2014, các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 201.868 vụ việc vi phạm (tăng 9,5% so với năm 2013); thu nộp ngân sách từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 11.709,5 tỷ đồng (tăng 14% so với năm 2013); khởi tố 2.081 vụ án hình sự với 2.275 đối tượng. Đáng chú ý trong đó là số vụ việc mà nhiều cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hay thu nộp ngân sách đã tăng mạnh so với năm 2013. Cụ thể như: lực lượng cảnh sát biển bắt giữ 196 vụ việc, tăng hơn 25%; lực lượng hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 22.20 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách trên 1.200 tỷ đồng (tăng 22% so với năm 2013); lực lượng công an phát hiện, bắt giữ gần 9.000 vụ việc; thu nộp ngân sách trên 305 tỷ đồng (tăng 80% so với năm 2013)...
Nhờ sự chỉ đạo của trung ương và nhập cuộc quyết liệt của các Ban Chỉ đạo 389 địa phương trong việc chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đến cơ quan chức năng từ tỉnh, thành đến các xã, huyện biên giới nên công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó phải kể đến các địa bàn như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, TPHCM...
* Thời gian gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn ra phức tạp. Ông nghĩ sao về điều này?
* Tuy tình hình buôn lậu thời gian cuối năm đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường có thể bùng phát nếu chúng ta sao lãng, buông lỏng công tác quản lý. Công tác đấu tranh chống buôn lậu đòi hỏi phải kiên trì và cần có thời gian, phải tuân thủ theo kế hoạch, có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới mới phát huy được hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, hoạt động đấu tranh phải căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng để phân công, phối hợp thực hiện đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo. Ở biên giới, cửa khẩu hải quan, bộ đội biên phòng là nòng cốt chống buôn lậu; trên biển lực lượng cảnh sát biển là chủ công; trong nội địa là lực lượng công an và quản lý thị trường.
Tôi cho rằng, với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc thực sự quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, các giải pháp đã được Ban Chỉ đạo 389 đề ra sẽ từng bước đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ đó, góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lành mạnh.
NGỌC QUANG (thực hiện)