Chống ngập ở TPHCM - cần dành chỗ cho … nước

Tình trạng ngập gia tăng sau mỗi cơn mưa đang là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM. Giải pháp gì để giải quyết tình trạng ngập hiện nay ở TPHCM nhằm góp phần làm nên chất lượng sống tốt cho người dân TP?
Chống ngập ở TPHCM - cần dành chỗ cho … nước

Tình trạng ngập gia tăng sau mỗi cơn mưa đang là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM. Giải pháp gì để giải quyết tình trạng ngập hiện nay ở TPHCM nhằm góp phần làm nên chất lượng sống tốt cho người dân TP?

Hệ thống thoát nước chỉ đáp ứng 25% so yêu cầu

TPHCM là TP ven biển, có sông rạch chằng chịt, đó là đặc trưng tự nhiên của TP. Do vậy, đô thị TPHCM là một đô thị bán nhật triều, khu vực đất trũng của TP chủ yếu là đất ướt, mỗi này 2 lần nước triều ra vào, chênh lệch đỉnh triều và chân triều có khi tới 2,5cm - 3m. Có 3 lý do căn bản gây ngập ở TPHCM: Thứ  nhất là nước biển dâng; thứ hai là sự thay đổi dòng nước từ thượng nguồn; thứ ba là lượng mưa ngày càng lớn do khí hậu cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) và tổ hợp giữa chúng.

Phay ngăn triều phường 16, quận 8 chống ngập thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Cao Thăng

Hiện nay, việc chống ngập ở TPHCM đã có nhiều giải pháp tổng hợp như xây dựng tổ hợp hệ thống các công trình đê bao, cống kiểm soát triều, nhà máy xử lý nước thải… Tuy nhiên, do việc thực hiện các giải pháp nêu trên vẫn đang dang dở nên kết quả còn rất hạn chế và có phần lúng túng, nhất là do tác động  của BĐKH mực nước biển dâng, đỉnh triều tăng cao, khí hậu cực đoan mưa trên 100mm, thậm chí là trên 200mm, xảy ra với tần suất nhiều hơn và tình trạng xả lũ. Hiện TPHCM có 105 điểm ngập (47 điểm ngập do mưa, 51 điểm  do mưa và triều cường kết hợp và số còn lại là ngập do triều cường) .

Tuy nhiên, nếu tổ hợp hệ thống nêu trên có hoàn chỉnh thì tình trạng ngập nước vẫn còn, đó là do hệ thống thoát nước mới đáp ứng được 25% so với yêu cầu. Nhiều tuyến đường khu dân cư còn chưa có cống thoát nước, nên khi mưa xuống nước từ nhà dân đổ ra đường, đường biến thành kênh thoát nước, chưa kể nhiều miệng cống bị rác thải, đất đá chèn lấp hạn chế dòng thoát nước; trong khi đó, phần lớn công trình cống đã hình thành từ xa xưa, xuống cấp và không đáp ứng được yêu cầu thực tại. Đúng ra với đô thị bán nhật triều thì cống thoát nước hay mương thoát nước phải lớn gấp rưỡi đến 2 lần bình thường, vì  hệ thống kênh mương này mang 2 chức năng: vừa thoát nước, vừa trữ nước khi nước mặt quá dư thừa khi mưa lớn.

Là TP sông rạch nên kênh rạch ở TPHCM cũng làm luôn chức năng của kênh thoát nước, nếu hệ thống kênh rạch để thoát nước vẫn còn bị san lấp và lấn chiếm thì tất yếu chuyện thoát ngập càng rất khó khăn. Theo kết quả nghiên cứu thì có tới 95% sông và kênh rạch của TP bị xâm hại, 15% - 17% diện tích mặt kênh rạch bị lấn chiếm làm của riêng. Ngay cả việc làm cống hộp trên kênh rạch để thoát nước và tăng thêm quỹ đất cũng là sai lầm, vì khi mưa xuống, nếu là kênh rạch thì nước sẽ tràn bờ xuống kênh giải quyết thoát nước nhanh, còn nếu là cống hộp thì không thoát nhanh bằng vì nó phải nhận nước qua hệ thống cống.

Dành không gian cho nước

Quy hoạch dành không gian cho nước đã thực hiện rất có hiệu quả tại nhiều nước như Ấn Độ, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản và đặc biệt là Hà Lan để chống ngập nước. Theo kinh nghiệm của Hà Lan, xây dựng đô thị có chủ động “dành chỗ cho nước” là giải pháp chống ngập có hiệu quả nhất. Thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước thì có giải pháp tạo nhiều không gian cho nước thoát, để nước xâm nhập vào các đô thị theo cách có thể kiểm soát được. Qua đó, giúp cải thiện khí hậu, cảnh quan, chất lượng nước và đặc biệt là giảm được chi phí xây dựng các công trình ngăn lũ và thoát nước.

Quy hoạch dành không gian cho nước không cho phép chúng ta can thiệp một cách thô bạo vào quy luật tự nhiên, phải dành không gian cho “nước sống” và có sự kiểm soát của con người, đòi hỏi có tính khoa học và đa ngành. Quy hoạch đô thị phải dựa trên “quy hoạch nước”, quy hoạch dành chỗ cho nước, bao gồm  quy hoạch thủy lợi, quy hoạch các lưu vực dòng chảy, thoát lũ, chỗ lên xuống của thủy triều. Ngoài các khu vực chứa thoát nước tự nhiên thì một số đô thị cũng cần có thêm hồ nhân tạo làm túi chứa nước khi triều cường, mưa to hay lũ.

Ở TPHCM, giải pháp hồ điều tiết nước cũng đã được đề cập trong quy hoạch. Song khi thực hiện lại không coi đó là giải pháp sống còn, có nghĩa là phương pháp “quy hoạch dành chỗ cho nước” cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, TP lại chạy đua nâng nền, nâng nhà để chống ngập, mặc dù đó chỉ là  giải pháp tạm thời, mang tính cục bộ.

Do vậy, để chống ngập cho TP có hiệu quả, ngoài các giải pháp tổng hợp đã nêu trên, cần tập trung tổng lực vào giải pháp hồ điều tiết nước, theo phương pháp quy hoạch dành chỗ cho nước. Theo quy hoạch,  TPHCM có 103 hồ điều tiết chống ngập nước (ngoại thành có 30 hồ điều tiết lớn, còn ở nội thành là các hồ điều tiết nhỏ) gắn liền với các điểm ngập nước.

Mặt khác, diện tích bê tông hóa bề mặt của TP ngày càng gia tăng đã làm giảm khả năng thấm nước tự nhiên, từ khả năng thấm nước trung bình 50% lượng nước mưa giảm chỉ còn 15%, làm gia tăng lượng nước chảy trên bề mặt, gây ra ngập lụt. Việc tăng diện tích bê tông hóa vùng ven càng nghiêm trọng, vì khu vực này vốn là diện tích hồ ao, kênh rạch thoát nước nay bị san lấp.

Quy hoạch dành chỗ cho nước còn có nghĩa là tăng thêm diện tích thấm nước như: mái nhà xanh (giảm được 50% lượng nước bề mặt thoát ra từ mái nhà), vỉa hè bê tông trồng cỏ  (tạo ra vẻ đẹp như bãi cỏ tự nhiên, cải thiện môi trường, giảm tải cho hệ thống thoát nước mặt), hố cây thấm lọc (hệ thống cây trồng được xây dựng theo kết cấu truyền thống như hiện nay cần phải được cải tạo kết hợp với hệ thống lọc cát, sỏi để tăng khả năng thấm lọc và lưu giữ nước)... Mảng xanh đô thị không chỉ đóng vai trò quan trọng trong cảnh quan kiến trúc của đô thị, mà nó còn là bộ phận quan trọng trong thoát và giữ nước bền vững.

Nếu quy hoạch theo phương pháp “quy hoạch dành chỗ cho nước” thì ngay bây giờ phải thống nhất cách tiếp cận, đổi mới tư duy và phương pháp lập, quản lý, thực hiện quy hoạch. Trước mắt, phải dừng ngay việc san lấp các kênh rạch để phát triển đô thị, tập trung trọng tâm vào xây dựng hệ thống các hồ điều tiết nước lớn nhỏ, tăng thêm diện tích thấm nước. Đặc biệt, quy hoạch phải có tính dân chủ, có sự tham gia của cộng đồng một cách đúng nghĩa.

NGUYỄN ĐĂNG SƠN
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng

Tin cùng chuyên mục