Theo nhiều chuyên gia về đô thị, chống ngập là công việc đòi hỏi từ người dân cho đến lãnh đạo thành phố. Bởi chỉ một việc làm thiếu ý thức có thể để lại hậu quả lớn cho môi trường, việc nhỏ có thể gây ngập cục bộ và việc lớn có thể làm ngập cả khu vực. Dưới đây là một số ý kiến về vấn đề này.
- Từ chuyện nước cống dềnh lên
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM kể một câu chuyện mà chính ông đã chứng kiến, cách nay nhiều tháng, trên đường Sương Nguyệt Ánh, đoạn trước một dãy nhà hàng lớn, ngay giữa trưa nắng chang chang, nước ở dưới cống bỗng dềnh lên và bốc mùi hôi thối đến khó tả. Người dân nhốn nháo đi tìm lý do cho đến khi… công nhân vệ sinh lôi ra từ trong cống thoát nước một cục… mỡ to, hôi hám.
Nguyên nhân hóa ra thật đơn giản. Sau khi nấu nướng và rửa chén bát, đáng lẽ phần mỡ dầu cặn và đồ ăn thừa phải được đổ vào thùng riêng và đem đi xử lý đúng quy định thì tiện tay các nhà hàng đã đổ xuống cống. Đồ ăn thừa, mỡ và dầu cặn lâu ngày đóng vón lại thành cục, làm tắc cống nước.
Ông Nguyễn Trường Lưu khẳng định, câu chuyện ở đường Sương Nguyệt Ánh không phải là cá biệt. Theo quy định, các nhà hàng phải có hộp thu mỡ, dầu dư sau khi nấu nướng nhưng rất nhiều nhà hàng không tuân thủ quy định mà cứ tiện tay đổ nguyên thứ hợp chất khó tan ấy xuống cống thoát nước.
Cùng với ông Nguyễn Trường Lưu, nhiều kiến trúc sư khác thuộc Hội Kiến trúc sư TPHCM cho biết, hiện nay rất nhiều công trường thi công xây dựng trong các quận nội thành đều có quy định: xe chở vật liệu, xà bần trong công trường, trước khi đi ra đường phải rửa sạch sẽ để giữ vệ sinh môi trường. Quy định này đúng nhưng lượng đất cát sau khi rửa xe sẽ đi đâu? Dường như không được mấy ai quan tâm dẫu rằng chắc chắn chỉ có một con đường: trôi xuống cống thoát nước. Có lẽ, không phải ngẫu nhiên trung bình mỗi năm, chỉ riêng Trung tâm Chống ngập TPHCM đã phải ký hợp đồng nạo vét, duy tu, vận hành… cống thoát nước với Công ty Thoát nước đô thị thành phố trị giá hơn tới 200 tỷ đồng.
- Đến chuyện “quên” quy hoạch
Trong câu chuyện phát triển xuống phía Nam của thành phố, nhiều chuyên gia đô thị cứ tiếc mãi đồ án quy hoạch của một đơn vị tư vấn Mỹ tên SOM. Khoảng cuối những năm 90 của thế kỷ trước, để xây dựng đô thị về hướng Nam một cách bền vững, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) - đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư nhiều công trình xây dựng ở đây và Liên doanh Phú Mỹ Hưng đã bỏ ra hàng chục ngàn USD thuê tư vấn lập đồ án quy hoạch.
TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhớ lại, đồ án quy hoạch của SOM trông như hình một bàn tay xòe ra. Theo đó, tư vấn đề nghị chỉ phát triển đô thị theo hướng những ngón tay, còn khoảng trống giữa các ngón giữ nguyên hiện trạng là địa hình thấp trũng với nhiều kênh, rạch của khu Nam.
Ý tưởng quy hoạch này đã được trao giải thưởng về quy hoạch khá tên tuổi ở khu vực châu Á. Tiếc rằng đồ án quy hoạch của SOM đã không được ngành chức năng phê duyệt. Ông Phan Hồng Quân, Tổng Giám đốc IPC cho biết, không được phê duyệt nên đồ án quy hoạch này không có giá trị về mặt pháp lý. Gần như chỉ có đô thị Phú Mỹ Hưng chủ động tôn trọng đồ án của SOM. Các chủ đầu tư khác phần lớn chỉ tham khảo và đất ở khu Nam hiện đa phần đã dày kín… chủ đầu tư(!). Một số điểm có thể chưa thấy công trình “hiện lên” nhưng đa phần đã có dự án. Tất nhiên, không có quy hoạch được phê duyệt thì không có căn cứ phê bình việc xây dựng dày đặc ở đây nhưng rõ ràng tiếc thì vẫn tiếc cho khu Nam và cho cả thành phố.
Khu Nam là một trong những khu vực thấp nhất của thành phố. Hầu hết lượng nước mưa ở khu vực nội thành đều chảy về đây trước khi đổ ra biển. Nhiều nhà khoa học, trong đó có GS-TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Môi trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đã nhiều lần bức xúc trước tình trạng xây dựng quá nhiều ở khu Nam, chặn mất hướng thoát nước chung của thành phố. Thậm chí, ông Lê Huy Bá còn cho rằng một trong những nguyên nhân gây ngập chính cho toàn thành phố là việc bê tông hóa khu vực này.
Công tác quản lý và phát triển đô thị hiện nay của thành phố có vai trò quyết định đến việc chống ngập cũng như chống ùn tắc giao thông ở thành phố. Như Báo SGGP đã nhiều lần thông tin, không phải ngẫu nhiên mà các điểm ngập mới ở TPHCM liên tục xuất hiện ở các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao như quận 9, quận 7, Thủ Đức, huyện Bình Chánh… “Trong quá trình phát triển, TPHCM không thể không đô thị hóa. Tuy nhiên, đô thị hóa ở mức độ nào và như thế nào cần được cân nhắc một cách cẩn trọng, không vụ lợi thì mới không làm phát sinh các hệ lụy về ngập nước, kẹt xe” - TS Nguyễn Trọng Hòa nói.
Nguyễn Khoa