(SGGP).– Ngày 6-12, Viện Nhiệt đới môi trường TPHCM phối hợp cùng các sở ban ngành và các nhà khoa học đã họp bàn về “Hệ thống chống ngập úng khu vực TPHCM và các vấn đề môi trường liên quan”.
Những năm vừa qua tại TPHCM đã có 154 trên tổng số 322 xã – phường bị ngập do mưa lớn và triều cường khiến hơn 10.000 ha diện tích bị ngập và làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của hơn 900.000 người dân.
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM”. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, khi xây dựng công trình theo đề án này sẽ gây nhiều tác động xấu tới môi trường, làm cản trở giao thông đường thủy khi ra vào các vùng dự án, đặc biệt khi làm đê bao và cống ngăn triều sẽ làm giảm diện tích điều tiết chứa nước khi triều lên, khi đó mực nước sông Nhà Bè, Phú An, Thủ Dầu Một, Bến Lức… ngoài vùng bảo vệ bị dâng cao hơn so với hiện trạng.
Khi tiến hành xây dựng hệ thống đê bao bao gồm cả 26 cống dưới đê sẽ làm các kênh rạch nhỏ và các đường thoát nước tự nhiên bị chặn lại làm giảm khả năng thoát nước ở một số khu vực, làm thay đổi mực nước ở các kênh có cống khi đang thi công, làm tích tụ bùn lắng, ứ đọng rác thải ở các kênh có cống, tích nước ở các kênh rạch gây ô nhiễm nguồn nước…
Q.Hùng