Những ngày qua, tình trạng ngập lụt đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân TPHCM. Làm gì để khắc phục tình trạng này đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo và người dân TPHCM.
Lấy đất của... nước
TPHCM đã bắt đầu “tuyên chiến” với tình trạng ngập lụt từ gần 10 năm nay. Tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian đầu tư tiền của và công sức, tình trạng ngập lụt ở TPHCM nhìn chung vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể. TPHCM vẫn còn khoảng 100 điểm ngập tương tự như lúc… bắt đầu chống ngập.
Không phải các dự án chống ngập của thành phố không phát huy hiệu quả. Trên thực tế nhiều khu vực ngập nặng đã hết ngập hoặc giảm ngập nhờ các dự án chống ngập như khu vực đường Cô Bắc-Cô Giang (quận 1), khu vực trước Nhà hát Hòa Bình (quận 10), khu vực Bùng binh Cây Gõ (quận 6)…
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, đã có khoảng 20% điểm ngập ở khu vực nội thành được xóa nhờ các dự án chống ngập cho lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tàu Hủ-Bến Nghé, Tân Hóa-Lò Gốm cùng một số dự án chống ngập nhỏ, lẻ khác (tuy chưa hoàn thành song cũng đã bắt đầu phát huy hiệu quả).
Vấn đề là hiện nay TPHCM lại để phát sinh thêm nhiều điểm ngập mới ở các quận, huyện ngoại thành và vẫn để cho nhiều kênh, rạch-khu vực chứa nước lớn nhất của thành phố, bị lấn chiếm hoặc bị sa bồi mà chưa có kế hoạch nạo vét, bảo vệ căn cơ.
Theo một báo cáo mới nhất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), mặc dù Khu Đường sông, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các quận, huyện đã thường xuyên tuần tra kiểm soát tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch song cho đến cuối tháng 10-2010 trên địa bàn thành phố vẫn còn 17 vụ lấn chiếm sông, kênh rạch chưa được xử lý, trong đó có 7 vụ ở các tuyến đường sông do trung ương quản lý và 10 vụ ở các tuyến đường sông thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Ngoài ra, còn có khoảng 20 vụ xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ sông, kênh, rạch mà cho đến nay cũng chưa được xử lý rốt ráo.
Thế nhưng, theo tiến sĩ Hồ Long Phi, Phó ban Điều hành chương trình chống ngập của TPHCM, diện tích đất mà các vụ lấn chiếm nêu trên chiếm mất vẫn rất nhỏ so với diện tích sông, kênh, rạch đã bị lấn chiếm và đã được hợp pháp hóa. Đó là chưa kể đến hàng loạt vùng đất thấp, trũng trước kia vẫn làm chỗ trữ nước tự nhiên khi mưa xuống và triều lên đã bị san lấp. Không phải ngẫu nhiên mà trong khi mực nước biển dù bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhưng mới chỉ dâng thêm 4-5mm/năm trong khi mực nước sông, kênh trong thành phố đã dâng tới 1,5-2cm/năm. Vùng đất của nước ngập tự nhiên đã bị lấn chiếm quá nhiều, đây là lý do chính mà theo một số nhà khoa học, làm cho đỉnh triều ở TPHCM liên tục tăng trong thời gian qua.
Và điều này cũng đã được chứng minh qua đợt triều cường ngày 6, 7-11-2010 vừa xảy ra, khu vực ngập nặng bao gồm quận 8, quận Bình Thạnh, một phần của quận Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn… đa phần trước kia đều là vùng đất trũng, thấp-nơi trữ nước mỗi khi triều dâng, nay bị đô thị hóa, không có chỗ cho nước nữa.
Tái bố trí lại dân cư
Đang có hai đồ án quy hoạch chống ngập được nghiên cứu triển khai ở TPHCM. Một đồ án chống ngập do mưa ở khu vực nội thành được xây dựng cách nay gần 10 năm do ngành giao thông vận tải lập với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản và một đồ án chống ngập do triều và lũ mới được phê duyệt năm 2008 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng.
Căn cứ vào đồ án quy hoạch đầu, hàng loạt dự án chống ngập cho các lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tàu Hủ-Bến Nghé, Tân Hóa-Lò Gốm… đang được triển khai thực hiện. Nhưng ngay khi chưa hoàn thành, nhiều dự án trong số này đã được cảnh báo sẽ lạc hậu so với những diễn biến mới nhất của thời tiết TPHCM. Khi lập các dự án này, các tư vấn chỉ tính toán đỉnh triều vào khoảng 1,29m đến hơn 1,3m trong khi hiện nay đỉnh triều đã lên tới 1,55m-1,56m và các cơn mưa hiện cũng đã nhiều hơn, lớn hơn rất nhiều so với trước. TPHCM đang phải tính đến việc thực hiện hàng loạt giải pháp mềm như xây hồ điều tiết, hạn chế tình trạng bê tông hóa… để hỗ trợ cho các giải pháp công trình cứng có nguy cơ lạc hậu nêu trên.
Đồ án quy hoạch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, để chống ngập do lũ và triều cường, cách nay nhiều năm TPHCM đã triển khai nhiều dự án làm đê bao, xây đập ngăn triều như dự án đập ngăn triều Bình Triệu-Bình Lợi, đê bao bờ hữu sông Sài Gòn… Thế nhưng, nhiều công trình đê bao cũng đang tỏ ra quá tải trước sức công phá ngày càng dữ dội của triều cường, nhất là khi triều cường dâng cao cùng lúc với các trận mưa lớn. Tình trạng bể bờ bao xảy ra đã gần như “cơm bữa” ở nhiều quận, huyện ven.
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập của TPHCM đang nghiên cứu xây dựng một chương trình chống ngập căn cơ bền vững hơn cho thành phố. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là động thái tích cực của thành phố nhưng e ngại rằng liệu các giải pháp có đủ sức giải quyết vấn đề, nhất là khi tình trạng ngập nước hiện nay chủ yếu do công tác quản lý đô thị còn nhiều bất cập và đã có bài học nhãn tiền: nhiều công trình chống ngập chưa xây dựng xong đã lạc hậu.
Tiến sĩ Hồ Long Phi cho biết, ông đang chờ một thống kê chính thức về diện tích sông, kênh, rạch bị lấn chiếm. Tuy nhiên, trước mắt, ông và nhiều nhà khoa học khác cho rằng, nếu không ngăn chặn hiệu quả tình trạng san lấp sông, kênh rạch trái phép và nghiên cứu trả một phần đất (ngập nước) đã lỡ chiếm của nước cho… nước, thì mọi giải pháp công trình khác sẽ không mang lại kết quả như mong muốn. Giữ lại diện tích đất bao nhiêu cho nước, sẽ được tính toán chặt chẽ trên cơ sở yêu cầu phát triển chung của thành phố, cũng không nên quá cực đoan vì với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, bắt buộc thành phố sẽ phải san lấp một phần đất ngập nước để xây dựng đô thị, tiến sĩ Hồ Long Phi nói.
Ở góc độ một nhà quản lý quy hoạch chung cho thành phố, ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cũng cho rằng muốn phát triển bền vững, chống ngập nước và kể cả chống kẹt xe một cách căn cơ, TPHCM phải tái bố trí lại dân cư, không nên để tình trạng đô thị phát triển như vết dầu loang, rất tốn đất và lộn xộn như hiện nay. Nên “vun” đô thị lại theo từng khu vực và chấp nhận xây dựng (ở một số nơi) với mức độ nén cao để dành đất cho giao thông và… nước. Giải quyết được hai vấn nạn: ngập nước và kẹt xe, TPHCM mới phát triển bền vững.
TPHCM cần phải chú ý gia tăng tỷ lệ ao hồ dành cho thoát nước. Có thể ở những khu vực bình thường khi quy hoạch chỉ cần đảm bảo 17% diện tích ao hồ để trữ nước, nhưng ở khu vực như phía Nam TP thì cần quy định gia tăng tỷ lệ diện tích trữ, thoát nước - ông Nguyễn Ngọc Anh - quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam. |
Nguyễn Khoa