Bất kể mùa mưa hay mùa lũ, tình trạng sạt lở bờ sông luôn đe dọa thường trực đến hàng chục ngàn hộ dân sinh sống ven sông ở ĐBSCL. Việc tìm những giải pháp chống sạt lở lâu dài đang là yêu cầu cấp bách đặt ra cho cả vùng ĐBSCL.
Hiểm họa rình rập
Những năm gần đây, năm nào ĐBSCL cũng xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng. Theo khảo sát của ngành tài nguyên môi trường các tỉnh ĐBSCL, sông Hậu và sông Tiền là hai tuyến sông chính thường xuyên xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, An Giang, Đồng Tháp xảy ra nhiều nhất.
Tại An Giang, chỉ tính riêng sông Tiền và sông Hậu đi qua địa bàn hiện có hàng trăm điểm sạt lở và có nguy cơ tiếp tục sạt lở bất cứ lúc nào. Những “điểm đen” sạt lở ở An Giang như khu vực thị xã Tân Châu; xã Vĩnh Trường, huyện An Phú; xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú; xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên…
Vụ sạt lở nghiêm trọng gần đây nhất ở ĐBSCL là vụ sạt lở bờ sông Hậu đoạn thuộc phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang xảy ra vào đầu tháng 3 vừa qua. Vụ sạt lở đã “nuốt chửng” đoạn bờ sông dài 110m, sâu vào đất liền khoảng 22m, nhấn chìm 22 nhà dân, hàng trăm hộ dân khác phải di dời nhà cửa. Đáng lo ngại, đoạn bờ sông dài 600m quanh khu vực sạt lở, đang có nguy cơ đổ sụp xuống sông bất cứ lúc nào. Không chỉ đe dọa cắt đứt QL 91, sạt lở ở khu vực này còn đang khiến gần 300 hộ dân thấp thỏm lo âu.
Ở Đồng Tháp, tình hình sạt lở cũng “nóng” không kém với hàng trăm điểm sạt lở ven sông Tiền, sông Hậu thuộc 44 xã, phường, thị trấn. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, tổng chiều dài bờ sông bị sạt lở ở Đồng Tháp gần 200km với khoảng 2.500 hộ dân cần được di dời.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, dọc tuyến kênh Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, có trên 200 điểm sạt lở; trong đó, nhiều điểm đã lấn sâu vào đất liền đến 20m. Hầu hết các gia đình sống gần khu vực sạt lở đã di dời nhà lùi vào trong ít nhất 20 – 30m. Hiện nhiều hộ lâm vào cảnh “cùng đường” vì hết đất để… lùi. Ông Nguyễn Văn Bế, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, lo lắng: “Tôi đã phải dời nhà 2 lần, bây giờ nước lại sắp lấn đến nền nhà, biết rất nguy hiểm đến tính mạng nhưng không còn đất để dời nữa”.
Cần giải pháp căn cơ
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Chiếm, Phó Trưởng khoa Môi trường - Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, từ xưa tới giờ tập quán của người dân ĐBSCL thích sinh sống, dựng nhà cửa ven sông, ở những nơi có vịnh. Đây thường là những nơi nước sâu, ghe, tàu dễ cập bến vì thuận lợi cho buôn bán, vận chuyển hàng hóa cũng như đi lại.
Thế nhưng, những vị trí này lại rất dễ xảy ra sạt lở bởi dòng chảy thường xoáy sâu vào đất liền tạo hàm ếch. Khi người dân cất nhà ở kiên cố sẽ tạo ra áp lực lớn cho nền đất bờ sông vốn rất yếu và không ổn định nên nguy cơ sạt lở rất cao. Do vậy, những vị trí như trên cần phải được khảo sát kỹ để cảnh báo người dân cũng như chủ động di dời để tránh thiệt hại đáng tiếc.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Anh Thư, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang, cho biết thêm: Thực tế hiện nay, việc khảo sát, quản lý chống sạt lở và xử lý sau sạt lở ở ĐBSCL rất chung chung. Ngành tài nguyên môi trường cho rằng chỉ phụ trách quản lý tài nguyên nước, chất lượng nguồn nước; ngành giao thông vận tải bảo lo an toàn giao thông; còn nông nghiệp chỉ lo thủy lợi. Khi gặp vết nứt, sạt lở đất, ở đâu, địa phương đó mới cho khảo sát, gia cố, nhà dân có nguy cơ sụp mới được bố trí di dời. Do vậy, về lâu dài để hạn chế sạt lở khu vực trên cần phải có giải pháp căn cơ chủ động hơn.
“Vấn đề cấp bách hiện nay đối với ĐBSCL là phải có biện pháp chỉnh trị dòng chảy các con sông. Trước hết, các địa phương cần đo lại dòng chảy, so sánh với những số liệu trước đây để từ đó có cái nhìn cụ thể hơn về tình hình sạt lở hiện tại và dự báo cho thời gian tới” - ông Trần Anh Thư cho biết.
Theo nhiều chuyên gia thủy lợi, việc chỉnh trị dòng chảy các con sông là bài toán không đơn giản. Tuy nhiên, việc tăng cường quản lý, khảo sát các dòng sông là vấn đề cấp bách đặt ra cho ĐBSCL.
ĐÌNH TUYỂN