Ngày 7-3, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM phối hợp với Liên danh tư vấn Hà Lan tổ chức hội thảo dự án chống ngập nước cho khu vực TPHCM. Tại hội thảo, nhiều ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, để giải quyết bài toán ngập nước cho khu vực TPHCM cần phải có sự kết hợp nhiều nhóm giải pháp mang tính tổng hợp, đồng bộ.
Theo báo cáo của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, TPHCM nằm ở hạ lưu hai con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai với gần 60% diện tích là vùng đất thấp, có mạng lưới sông rạch chằng chịt (7.880km sông, rạch chính). Trong thời gian qua, cùng với những thành tựu đạt được về kinh tế, quá trình đô thị hóa cũng diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng chưa được phát triển tương ứng, hệ thống thoát nước vừa thiếu, vừa không đủ năng lực dù TP đã liên tục nâng cấp, đầu tư mới từ nhiều nguồn vốn. Ngoài ra, vấn đề lún sụt đất do khai thác nước ngầm quá mức, triều cao, lũ từ các sông lớn, hoặc kết hợp giữa mưa, lũ và triều cường cao khiến cho TP thường xuyên bị ngập.
Để giải quyết vấn đề thoát nước, chống ngập, TP đã xây dựng 2 quy hoạch liên quan đến vấn đề tiêu thoát nước cho TP do Jica lập và được Chính phủ phê duyệt năm 2001. Quy hoạch này là cơ sở chính cho các công trình thoát nước hiện đang xây dựng tại TPHCM. Các công trình này chủ yếu tập trung vào việc giải quyết tiêu thoát nước do mưa và xử lý nước thải cho vùng nội thành cũ.
Hai là quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho khu vực TPHCM do Bộ NN-PTNT lập đã được Chính phủ phê duyệt năm 2008. Quy hoạch này chủ yếu tập trung vào các biện pháp kiểm soát triều. Vì vậy, để giải quyết căn cơ và hiệu quả vấn đề chống ngập cho TP, cả hai quy hoạch cần phải được xem xét đánh giá trong khuôn khổ của một giải pháp tổng hợp bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, như các giải pháp công trình, phi công trình, kinh tế xã hội, môi trường cũng như quy hoạch phát triển lâu dài của TP, có xét đến phạm vi ảnh hưởng của các vùng lân cận và biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Ông Hồ Long Phi, Giám đốc Ban Quản lý dự án chống ngập nước TPHCM, cho rằng: Tình trạng ngập ở các quận nội thành TPHCM tuy đã giảm đáng kể nhưng tất cả các dự án hiện có đều thiên về giải pháp công trình với mức độ bảo vệ hữu hạn, do đó dễ bị tổn thương khi đối phó với các biến cố vượt thiết kế. Các dự án này thiếu hẳn sự đồng bộ trong triển khai, thậm chí mâu thuẫn trong giải pháp. Trong khi đó, hiện nay lại xảy ra nhiều yếu tố bất định khó có thể lường trước được như: Nhiều cơn mưa có vũ lượng lớn, tình trạng lún, lũ thượng nguồn, nước biển dâng… Vì vậy, để kiểm soát tình trạng ngập lụt ở đô thị như TPHCM, cần đánh giá các rủi ro thông qua các phương án chiến lược và kịch bản đầy đủ, không thiên lệch về phía giải pháp công trình. Cải tiến việc định lượng hóa thông qua dữ liệu, công cụ và phương pháp luận tốt hơn. Kế hoạch thực hiện tốt hơn nhờ phân tích ưu tiên và phân tích tài chính. Xem xét kỹ lưỡng các dự án hiện có để tìm kiếm sự phối hợp đồng bộ về không gian và thời gian.
Đồng quan điểm này, ông Michel Tonneijck, chuyên gia thủy lực DHV Hà Lan nhấn mạnh: Vấn đề ngập nước đô thị không chỉ có TPHCM mà trên thế giới còn có một số nước cũng xảy ra như Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan)… đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, để giảm thiểu những tác động hiện tại và sau này, cần phải cân bằng giữa biện pháp trực tiếp (công trình) chống ngập và các phương pháp xây dựng ý thức chung (phi công trình).
Cụ thể, để giảm thiểu rủi ro do tình trạng ngập nước cần phải kết hợp các giải pháp mang tính tổng hợp như: Quản lý hệ thống sông đầu nguồn, không gian cho sông, hồ chứa thượng nguồn, chuyển hướng dòng chảy thượng nguồn; xây dựng các công trình ngăn triều ở hạ nguồn, đê và các cống ngăn triều, cải thiện khả năng tiêu thoát nước của hệ thống kênh và sông ngòi. Kiểm soát mực nước ngầm; kiểm soát sử dụng đất trong đó lập kế hoạch dài hạn đảm bảo tiêu thoát nước. Xây dựng và sử dụng các công trình có khả năng chống ngập tốt hơn, chẳng hạn làm đường cao hơn, các ống tuynel có khả năng tránh ngập…
| |
Đình Lý