Nhân lục tìm tư liệu và hiện vật để tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, thấy mấy tấm ảnh cũ, tôi sững người: Các chiến sĩ giữ Thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm bom đạn. Ảnh chụp vào mùa hè năm 1975, 8 người dàn hàng ngang trước cảnh đổ nát hoang tàn, bên bờ sông Thạch Hãn. Các ảnh thời ấy chất lượng kém, sau hơn 40 năm đã ố vàng. Tôi phải cậy đến cái kính phóng đại để nhận mặt bạn bè.
Từ trái qua: phóng viên Vũ Hạnh, các chiến sĩ Đặng Văn Khải, Lê Văn Vự, Vũ Thả, phóng viên Phan Quang, các chiến sĩ Phạm Hồng Lân, Trương Cuông, Trần Trọng Thái
1. Đây rồi, Lê Văn Vự, anh bộ đội vạm vỡ, chỉ huy phó tiểu đoàn bộ đội địa phương, khiêm tốn chắp tay khi chụp ảnh. “Trong tám mươi mốt ngày đêm, trận nào ác liệt nhất đối với anh?”. Lê Văn Vự trầm ngâm: “Trận nào cũng ác. Nhưng tôi nhớ hoài trận cuối. Sau khi diệt một C lính thủy đánh bộ, chúng tôi ăn một trận bom dữ dội. Hôm nớ tôi nằm ở chỗ ni”, anh trỏ một điểm trên bản đồ. “Củng cố đội ngũ, chúng tôi dùng B40 diệt thêm 68 tên. Sau trận ấy, tôi được lệnh đưa C1 ra”.
- Vậy là anh bám trụ tại đây suốt cả thời gian?
- Không, chỉ 80 ngày, bởi đêm 13-9 chúng tôi đã ra rồi. C3 của anh Kỳ mới từ đầu chí cuối, đêm 15 rạng sáng ngày 16 đơn vị anh mới vượt sông sang bờ Bắc. C3 mới là đơn vị ra sau cùng.
- Anh có lần nào bị thương?
- Không. Một lần, có mảnh bom xượt qua tay, làm xước mặt cái đồng hồ. Nhưng nó vẫn chạy. Tôi vẫn đeo đây. Anh cười, chìa cánh tay rắn như khúc tre, khoe cái đồng hồ quý. Cái đồng hồ qua bao lửa đạn ấy nay tạo thành một điểm sáng trên tấm ảnh vàng.
Gọi bộ đội địa phương tỉnh, nhưng trong số mấy người tôi gặp hôm ấy, có chàng trai Hà Nội Đặng Văn Khải, có cậu học sinh quê hương “năm tấn” Thái Bình khoe mình từng dự thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc - Trần Trọng Thái. Đất nước yên bình, Thái được phép về thăm quê. “Mấy đứa cùng lớp với tôi vào Đại học Y Thái Bình, đứa năm nay, đứa sang năm ra trường. Tôi lại vào đây. Tuy chưa học xong lớp 10, tôi vẫn được nhà trường ưu ái cho cái bằng tốt nghiệp. Có bằng rồi, thi đại học lúc nào chẳng được...”.
Trương Cuông là người sở tại. “Lúc tôi nhập ngũ, ta đã mất làng Thạch Hãn. Anh em thương vong nhiều, quân số trung đội tôi còn lại rất ít. Tuy là lính mới, trận trước tôi có lấy được một khẩu đại liên mang về nộp đơn vị, được chỉ định làm tổ trưởng. Tổ hai người, Thanh và tôi. Hai xe tăng địch tiến vào. Thanh nói - anh cho em bắn trước. Nhưng cậu không dứt điểm. Xe đứt xích, trở thành cái lô cốt sống xả đạn ào ào. Hai anh chốt bên cạnh hy sinh. Thanh bị thương ở mắt. Còn lại một mình. Chờ chiếc tăng sau đến đúng tầm, tôi bắn. Xe bốc cháy. Bọn bộ binh địch theo sau xe hoảng hốt chạy ùn trở lại. Buông súng, tôi băng vết thương cho Thanh, mắt nó ra nhiều máu quá, dùng hết hai cuộn băng, máu vẫn chảy đầm đìa. Thằng Thanh e mù mất thôi. Lúc ấy là 7 giờ sáng ngày 7-8…”, anh kể.
Anh chàng Trương Cuông gan lì, khi tôi hỏi chuyện vợ con, lại đỏ mặt nói như thể phân bua: “Tôi có định lấy đâu. Nhưng mình là con út. Các chị gái đã đi lấy chồng. Mẹ tôi nói: Cha mi với tao đều tra (già) cả rồi. Khi tao đau, cha mi không đỡ nổi; cha mi ốm, tao không thể nâng giấc. Mi phải lấy vợ, rồi muốn đi nữa cứ đi...”.
Trong tấm ảnh này, còn có Đặng Văn Khải chàng trai Hà Nội, Phạm Hồng Lân, Vũ Thả cán bộ chỉ huy... Những người này bây giờ ở đâu, ai còn ai mất?
2. Còn anh bộ đội người dân tộc Vân Kiều hiền như cục đất kia. Đơn vị cử anh đưa chúng tôi đi thăm lại chiến trường. Suốt buổi sáng, anh cứ lặng lẽ bước, có ai hỏi câu nào mới mở miệng. Trưa về, mới biết anh chiến đấu vô cùng dũng cảm, bị thương nhiều lần, và được nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. “Có thế mới được cử đi với các nhà báo trung ương chứ!”, anh chính trị viên cười nói.
Anh có còn khỏe với bao thương tích trong người? Liệu anh có bị nhiễm chất độc da cam mà địch nhiều lần rải xuống mạn núi rừng Khe Sanh, Hướng Hóa này, thân xác đau đớn đã đành, còn lưu di họa cho con, cháu, chắt?
Trong chuyến đi ấy, tôi cùng anh nhà báo bạn cũ lâu năm về Chợ Sãi, thăm ngôi nhà anh Ba Lê Duẩn từng sống thời trai trẻ. Hai năm trước, sau ngày ký Hiệp định Paris 1973, tôi có về Triệu Phong, đến các thôn Long Quang, Đạo Đầu… nhưng chưa thể lên tới cái chợ cận kề Thành cổ mang tên Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người kế nghiệp Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi. Anh Ba người Bích La, làng nổi tiếng lắm anh tài. Khoa thi Hội cuối cùng triều Nguyễn, dòng họ Lê Văn hai vị đỗ đại khoa: Tiến sĩ Lê Văn Long và Phó bảng Lê Văn Tặng. Cụ Lê Văn Tặng chính là bác ruột anh Ba. Cụ tham gia phong trào Cần Vương, vua Hàm Nghi phong làm Đề đốc. Chợ Sãi là quê ngoại anh. Người anh họ cho biết, chú Ba sống tại đây để tiện đi học “Trường phủ” (Trường tiểu học Pháp Việt phủ Triệu Phong) và làm cách mạng.
Cây cột điện sau ngôi nhà đơn sơ đổ nát bị đạn bom phá tan nhiều mảng, sứt sẹo từ chân đến ngọn, vẫn đứng thẳng. Mấy cây thầu đâu (cây sầu đông) trong vườn nhà từng bị đạn bị phạt ngang, hè về lại nảy cành trổ lá dập dờn theo gió nước con sông, đáy sông còn đó bạn tôi nằm (thơ Lê Bá Dương).
Mấy người trong tấm ảnh, nay ai còn ai mất? Và cả các bạn đường của tôi trong chuyến đi ấy nữa. Nguyễn Văn Bân vốn là chiến sĩ Trường Sơn, chuyển ngành về báo Nhân Dân, anh luôn được “ưu tiên” mỗi lần có chuyến đi chiến trường. Nhà báo Vũ Hạnh Hiên, chàng học sinh Trường Chu Văn An Hà Nội, một cây bút hào hoa, nhà nghèo mà mặt lúc nào cũng tươi. Trước năm 1975, viết bài anh ký tên Vũ Hạnh. Đất nước thống nhất, anh ghép thêm Hiên tên con gái vào sau tên bố, để khỏi trùng với bút danh bậc đàn anh, nhà văn Vũ Hạnh. Anh trẻ thế, mà nay đã trở thành người cõi khác.
3. Còn nhà báo “cựu trào” Lê Văn Niệm, người dẫn chúng tôi về thăm Chợ Sãi lần ấy? Là Tổng biên tập Báo Thống Nhất ở Vĩnh Linh, bám trụ vùng đất lửa suốt thời chống Mỹ. Quê hương giải phóng, anh được giao nhiệm vụ gầy dựng tờ báo tỉnh (Báo Quảng Trị giải phóng). Tòa soạn đóng bên bờ Nam sông Hiếu, mà mỗi kỳ ra báo lại phải cho người lọc cọc đạp xe thồ bản thảo ra Bắc, sang bên kia cầu Hiền Lương nhờ in giùm.
“Cụ Lê Văn Niệm sức khỏe ra sao?”, buông tấm ảnh xuống, tôi vớ chiếc điện thoại. Dù đang ngày nghỉ, Tổng biên tập Báo Quảng Trị đương nhiệm Trương Đức Minh Tứ hồi âm luôn: “Bác Niệm tuổi ngoại 90, đang ở Huế, vẫn còn khoẻ lắm”.
Cái tin vui hiếm xua tan mọi bồi hồi khi bất chợt tương phùng cảnh cũ người xưa. Người tự dưng lâng lâng thư thái. Sống chết là quy luật muôn đời, chúng ta tồn tại, chúng ta ra đi kẻ trước người sau, cốt lõi là ở chỗ, người nhiều kẻ ít chúng ta hết mình vì chính nghĩa, dân tộc, đất nước. Cống hiến lớn hay nhỏ, xét đến cùng, không phải điều quan trọng, cái chính là tấm lòng của mỗi người vì nước vì dân .
PHAN QUANG