Chống ngập tại TPHCM: Phải giải quyết từ gốc

* Từ nay đến cuối năm: Còn 5 đợt triều cường Sáng 8-11, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua đã thị sát những điểm nóng về ngập, sạt lở bờ sông - kênh trên địa bàn TP. Qua buổi thị sát cho thấy, tình hình ngập lụt, sạt lở bờ tại TPHCM tiếp tục diễn biến phức tạp; các công trình bờ bao, chống ngập không đảm bảo kỹ thuật… Trong khi đó, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, từ nay đến cuối năm 2010, TPHCM còn có thêm 5 đợt triều cường, mỗi đợt kéo dài cả tuần.
Chống ngập tại TPHCM: Phải giải quyết từ gốc

* Từ nay đến cuối năm: Còn 5 đợt triều cường

Sáng 8-11, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua đã thị sát những điểm nóng về ngập, sạt lở bờ sông - kênh trên địa bàn TP. Qua buổi thị sát cho thấy, tình hình ngập lụt, sạt lở bờ tại TPHCM tiếp tục diễn biến phức tạp; các công trình bờ bao, chống ngập không đảm bảo kỹ thuật… Trong khi đó, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, từ nay đến cuối năm 2010, TPHCM còn có thêm 5 đợt triều cường, mỗi đợt kéo dài cả tuần.

  • Tiếp tục nguy cơ vỡ bờ bao

Đến trưa 8-11, dù mưa đã dứt sau trận mưa kết hợp triều cường đêm 7-11, nhưng trên địa bàn các quận 12, Bình Thạnh, Thủ Đức… rất nhiều khu vực nước vẫn còn ngập cao. Tại khu vực Bến xe miền Đông (QL13, phường 26, quận Bình Thạnh), nước còn ngập 30cm. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, ngập nặng tại vị trí này do nước sông tràn bờ kênh Thanh Đa (tuyến đường Tầm Vu).

Tại khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), có những khu vực nước còn ngập đến nửa mét. Đặc biệt, bờ bao rạch Đỉa (phường Tam Phú) sau khi bị vỡ gần 20m đêm 7-11, đã xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới, dẫn đến khả năng tiếp tục xảy ra vỡ bờ bao. Theo chính quyền địa phương, khu vực này bị nước ngập khoảng 100ha làm gia súc, gia cầm của nhiều hộ dân bị chết.

Đêm 7-11, nhiều gia đình phải di tản đến nơi khác ngủ do nước ngập quá cao; một vựa bán vôi gần đó bị ngập nước làm phực lửa, rất may các lực lượng đã ứng cứu kịp thời. Chị Nguyễn Thị Hai (ngụ 83/1/19 đường Tam Bình, KP2, phường Tam Phú) kể lại: Khoảng 19 giờ đêm 7-11, đang ở trong nhà bỗng nghe tiếng nước ào ào như thác đổ, chạy ra ngoài mới thấy bờ bao rạch Đỉa bị vỡ. “Nước tràn nhanh lắm, không có cách nào chống đỡ. Nhiều năm rồi mới xảy ra sự cố như vậy”, chị Nguyễn Thị Hai tường thuật.

Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi phải đặt 4 máy bơm (công suất 25 HP, tương đương 800m³/giờ) để bơm, nhưng nước vẫn thoát chậm. Lãnh đạo TP chỉ đạo đặt thêm 5 máy bơm nữa để thoát nước cho khu vực.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, theo nhận định của Trung tâm Chống ngập, giải pháp gia cố bờ bao tạm thời mà địa phương đang thực hiện không đảm bảo kỹ thuật. Các bao cát chỉ đắp lên phần ngọn, phần chân không được gia cố kỹ. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo địa phương bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời.

Thị sát vị trí cống ngăn triều bờ hữu sông Sài Gòn (gói thầu A1 thuộc phường An Phú Đông, quận 12), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua chỉ đạo địa phương nhanh chóng giải phóng mặt bằng để thi công dự án.

Đồng chí Nguyễn Văn Đua lưu ý việc thi công phải đảm bảo chất lượng, đúng yêu cầu kỹ thuật. Giám sát dự án ngăn triều bờ hữu Sông Sài Gòn đoạn tại rạch Miễu (khu phố 4, phường Thạnh Xuân, quận 12), lãnh đạo TP lo ngại về giải pháp kỹ thuật nơi đây. Tại khu vực hẻm 558 đường Bình Quới (phường 28, quận Bình Thạnh), dù đã đặt 6 máy bơm nhưng vẫn còn ngập nặng… Sau khi nghe báo cáo tình hình, lãnh đạo UBND TPHCM chỉ đạo Sở Cảnh sát PCCC tăng cường cho khu vực này thêm 5 máy bơm.

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM kiểm tra thi công chống ngập tại quận Bình Thạnh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM kiểm tra thi công chống ngập tại quận Bình Thạnh. Ảnh: VIỆT DŨNG

  • Chưa an tâm về giải pháp kỹ thuật

Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chủ trì cuộc họp khẩn cấp để chỉ đạo các giải pháp chống ngập cho TPHCM.

“Sạt lở bờ bao rạch Đỉa chỉ mới được giải quyết phần ngọn, tiền của, công sức trôi theo con nước. Từ nay đến cuối năm còn đến 5 đợt triều cường. Vấn đề vỡ bờ bao sẽ được ngăn ngừa như thế nào?”, Chủ tịch UBND TPHCM hỏi lãnh đạo Sở NN-PTNT. Ông Trần Công Lý, Phó Giám đốc sở này cho biết: Do tổ hợp mưa kết hợp với triều nên tình trạng ngập diễn ra hết sức phức tạp. Đợt triều cường này (từ ngày 3 đến ngày 8-11), đã làm vỡ 9 điểm bờ bao lớn, nhỏ tại các quận: 12, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp.

“Tự đánh giá thiết kế kỹ thuật các công trình bờ bao vừa qua, lãnh đạo sở thấy đảm bảo chưa?”. Trả lời câu hỏi này của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, ông Lý cho rằng “vẫn chưa cảm thấy an tâm lắm!”. Qua đó, ông Lý đề nghị TP sớm ghi vốn để địa phương thực hiện dự án gia cố 58 bờ bao yếu.

Ông Lê Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP báo cáo: Sau nhiều năm TPHCM mới xuất hiện tổ hợp bất lợi giữa mưa to và triều cường cao, đã xảy ra 3 lần ngập nặng, diễn ra trên diện rộng.

Trong khi đó, theo ông Thảo, một thực tế hiện nay là tiến độ xử lý xâm hại hệ thống thoát nước quá chậm nên ngập nước kéo dài; nhiều điểm thi công công trình thoát nước chỉ mới hoàn thành 90%, chưa kết nối được; nhiều tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước nên gây ngập. Đặc biệt, hệ thống kênh rạch chính làm nhiệm vụ thoát nước đang bị bồi lắng, nhưng không được nạo vét hoặc khối lượng nạo vét thấp nên làm gia tăng số điểm ngập; một số vùng bị nước triều xâm nhập qua hiện tượng tràn bờ như các tuyến đường.

Ngoài ra, một số cửa xả bị lấn chiếm không thể lắp van (cửa xả nằm dưới nhà dân). Chưa kể, có những dự án bờ kè mới hoàn thành nhưng cao trình thấp hơn đỉnh triều như khu Mễ Cốc (quận 8), kênh Thanh Đa...

  • Giải pháp: Bài toán quy hoạch

Trước thực tế hiện nay, ông Nguyễn Phước Thảo đề xuất đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước; trong đó tập trung các dự án, công trình quan trọng về nạo vét, kết nối của các dự án lớn. Phải có giải pháp cấp bách ngăn nước tràn bờ từ kênh Thanh Đa khu vực đường Tầm Vu, QL13 (phường 26, quận Bình Thạnh), phường 28 (Bình Thạnh) và một số khu vực khác ở quận 8. Trong công tác ứng cứu, thường xuyên vận hành 320 van ngăn triều trước, trong và sau khi xuất hiện đỉnh triều; lắp đặt bơm lưu động ứng cứu tại những vị trí bị tràn bờ như phường 28 (Bình Thạnh), khu vực Mễ Cốc.

Sau khi nghe báo cáo tình hình, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng: Tình hình biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có TPHCM nên phải giải quyết vấn đề từ gốc. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước nhanh chóng xây dựng quy hoạch chống ngập, thoát nước cho vùng nội thị và cả nông thôn để tránh tình trạng bị cắt khúc. Sở TN-MT nghiên cứu kỹ về tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết làm ảnh hưởng đến TPHCM; nghiên cứu tình hình sụp lún mặt đất trên địa bàn TP để thực hiện các giải pháp đồng bộ. Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn nhanh chóng triển khai dự án xây dựng nhà máy để sản xuất cọc vách nhựa u PVC ngăn triều cường.

“Với tình hình này, các bờ bao, cống ngăn triều phải được đầu tư bằng công nghệ mới, không thể tiếp tục làm theo phương pháp chữa cháy”, đồng chí Lê Hoàng Quân nhấn mạnh. Đặc biệt, các quận huyện phải kiên quyết xử lý các công trình xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn sông kênh rạch để trả lại chỉ giới hành lang sông kênh rạch theo đúng quy định. 

VÂN ANH
 

Chống ngập nước, cần có giải pháp căn cơ lâu dài

  • Tiến sĩ Hồ Long Phi, giảng viên Đại học Bách khoa TPHCM:

Trước đây “rốn ngập” tại bến xe Chợ Lớn, bùng binh Cây Gõ - Hồng Bàng quận 6, 11 nay đã giảm nhờ đầu tư hạng mục công trình “Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực Hồng Bàng”. Như vậy dự án này đã có tác dụng giải tình hình ngập nước tại những điểm trên. Ngoài ra, hàng loạt các dự án xây trạm bơm, lắp đặt cửa xả ngăn triều như cửa ngăn triều dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm; xây dựng trạm bơm cạnh cửa xả tuyến cống hộp Đặng Nguyên Cẩn quận 6... cũng được thành phố đầu tư.

Trong lúc đợi chờ những dự án chống ngập lớn đang triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố như Vệ sinh môi trường thành phố, Cải thiện môi trường nước, Nâng cấp đô thị... hoàn thành, đây được xem như một giải pháp cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ngập úng tại TPHCM.

Thành phố vẫn chưa có quy hoạch cụ thể, kênh rạch chưa được bảo vệ đúng mức, nên tình trạng san lấp, lấn chiếm để phục vụ cho quá trình đô thị hóa vẫn diễn ra. Những giải pháp như nạo vét kênh, gia cố bờ bao, nâng cốt nền,… vẫn chỉ là những giải pháp tạm thời và thể hiện sự bế tắc. Phải hoàn thành ngay quy hoạch chi tiết về hệ thống kênh, rạch; đưa những tuyến quan trọng vào bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm tất cả hành vi xâm hại.

Đồng thời, thắt chặt việc cấp phép san lấp kênh rạch, rà soát lại các tuyến kênh quan trọng bị san lấp, phải được khai thông ngay, trước khi cải tạo lại hệ thống thoát nước đô thị. Khi nào kênh rạch còn bị bức tử, xâm chiếm bừa bãi, thì khi đó, tình trạng ngập nước vẫn còn diễn ra và ngày càng nghiêm trọng.

  • Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Quyền Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam:

Nguyên nhân gây ngập ngày càng tăng là do triều cường ngày càng cao, mưa nhiều, cơ sở hạ tầng TP hiện nay chưa đáp ứng được, nhất là hệ thống cống thoát nước mưa. Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, phát triển đô thị quá nhanh dẫn đến sụp lún cốt nền.

Bên cạnh đó, hệ thống kênh rạch đã bị thu hẹp nhiều, nên cũng hạn chế thoát nước. Mạng lưới thoát nước ở các đường hẻm ngày càng lạc hậu và phát triển theo kiểu tự phát, nhất là ở các khu lao động nghèo, các xóm ổ chuột... Đó là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm thoát nước mỗi khi trời mưa lớn.

Chống ngập không thể giải quyết 1 - 2 năm là được, vì thế cần phải giải quyết đồng bộ từ nội đô đến ngoại thành. Những tuyến cống đang thi công hiện nay cũng như quy hoạch của Bộ NN-PTNT triển khai chậm.

Trước mắt Sở Xây dựng, Sở GTVT, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cần điều tra cụ thể nơi nào ngập do triều cường, ngập do mưa và ngập do hạ tầng yếu kém. Để từ đó có chương trình cụ thể cho từng khu vực như xây dựng trạm bơm, xây dựng đê bao hay tăng cường thêm hệ thống cống...

Q. HÙNG ghi

- Thông tin liên quan:

>> Đã khắc phục cơ bản vụ bể bờ bao tại phường Tam Phú

>> Mưa kết hợp triều cường tại TPHCM: Tắc đường, tắc cả sông

Tin cùng chuyên mục