
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật – Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, các nền tảng trực tuyến cho phép người bán dễ dàng tiếp cận số lượng lớn người mua mà không gặp nhiều rào cản vật lý hay thủ tục kiểm duyệt nghiêm ngặt. Đáng chú ý, tính ẩn danh tương đối của không gian mạng khiến các đối tượng vi phạm dễ dàng thay đổi danh tính, địa chỉ hoạt động khi bị phát hiện.

Một mối lo ngại khác, cũng theo ông Phong, đó là những đối tượng bán hàng giả quảng cáo chuyên nghiệp, bài bản hơn những doanh nghiệp kinh doanh hàng thật. “Chúng tôi đề xuất và sẽ tham gia xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu về các vụ việc, đối tượng vi phạm giữa các sàn thương mại điện tử, cũng như giữa sàn với cơ quan chức năng”, ông Phong nói.
Có bề dày kinh nghiệm tuyên chiến với hàng giả, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, thừa nhận rằng, thương hiệu Nón Sơn hình thành 30 năm thì cũng từng đó năm doanh nghiệp phải tuyên chiến với hàng giả.

“Người tiêu dùng mua sắm online nhiều hơn, thuận tiện hơn, nhưng đây cũng là cơ hội để các đối tượng bán hàng giả hoạt động do tính chất ẩn danh. Nón Sơn đã chủ động thành lập đội chuyên trách chống hàng giả, theo dõi thị trường hàng ngày, tự xác minh thông tin sau đó phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vụ việc", ông Tý cho biết.

Hoài nghi về tính hiệu quả trong công tác chống hàng giả, ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng TPHCM kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG, thắc mắc: “Chúng ta kiểm tra đến đâu, đóng cửa đến đó, vậy làm thế nào các cơ sở bán hàng giả có thể tiếp tục hoạt động? Quan trọng hơn, làm sao để người tiêu dùng luôn tiếp cận hàng thật?”, đồng thời ông kiến nghị, cần phải phát triển những kênh bán hàng đáng tin cậy, chỉ rõ cho người tiêu dùng biết đâu là nơi bán hàng thật.
Khi phát hiện hoặc mua phải hàng giả, người tiêu dùng có thể gọi đến tổng đài của lực lượng quản lý thị trường hoặc liên hệ với Hội Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng để được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM thông tin, thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, ngành công thương được giao nhiệm vụ phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa, làm nền tảng cho việc định hướng chiến lược, truy xuất nguồn gốc và đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả.
Sở Công thương TPHCM và Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đang triển khai nhiệm vụ này. Tuy vậy, đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi đầu tư bài bản về hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời cần thiết lập và kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia.