Trên thực tế, vấn đề đặc quyền, đặc lợi vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn, đó đây, vẫn có tình trạng máy bay phải chờ một khách VIP là cán bộ lãnh đạo đến trễ; cán bộ sử dụng quyền ưu tiên khi đi đường, đi máy bay… không thật sự cần thiết; việc khoán phương tiện đi lại đối với một số chức danh không thực hiện được do nhiều người không cần tiền mà cần phương tiện công để “ra oai”; được ưu tiên, tạo điều kiện giải quyết các quyền lợi riêng… Thậm chí, hiện nay, có dấu hiệu biến tướng thành những đặc quyền, đặc lợi dành cho gia đình, người thân của một số cán bộ có chức, có quyền. Đó là trường hợp lùm xùm mới đây quanh việc người nhà một bộ trưởng được xe công đón tận cầu thang máy bay ngày 4-1, hay người nhà một thứ trưởng được tặng nhiều vé xem bóng đá giải AFF Cup trong khi người hâm mộ phải mua vé chợ đen với giá rất cao…
Từ điển Tiếng Việt giải thích: “Đặc quyền, đặc lợi là quyền lợi đặc biệt chỉ dành riêng cho một người hay một nhóm, một tầng lớp nào đó được hưởng mà những người bình thường khác không thể có được”. Vì lẽ đó, đặc quyền, đặc lợi là không bình đẳng, dĩ nhiên là không nhân văn, không văn hóa, nói cách nào đó là một biểu hiện của lợi ích nhóm, mà nhóm lợi ích này chỉ là những người có chức, có quyền. Đặc quyền, đặc lợi có thể do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập hoặc do người có chức, có quyền tìm cách lách qua các quy định, hoặc lợi dụng các quy định để tạo ra các quyền và lợi ích cho mình mà về hình thức không tỏ ra có gì là khuyết điểm, sai phạm, xấu xa.
Nó khác nhiều với tham nhũng, bởi người có hành vi tham nhũng gần như luôn nhận thức được điều mình làm là sai trái, nhưng vì lòng tham mà không kiểm soát được hành vi, còn đặc quyền, đặc lợi với họ gần như “tự nhiên” mà có, nó đến từ chức quyền, chứ không cần phải thực hiện các hành vi sai trái vô ý hoặc phải cố ý làm trái. Do đó, có ý kiến cho rằng nhận diện và đấu tranh chống đặc quyền, đặc lợi khó khăn, phức tạp hơn nhận diện và đấu tranh chống tham nhũng.
Đặc quyền, đặc lợi có nhiều biểu hiện cụ thể. Chẳng hạn, một bộ phận cán bộ có chức, quyền được cấp hoặc bán nhà, đất phân lô với giá rẻ, thấp hơn giá thị trường, có khi chỉ cần đăng ký, không cần trả tiền, sau đó “sang tay” đã có lãi không nhỏ; hay một số người có chức vụ được phục vụ phương tiện làm việc không đúng quy định; hoặc trong thực hiện phân bổ ngân sách, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, trong tổ chức bố trí cán bộ đi tham quan, nghiên cứu nước ngoài, kể cả mang danh là đi học tập nhưng lại là đi du lịch, thường rơi vào một số cán bộ có chức vụ nào đó. Ngoài ra có nhiều biểu hiện khác trong việc tổ chức phòng làm việc, đi lại, đi công tác, chế độ ăn nghỉ...
Hậu quả của đặc quyền, đặc lợi là không nhỏ. Trước hết, nó tạo ra sự cách biệt giữa các nhóm cán bộ, đảng viên, người có chức vụ, quyền hạn nào đó thì được hưởng nhiều quyền lợi, người không có chức vụ, quyền hạn hoặc có nhưng thấp hơn thì không được hưởng những đãi ngộ đó, từ đó làm giảm động lực phấn đấu của một số cán bộ, công chức hoặc dẫn đến tình trạng “chạy” để được hưởng các đãi ngộ đó. Nó cũng xâm phạm, làm thiệt hại đến tài sản nhà nước, lợi ích của nhân dân, ảnh hưởng đến sự công bằng, tiến bộ, tác động đến tệ “chạy”, tác động đến niềm tin của cán bộ, đảng viên cấp thấp và quần chúng nhân dân... Chính đây cũng góp phần hình thành tệ quan liêu, xa dân, bởi người có nhiều đặc quyền, đặc lợi thì ít muốn liên hệ mật thiết với nhân dân, dễ rơi vào trạng thái tự xây “tháp ngà” cho mình, từ đó dẫn đến các quyết định không sát thực tiễn.
Nhận rõ mối nguy của đặc quyền, đặc lợi từ lâu, Đảng ta đã có những quan điểm chấn chỉnh. Tại Đại hội VI, Đảng ta nêu: “Trong tư tưởng cũng như hành động, phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi”. Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Cải cách cơ bản chế độ tiền lương, nâng cao đời sống người hưởng lương, chống đặc quyền, đặc lợi”. Nghị quyết Trung ương khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” nhấn mạnh: “Đẩy nhanh việc cải cách, thực hiện sớm chế độ tiền lương, nhà ở, chống bình quân, cào bằng; đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi; gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức”...
Để hạn chế đặc quyền, đặc lợi trước hết phải ban hành các quy định thật chặt chẽ để không tạo ra quá nhiều các quyền ưu tiên, các lợi ích đặc thù cho các vị trí lãnh đạo mà tất cả cần bình đẳng và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trong đó, cần thu hẹp nhóm các vị trí cán bộ có được các quyền lợi đặc biệt về cấp nhà đất, bố trí nhà công vụ, cấp phương tiện đi lại, cấp phương tiện đi công tác, mua sắm trang thiết bị đặc biệt phục vụ công tác… Thí dụ, xem xét thực hiện đồng bộ việc khoán kinh phí xe cộ cho tất cả các chức danh từ thứ trưởng trở xuống; hoặc xem xét cán bộ, công chức từng chức danh không được đi nước ngoài quá bao nhiêu lần trong một năm… Đi kèm với đó là các biện pháp chế tài nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, kể cả phải xử lý kỷ luật hoặc hình sự, nếu vi phạm nghiêm trọng, chứ không phải chỉ thu hồi kinh phí, tài sản cấp sai.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách chế độ tiền lương, bảo đảm mức sống ngày được nâng cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có như vậy, người lao động mới yên tâm, nhiệt tình, gắn bó, tận tâm tận lực cho công việc và hạn chế việc nảy sinh tư tưởng đặc quyền, đặc lợi, nạn tham nhũng. Dĩ nhiên, cũng cần triệt để chống nạn “chạy” các loại, bởi trong khu vực nhà nước có lương cao mà bản thân lại có quyền lực thì sẽ nảy sinh tình trạng “chạy”, do đó phải quản lý chặt chẽ công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức.
Đồng thời, phải thực hiện tốt dân chủ, công khai, minh bạch trong các chính sách, nhất là có liên quan đến việc tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và các chế độ đãi ngộ đối với cán bộ công chức. Dân chủ phải thực chất và công khai phải rộng rãi, để mọi người dân có thể nắm bắt thông tin và giám sát việc thực hiện các quy định. Thực tiễn cho thấy, nếu không công khai quy định về xe công thì người dân sẽ không phát hiện trường hợp vi phạm về chế độ xe công của Trịnh Xuân Thanh (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, mà thực chất là xe gắn biển số không đúng quy định của pháp luật), từ đó sẽ khó phát hiện các sai phạm khác của ông này.
Ngoài ra, cần phải thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo nhận thức tốt và xây dựng tinh thần trách nhiệm trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về đấu tranh chống đặc quyền, đặc lợi. Cũng như phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để bảo đảm không có đặc quyền đặc lợi trong đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời phải xử lý nghiêm minh tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên đặc quyền, đặc lợi hoặc dung túng cho hành vi đặc quyền, đặc lợi...
Một xã hội tiến bộ, một nền hành chính lành mạnh, một chính phủ liêm chính sẽ không chấp nhận hiện tượng đặc quyền, đặc lợi, bởi đó là biểu hiện bất bình đẳng, thiếu dân chủ, mang nhiều tàn tích của các chế độ cũ, lạc hậu. Do đó, cần kiên quyết chống đặc quyền, đặc lợi, ngay trong từng cơ quan, đơn vị, từ cấp cơ sở đến cấp trung ương.