Chống ngập mùa mưa tại TPHCM - Đầu tư tiền tỷ vẫn... cứ ngập!

CAO THĂNG
Chống ngập mùa mưa tại TPHCM - Đầu tư tiền tỷ vẫn... cứ ngập!

Hôm qua 26-5, hơn 100 nhà khoa học thuộc Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM và Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tham dự hội thảo bàn về các giải pháp chống ngập ở TPHCM. Các nhà khoa học cho rằng thành phố đang bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng nhiều dự án thoát nước, nhưng hiệu quả thực tế của các dự án chưa cao, càng chống càng ngập.

  • 163 điểm ngập thường xuyên?

Theo đại diện Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM (TTĐHCNN), tình trạng ngập nước tại TPHCM diễn biến rất phức tạp. Cụ thể năm 2009 có 150 trận mưa. Trong đó, hơn 50 trận mưa đủ khả năng gây ngập cho thành phố. Không dừng lại đó, mực nước thủy triều cũng liên tục tăng cao, khoảng 1,56m khiến cho tình trạng ngập diễn biến phức tạp hơn. Tính đến nay vẫn còn khoảng gần 50 điểm ngập nước nặng chưa có phương án xử lý.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, thực tế số điểm ngập còn cao hơn rất nhiều. Cụ thể, hiện nay toàn thành phố có khoảng 163 điểm thường xuyên bị ngập kéo dài khắp 24 quận huyện. Trong đó có 96 điểm ngập thường xuyên do mưa và 67 điểm ngập do triều cường

Một thực tế khác, hiện những kênh rạch thoát nước tự nhiên của thành phố đang bị lấn chiếm và san lấp tùy tiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt cao hơn. Đại diện Khu Đường sông cho biết, tình hình lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn TPHCM có chiều hướng gia tăng. Hiện tại có 182 vị trí sông, kênh, rạch bị lấn chiếm; tập trung nhiều nhất là: quận 7 (49 vị trí), quận 8 (39 vị trí), huyện Bình Chánh (24 vị trí), huyện Nhà Bè (15 vị trí).

Thi công cống thoát nước cấp 2 và 3 lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm trên đường Hòa Bình. (Ảnh chụp chiều 26-5). Ảnh: CAO THĂNG

Thi công cống thoát nước cấp 2 và 3 lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm trên đường Hòa Bình. (Ảnh chụp chiều 26-5). Ảnh: CAO THĂNG

  • Chống ngập: Giậm chân tại chỗ!

Lý giải cho thực tế trên, TTĐHCNN cho rằng, nguyên nhân là do TPHCM đang triển khai hàng loạt các dự án thoát nước lớn và các dự án cấp nước dân dụng. Trong quá trình thi công, các nhà thầu đã chặn dòng chảy và làm phát sinh thêm nhiều điểm ngập mới. Trung tâm đã làm nhiều văn bản gửi UBNDTP đề nghị xử phạt, nhưng tiến độ khắc phục còn chậm.

Về vấn đề lấn chiếm kênh rạch, dù trung tâm đã làm việc nhiều lần với quận huyện, nhưng tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện. TTĐHCNN đang thực hiện nhiều dự án chống ngập có tính cấp bách cho TP nhưng tiến độ không đạt yêu cầu vì khó khăn trong khâu thủ tục. Đơn cử như các dự án chống ngập tại khu vực Bến xe Chợ Lớn, lắp đặt van ngăn triều, 7 dự án tiểu Hàng Bàng… phải đến tháng 7-2009 mới được bố trí vốn đầu tư và phải đến tháng 12 mới có quyết định điều chỉnh dự án…

PGS-TS Lê Phu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, một nguyên nhân khác khiến ngập lụt tại thành phố ngày càng tăng là do hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước sinh hoạt chung quá cũ kỹ, lại phát triển chậm, không đủ khả năng tiêu thoát nước; hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước, vùng trũng, ao hồ để làm hồ điều tiết thoát nước tự nhiên bị san lấp, lấn chiếm, bồi lắng.

GS Lê Huy Bá nhấn mạnh, chỉ tính từ năm 1990 đến 2004 đã có 47/100 tuyến kênh rạch lớn nhỏ với tổng diện tích khoảng 16,42ha đã bị biến mất hoàn toàn do san lấp. Riêng TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM nhấn mạnh, tình trạng ngập lụt ngày càng tăng là do tốc độ đô thị hóa tại TPHCM quá nhanh nhưng thiếu sự đầu tư đồng bộ trong xây dựng cơ sở hạ tầng và do sự sụt lún của địa tầng do khai thác nước ngầm quá mức. Các dự án thoát nước thi công chậm nên khi đi vào hoạt động luôn trong tình trạng lạc hậu so với tình hình thực tế.

Ngập nước - nỗi khổ của người dân thành phố. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ngập nước - nỗi khổ của người dân thành phố. Ảnh: ĐỨC TRÍ

  • Xây hồ điều hòa, cấm san lấp kênh rạch

Trước thực trạng trên, TS Lê Vinh Danh cho biết, cho dù thành phố có đổ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hàng loạt công trình thoát nước như cống kiểm soát triều, nạo vét kênh mương, xây dựng hồ điều tiết chống ngập… cũng chưa chắc giải quyết triệt để tình trạng ngập lụt. Bởi nguyên nhân căn cơ nhất gây nên tình trạng ngập lụt chính là việc thành phố đã và đang san lấp tất cả các vùng trũng để xây dựng đô thị.

GS-TSKH Lê Huy Bá khẳng định, vị trí kiến tạo TPHCM là “đô thị bán ngập triều”. Hướng thoát lũ chính của thành phố là Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc xuống Nam, Đông Nam và Tây Nam. Vì vậy, việc thành phố càng mở rộng đô thị hiện đại ở vùng Nam thành phố như quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh, có nghĩa là thành phố đang tự chặn đường thoát nước của chính mình. Và như vậy thì khó tránh khỏi tình trạng ngập lụt nặng nề.

Để giải quyết bài toán chống ngập, TPHCM cần cấm tuyệt đối việc san lấp kênh rạch và vùng trũng; hạn chế tối đa đô thị hóa nhà cao tầng ở vùng Đông Nam thành phố, hoặc nếu có nên tính đến phương án xây nhà sàn và thay làm đường bằng giải pháp “cầu cạn”. Bên cạnh đó, những khu vực vùng cao cần tính đến phương án xây dựng hệ thống cống mới có lắp hệ thống van một chiều vào cuối đoạn để chủ động thoát nước tự chảy. Đối với những khu vực vùng thấp nên tính đến phương án xây dựng các hồ điều hòa chìm, đủ để chứa lượng nước chưa kịp tiêu thoát, đợi đến khi triều rút thì tự chảy; tận dụng các công viên hiện hữu để xây dựng hồ điều hòa; giảm diện tích bê tông hóa vỉa hè để tăng lượng nước bổ cập cho nước ngầm. Đặc biệt là phải tăng cốt nền của toàn thành phố lên +2m cho các công trình xây dựng mới…

ÁI VÂN

Ngập do mất điện

Trưa 26-5, hàng chục hộ dân thuộc các phường 13 và 26 quận Bình Thạnh TPHCM chưng hửng do nền nhà ngập lênh láng, nước đen kịt và bốc mùi hôi thối. Hầu hết các con hẻm thuộc 2 phường trên bị nhấn chìm trong triều cường. Một số nhà dân bị nước ngập cao đến 20cm. Nguyên nhân do van ngăn triều Bình Triệu - Rạch Lăng (bên hông cầu Bình Triệu) không đóng lại khi triều cường lên cao.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết, ngay thời điểm triều cường dâng cao, van ngăn triều Bình Triệu chuẩn bị đóng lại thì đột ngột mất điện tại khu vực trạm bơm khiến van không thể đóng được. Nguyên nhân mất điện là do mạng lưới điện bị nổ. Vì thế, triều cường dâng cao vào rạch Lăng khiến hàng loạt hộ dân bị ngập.

Q.HÙNG 

Tin cùng chuyên mục