Chốt sổ BHXH chậm trễ, cán bộ đền tiền lương hưu cho dân

LÊ THỊ HƯỜNG, quận 8, TPHCM).

° Ngày 18-10-2016, tôi nhận được thông báo của UBND quận 7 về việc chấm dứt hợp đồng lao động do hết tuổi lao động. Ngày 20-10-2016, Trường Mầm non Tân Mỹ, nơi tôi công tác, đã gửi hồ sơ cho Bảo hiểm xã hội (BHXH) quận 7 chốt sổ BHXH cho tôi nhưng đến 16 giờ ngày 18-1-2017 mới chốt sổ xong (sau gần 90 ngày). Như vậy, tôi không được hưởng lương các tháng 11, 12-2016 và tháng 1-2017. Việc chốt sổ BHXH chậm (gần 90 ngày) gây mất 3 tháng lương hưu của tôi như vậy có đúng không? Ai là người chịu trách nhiệm cho việc giải quyết chậm trễ này? (LÊ THỊ HƯỜNG, quận 8, TPHCM).

° Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM: Qua sự việc của bà, ngày 23-2, BHXH quận 7 đã có buổi làm việc với bà và Trường Mầm non Tân Mỹ. Theo kết luận trong biên bản làm việc và để đảm bảo quyền lợi cho bà, nhân sự phụ trách BHXH của nhà trường và nhân viên BHXH quận 7 cùng chịu trách nhiệm trả số tiền 5.041.226 đồng, tương ứng với 2 tháng lương hưu mà bà không được nhận do hồ sơ chốt sổ BHXH chậm trễ. Tôi cảm ơn bà đã có góp ý với chúng tôi. Qua sự việc này, BHXH TPHCM nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ chấn chỉnh lại cung cách làm việc, phục vụ dân của BHXH các quận, huyện.

BHXH TPHCM xin thông báo cho bà được biết hướng giải quyết và một lần nữa chân thành xin lỗi bà về sự việc đáng tiếc này.

Ảnh minh họa. Nguồn: I.T

° Ngày 14 và ngày 20-1, tôi bị đau lưng, tôi đến Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) khám bệnh, bác sĩ cho giấy tôi nghỉ mỗi lần 1 ngày. Vừa rồi, tôi nộp giấy nghỉ bệnh cho công ty tôi ở quận Phú Nhuận (TPHCM), công ty bảo tôi nghỉ 2 ngày rời nhau sẽ rất khó giải quyết chế độ, có khi phải đợi cơ quan BHXH mấy tháng, vì cơ quan BHXH nghi ngờ tôi giả vờ có bệnh, giả xin giấy nghỉ của bác sĩ. Tại sao vì tôi nghỉ 2 ngày rời nhau mà nghi ngờ tôi và chậm giải quyết chế độ cho tôi? (ĐỒNG VĂN CƯỜNG, quận Phú Nhuận, TPHCM).

° Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động bị ốm đau phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế thì được giải quyết chế độ ốm đau.

Theo quy định của Luật BHXH hiện hành thì đơn vị có trách nhiệm lập danh sách đề nghị giải quyết trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức và tập hợp chứng từ do người lao động cung cấp để chuyển cơ quan BHXH giải quyết. Việc giải quyết hay không giải quyết là thẩm quyền của cơ quan BHXH, trường hợp không giải quyết thì cơ quan BHXH sẽ có ý kiến trả lời cho người lao động biết lý do.

Nội dung mà ông phản ánh là ý kiến trả lời của đơn vị ông, không phải là ý kiến trả lời chính thức của cơ quan BHXH TPHCM. Đề nghị ông yêu cầu đơn vị lập thủ tục thanh toán trợ cấp ốm đau theo quy định và chuyển cơ quan BHXH giải quyết.

° Tôi sinh năm 1940, toàn bộ hồ sơ, quyết định chuyển ngành và cả hồ sơ đảng viên đều ghi là sinh năm 1940. Năm 1991, tôi nghỉ hưu tại Quảng Ninh, hồ sơ hưu lại ghi năm sinh tôi là 1945 và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng ghi là sinh năm 1945. Ở Quảng Ninh, tôi khám bệnh thì không sao vì bác sĩ du di. Nhưng từ năm 2007, tôi chuyển vào TPHCM, chứng minh nhân dân (CMND) cấp lại cũng ghi là sinh năm 1945, thẻ BHYT cũng vậy và mỗi lần đi khám bệnh rất phiền phức. Tôi cần làm thế nào để thẻ BHYT và các giấy tờ thống nhất năm sinh? (HÀ XUÂN HOAN, quận Bình Tân, TPHCM).

Theo phản ánh của ông thì CMND cấp lại của ông năm sinh 1945 và thẻ BHYT cũng có năm sinh 1945. Như vậy là thẻ BHYT và CMND đã cùng năm sinh. Vậy khi đi khám chữa bệnh, ông chỉ cần trình thẻ BHYT và CMND là được giải quyết đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục