Chống tàn sát động vật rừng: Đừng để quá muộn

Báo SGGP số ra các ngày 15 và 16-12 đăng loạt bài “
Chống tàn sát động vật rừng: Đừng để quá muộn

Báo SGGP số ra các ngày 15 và 16-12 đăng loạt bài “Thâm nhập cơ sở tàn sát thú rừng”, phản ánh tại tỉnh Bình Phước, nhiều năm qua tồn tại các cơ sở nhốt giữ, mua bán, giết mổ trái phép động vật hoang dã quy mô lớn, nhưng cơ quan chức năng địa phương có biểu hiện tiếp tay, bao che sai phạm. Sau khi báo đăng, PV Báo SGGP đã phải mất nhiều công sức mới liên hệ được với ông Vũ Đình Trúc, Phó Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước, để làm rõ hơn các vấn đề liên quan.

Nhiều lần kiểm tra, xử lý, nhưng…

Để gặp được lãnh đạo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước, chúng tôi phải “ngược xuôi” nhiều lần vì cán bộ tiếp dân chi cục cho rằng “chi cục không có quyền phát ngôn báo chí”. Chỉ đến khi có bút phê, chỉ đạo của Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Tới, ông Vũ Đình Trúc, Phó Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước, mới đồng ý làm việc với phóng viên nhưng dặn hờ “chỉ là trao đổi thông tin ban đầu”.

Khi chúng tôi đề cập đến công tác theo dõi, kiểm tra, xử lý các điểm nhốt giữ, mua bán, giết mổ động vật hoang dã của kiểm lâm địa phương, cụ thể là tỉnh Bình Phước hiện có bao nhiêu cơ sở được cấp phép nuôi nhốt động vật rừng? Hoạt động của các cơ sở được cấp phép hiện nay thế nào? Công tác xử lý các cơ sở nuôi nhốt giết mổ “chui” thời gian qua?... Ông Vũ Đình Trúc trả lời: “Tôi quản lý chung không nắm được, cái này phải hỏi cán bộ chuyên môn, nhưng hiện tại cán bộ không có ở đây” (dù lúc này chỉ mới 16 giờ 15 phút!).

Liên quan đến cơ sở Bình Hoa, ông Vũ Đình Trúc cho biết cơ sở này hoạt động có giấy phép do chi cục cấp. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể cơ sở này được cấp vào những hoạt động nào, nuôi nhốt, bảo tồn, mua bán, hay giết mổ và có được giới hạn ở những loài động vật nào thì ông Vũ Đình Trúc không trả lời được.

Ông Vũ Đình Trúc cho biết, cơ sở Bình Hoa được Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước kiểm tra nhiều lần và từng bị xử phạt hành chính các lỗi: nuôi nhốt thú rừng không có nguồn gốc rõ ràng, kinh doanh thú rừng không có giấy phép. “Từng được kiểm tra và bị xử phạt nhiều lần, sao cơ sở này vẫn cứ tồn tại?”, “Nó hoạt động tinh vi lắm, chứa dưới tầng hầm, với lại khoảng cách giữa các lần vi phạm lâu, không nằm trong quy định xử phạt” - ông Vũ Đình Trúc nói.

Về kết quả xử lý số động vật hoang dã nuôi nhốt tại cơ sở Bình Hoa được Kiểm lâm Vùng 3, kiểm lâm - chính quyền - công an địa phương bắt quả tang bàn giao lại cho kiểm lâm địa phương xử lý hôm 10-12 vừa qua, ông Vũ Đình Trúc cho biết công an tỉnh và công an đang tiến hành các bước xử lý theo quy định, chưa có kết quả.

Rắn hổ mang chúa được cơ quan chức năng phát hiện tại cơ sở Bình Hoa (thị xã Đồng Xoài, Bình Phước)

Báo cáo cục để làm rõ trách nhiệm

 

* Ông Mai Xuân Tình, cán bộ Hiệp Hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS - chương trình ở Việt Nam), cho rằng con người đã, đang và sẽ chịu tác động tiêu cực rất lớn khi loài vật rừng quý hiếm ngày càng mất đi. Điển hình nhất là việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nở rộ trong thời gian gần đây ở một số tỉnh của Việt Nam. Ngoài yếu tố thời tiết giúp rắn lục sinh sản nhanh, còn có nguyên nhân khác là các loài vật ăn thịt rắn lục (như rắn hổ mang chúa) còn rất ít, thậm chí biến mất ở Việt Nam hoặc tuyệt chủng… Do đó, việc ngăn chặn các hành vi nhốt giữ, mua bán, giết mổ trái phép động vật rừng, cần bảo tồn thú hoang dã là việc làm cần thiết từ lúc này.

 

Trong khi đó, ông Trần Văn Thành, Phó Giám đốc Kiểm lâm vùng III, cho biết ngay sau hôm kiểm tra, xử lý các vi phạm tại cơ sở Bình Hoa (80 Nguyễn Huệ, phường Phước Thiện, thị xã Đồng Xoài) bị dang dở do ngành chức năng địa phương thiếu sự phối hợp chặt chẽ, có biểu hiện tiếp tay cho cơ sở vi phạm tẩu táng tang vật, Kiểm lâm vùng 3 đã có báo cáo toàn bộ sự việc đến Cục Kiểm lâm để được giải quyết, xử lý, làm rõ đơn vị thiếu trách nhiệm.

Đồng thời Kiểm lâm vùng III cũng kiến nghị Cục Kiểm lâm cần đánh giá xác thực hiện tượng cả nể, ngại va chạm, thậm chí bao che, bảo kê của kiểm lâm địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Bởi thực tế trên đã tạo điều kiện cho việc vi phạm tài nguyên rừng ngày càng nghiêm trọng hơn, tinh vi hơn, có nhiều hành vi chống đối, coi thường pháp luật, gây nhiều bức xúc cho ngành và dư luận xã hội.

Phó Giám đốc Kiểm lâm vùng III Trần Văn Thành, thông tin thêm, hiện nay qua công tác rà soát, theo dõi của đơn vị cho thấy tại Bình Phước tình trạng nuôi nhốt, kinh doanh trái phép động vật rừng rất đáng báo động. Hầu hết nhà hàng, quán nhậu ở địa phương này đều có tình trạng mua bán động vật rừng, tiêu thụ sản phẩm từ động vật rừng, chưa kể còn chuyển đi tiêu thụ ở các địa phương khác.

Ở Việt Nam hiện nay, các động vật rừng như: tê giác, hổ, sao la gần như không còn. “Nếu công tác ngăn chặn nạn nhốt giữ, mua bán, giết mổ trái phép động vật hoang dã không được các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương thực hiện quyết liệt, tôi e rằng 2 - 3 năm nữa, các loại vật, như: rắn hổ mang chúa, mèo rừng, tê tê cũng sẽ biến mất ở Việt Nam…”, ông Trần Văn Thành lo lắng.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục