Phản hồi loạt bài “Nhức nhối nạn khai thác cát trái phép”
Báo SGGP ngày 27 và 28-6 đăng loạt bài “Nhức nhối nạn khai thác cát trái phép”, phản ánh tình trạng sông Sài Gòn đoạn qua các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, TPHCM và các sông nhỏ ở Đồng Nai bị khai thác cát trái phép ồ ạt, để lại nhiều hậu quả và hệ lụy nghiêm trọng. Sau khi báo đăng, lãnh đạo nhiều địa phương, cơ quan chức năng và người dân đã có ý kiến phản hồi, kiến nghị.
Ông Nguyễn Quốc Cường Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương: Chống “cát tặc” phải chặt chẽ, không rò rỉ thông tin
Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn kéo dài trong thời gian qua đã và đang gây ra nhiều hậu quả và hệ lụy rất đáng lo ngại, cụ thể là sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy… Việc này cử tri ở các huyện Bến Cát và Dầu Tiếng rất bức xúc và phản ánh nhiều lần, UBND tỉnh Bình Dương và các huyện cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, dẫu vậy kết quả mới chỉ hạn chế được phần nào.
Để ngăn chặn tình trạng này một cách triệt để, theo tôi cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, để tránh tình trạng bên này đi quét, “cát tặc” chạy sang địa phương bên kia lẩn trốn. Hơn nữa, kế hoạch ra quân truy quét, xử lý phải hết sức chặt chẽ để tránh bị rò thông tin ra ngoài. Hiện nay do lợi nhuận thu được từ việc hút cát trái phép rất lớn, nên “cát tặc” sẵn sàng đầu tư, nuôi “vệ tinh” theo dõi rất kỹ lịch trình kiểm tra của lực lượng chức năng. Để không vướng điều này, thiết nghĩ khi ra quân kiểm tra, xử lý “cát tặc”, lực lượng chức năng cần phải triển khai nhanh các thao tác: chuyển dịch phương tiện, tiếp cận đối tượng... Chống hút cát lậu trên sông phải cực nhanh như chống lửa đang cháy thì mới hiệu quả được.
Ông Lưu Vĩnh Quốc Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương): Cần luật hóa cụ thể hơn biện pháp xử lý
Hơn 10 năm làm công tác chống “cát tặc” ở địa phương, tôi thấy khó khăn lớn nhất là tiếp cận đối tượng vi phạm và chứng cứ xử lý. Với địa hình sông nước, việc di chuyển, tác chiến của lực lượng chức năng rất khó linh động. Khi nhận tin báo có ghe đang hút cát, lực lượng chức năng tác chiến hết khả năng, 10 phút sau đã đến được vị trí vi phạm. Đến nơi, các ghe hút cát vẫn còn đó, máy móc, thiết bị hút cát vẫn ngổn ngang, ống hút cát vẫn còn ướt nhưng không xử lý được, vì trước đó vài phút “cát tặc” đã tháo van xả hết cát xuống sông, phi tang chứng cứ. Đây là một bất cập! Chính quyền cấp trên cần can thiệp với cơ quan lập pháp, nên có quy định cụ thể hơn, sát sườn với thực tế hơn để lực lượng chức năng dễ xử lý. Chẳng hạn, không cần phải thả ống xuống sông hút cát, nhưng sử dụng máy bơm, thiết bị hút cát lưu thông vào khu vực sông cấm khai thác cát cũng sẽ bị xử lý như hành vi hút cát. Như thế công tác kiểm tra, xử lý vi phạm mới phát huy được hiệu quả. Thêm nữa, UBND xã là cơ quan quản lý địa bàn trực tiếp, có thể phát hiện nhanh các trường hợp hút cát lậu, tuy nhiên việc xử lý nhanh gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, không có kinh phí, phương tiện (ca nô)…
Để dẹp triệt để nạn khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn đúng là rất khó, tuy nhiên nói vậy không phải là hết cách. Tôi nghĩ vấn đề là ở chỗ cách thực hiện.
Ông Trịnh Minh Thanh cán bộ hưu trí ở xã Hưng Thuận (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh): Còn cấp phép khai thác cát, còn “cát tặc”
Thực tế trữ lượng cát trên sông Sài Gòn không còn nhiều, nhưng một số địa phương như ở Tây Ninh vẫn cấp phép khai thác thì cần phải xem lại. Biết rằng giấy phép khai thác chỉ giới hạn ở một phạm vi, diện ích nhỏ, tuy nhiên, cơ quan cấp phép có nghĩ đến việc những đơn vị sau khi được cấp phép, sẽ núp dưới “lá bùa giấy phép” rồi khai thác rộng ra xung quanh chứ không hẳn ở khu vực được cấp phép. Chuyện này diễn ra tràn lan nhưng lực lượng chức năng đâu thể nào ngồi canh, bắt liên tục được. Mà như vậy thì bờ sông, ruộng vườn của dân sẽ ngày càng bị sạt lở, hàng loạt hệ lụy khác kéo theo. Giữa cái lợi và cái hại trong việc cấp phép, tỉnh Tây Ninh cần cân nhắc kỹ. Theo tôi, để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn, rút giấy phép đơn vị khai thác cát không đúng quy định trên sông hiện nay cũng là một cách.
Ông Tựu Văn Huynh Phó Trưởng Công an xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TPHCM): Phải chặn đầu ra của “cát tặc”
Một trong những nguyên nhân khiến việc ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép chưa hiệu quả là do việc cấp phép cho doanh nghiêp kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) dọc bờ sông chưa có quy hoạch, còn tràn lan. Chỉ riêng bờ sông Sài Gòn đoạn qua huyện Củ Chi đã có hơn chục cửa hàng kinh doanh VLXD. Chủ các doanh nghiệp VLXD này cho rằng, cát bán ra có nguồn gốc từ miền Tây. Tuy nhiên, đâu thể nào thẩm định được cát nào ở miền Tây, cát nào dưới sông Sài Gòn. Thực tế, số lượng cát mà chủ các doanh nghiệp mua của các sà lan ở miền Tây chở lên không nhiều, nhưng tại vựa lúc nào cũng có cả ngàn khối cát tích trữ. Sở Kế hoạch - Đầu tư cần thắt chặt lại việc cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh VLXD dọc sông Sài Gòn. Ngoài ra, cần nâng mức phạt tối đa đối với hành vi khai thác cát trái phép để răn đe đối tượng vi phạm. Với mức phạt 20 triệu đồng như hiện nay chưa thấm vào đâu so với lợi nhuận mà “cát tặc” thu được mỗi đêm.
TUẤN VŨ
- Thông tin liên quan:
>> Nhức nhối nạn khai thác cát trái phép.
- Bài 2: Xới tung sông suối, ruộng rẫy
- Bài 1: “Xẻ thịt” sông Sài Gòn