Chống ngập tại TPHCM - chưa dự báo được hết tình huống

Giảm ngập nước là một trong những mục tiêu trọng tâm được TPHCM đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Tuy nhiên, thực trạng này đang là nỗi lo của chính quyền và người dân thành phố khi tình trạng ngập nước diễn biến phức tạp… Ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên Thường trực HĐND TPHCM, nhìn nhận thực tế này tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM tổ chức vào sáng 8-11.

Giảm ngập nước là một trong những mục tiêu trọng tâm được TPHCM đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Tuy nhiên, thực trạng này đang là nỗi lo của chính quyền và người dân thành phố khi tình trạng ngập nước diễn biến phức tạp… Ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên Thường trực HĐND TPHCM, nhìn nhận thực tế này tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM tổ chức vào sáng 8-11.

Bán nhà, “lánh nạn” vì ngập

Phản ánh với chương trình, cử tri Đoàn Thanh Xuân (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) bức xúc: Tại Hóc Môn, các tuyến đường như đường Song Hành, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ký... mực nước sau mưa ngập sâu từ 40 - 50cm, kéo dài từ 3 - 4 giờ. Nước tràn vào nhà dân gây xáo trộn cuộc sống của bà con. Trong khi đó, hệ thống thoát nước tại các tuyến đường này đã xuống cấp, hư hỏng nhiều, công tác nạo vét không đảm bảo...

Cử tri Đoàn Quốc Trị (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) thông tin trên địa bàn quận này, ngập nước diễn ra nhiều nơi. Riêng điểm ngập khu vực đường Chiến Lược - nơi cử tri đang sống, tình trạng ngập nước kéo dài đã 10 năm nay, năm sau luôn ngập cao hơn năm trước. Hiện khoảng 70% nhà dân trong khu vực chìm trong nước từ 20 - 70cm sau mỗi cơn mưa. “Mọi sinh hoạt đi lại, học hành, buôn bán của người dân gặp nhiều khó khăn, đồ đạc hư hỏng, nhiều gia đình phải đi lánh nạn, có người phải bán nhà”, ông Đoàn Quốc Trị phản ánh. Gọi điện thoại đến chương trình, nhiều cử tri ở các quận: Thủ Đức, Bình Thạnh cũng bày tỏ bức xúc về tình trạng này.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM thừa nhận, tình trạng ngập có nguyên nhân do công tác nạo vét hệ thống thoát nước thực hiện còn khiêm tốn so với thực tế thoát nước. Chưa kể, hệ thống thoát nước hiện hữu chỉ đạt 40% so với nhu cầu, còn nhiều tuyến đường cần tiếp tục đầu tư. Ông Dũng cũng thừa nhận công tác chống ngập tại TPHCM chưa dự báo được hết tình huống biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp.

Ở khía cạnh khác, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn cho biết, trên 5.000km tuyến kênh, rạch trên địa bàn TP chỉ có 1.077km kênh phục vụ cho thoát nước, còn lại phục vụ cho tưới tiêu và giao thông thủy. “Thực tế lo ngại là tình trạng lấn chiếm xây dựng nhà ở trên các kênh rạch cũng góp phần gây ngập. Thống kê cho biết TPHCM hiện còn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch”, ông Trần Trọng Tuấn nói. Đồng quan điểm, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM cho biết, qua giám sát, còn rất nhiều hộ dân sống ven kênh, rạch xả rác trực tiếp xuống dòng kênh rạch góp phần làm tắc nghẽn dòng chảy.

Kêu gọi xã hội hóa chống ngập

Để giải quyết tình trạng ngập nước tại TPHCM hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng thông tin, TPHCM sẽ đầu tư 200km cống trong 5 năm tới để bổ sung đưa vào vận hành cùng với hệ thống thoát nước hiện hữu. Cùng với đó, giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM sẽ đầu tư 9 cống kiểm soát triều lớn trên sông Sài Gòn, nằm ở khu vực quận Bình Thạnh, 4, 1, 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè để kiểm soát tình trạng ngập do triều. Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc đầu tư này cần nguồn vốn rất lớn nên ngoài những công trình TPHCM đã bố trí vốn, TPHCM sẽ tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa, vốn vay ưu đãi cho các dự án chống ngập.

Ông Trần Trọng Tuấn đề xuất giải pháp vận động người dân không xả rác trên kênh, rạch. Thực tế được báo chí phản ánh là mỗi ngày công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ 7 - 13 tấn rác. Ông cũng hứa sẽ tăng cường công tác quản lý, không để tình trạng tái lấn chiếm sông, rạch, trong đó chú trọng quản lý các dự án nhà ở, phát triển đô thị có liên quan đến việc san lấp sông, kênh, rạch.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Nguyễn Văn Tám cho biết, giải pháp căn cơ nhất là thực hiện đồng bộ quy hoạch thủy lợi; đẩy nhanh tiến độ giải tỏa các công trình, nhà ở đang lấn chiếm kênh, rạch.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng TPHCM tập trung nhiều nguồn lực, đầu tư nhiều công trình chống ngập nhưng hiệu quả còn hạn chế, khả năng tái ngập cao; nhiều công trình chống ngập thiếu tính bền vững… Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM chưa có giải pháp căn cơ cho vấn đề này. Tất cả những tồn tại này cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục