“Đến năm 2020 phải giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực từ 8% - 10% so với năm 2010; bảo đảm diện tích đất nông nghiệp đạt 26,7 triệu ha, bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa; nâng độ che phủ rừng lên 44% - 45% vào năm 2020; kiềm chế về cơ bản tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường, đồng thời cải thiện và nâng cao điều kiện, môi trường sống của người dân”. Đó là những mục tiêu cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) được đề ra tại dự thảo đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường” mà Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa đưa ra lấy ý kiến của các bộ ngành tuần qua.
Giải pháp đột phá
| |
Dự thảo đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường” bao gồm 3 phần: Đánh đánh giá thực trạng BĐKH và công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; các chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH và đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường mục tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn 2050; tổ chức thực hiện.
Trong các giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH, đề án nhấn mạnh đến các giải pháp về huy động nguồn lực tài chính, hoàn thiện các chính sách pháp luật cũng như phát huy vai trò của khoa học - công nghệ trong ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Giải pháp này dựa trên nguyên tắc “người hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải trả tiền”, “người gây ô nhiễm môi trường phải trả chi phí xử lý, khắc phục và cải tạo môi trường” theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư và chi trả. Và coi đây là giải pháp đột phá khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực tài chính đầu tư ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể, về ứng phó với BĐKH: Tăng đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho công tác này, trong đó chú ý đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống giám sát, cảnh báo khí hậu. Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ tài chính từ các nước phát triển cho ứng phó với BĐKH. Ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ các nước; khai thác nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư tài chính cho lĩnh vực này. Thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới thành ngành kinh tế xanh trong tương lai. Có lộ trình phù hợp giảm trợ giá đối với năng lượng hóa thạch và sớm có chính sách trợ giá cho năng lượng tái tạo.
Thực hiện trợ giá trong 10 năm đầu đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Về bảo vệ tài nguyên: có cơ chế đặc thù đối với điều tra tài nguyên, môi trường biển, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới và vật liệu mới. Về bảo vệ môi trường: Tăng dần mức chi sự nghiệp môi trường từ 1% lên 2% tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2015 - 2020.
Sẽ có nghị quyết về biến đổi khí hậu
Theo ban soạn thảo đề án (Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên - Môi trường được Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương giao chủ trì), là một trong những nước dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH, những diễn biến gần đây và các dự báo mới cho thấy, BĐKH sẽ tác động mạnh đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội, con người và môi trường. Ứng phó hiệu quả với BĐKH là vấn đề sống còn đối với Việt Nam. Trước tình hình, thách thức và nguy cơ to lớn đó, Đảng cần có hệ thống chủ trương, giải pháp đồng bộ, toàn diện, đủ mạnh, đột phá chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kết hợp chủ động ứng phó với BĐKH và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường đồng thời với chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Với việc đánh giá khách quan, khoa học, dựa trên thực tiễn, cập nhật các xu thế lớn của thời đại, có tham khảo kinh nghiệm của các nước, đề án đã nhận định tình hình, kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân, đồng thời đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp chủ yếu chủ động ứng phó BĐKH và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Trên cơ sở đề án này, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết về chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện đưa tinh thần của nghị quyết vào cuộc sống, góp phần sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và phát triển bền vững.
Tại hội thảo lấy ý kiến của của các bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội và các địa phương vừa qua, đa số các đại biểu đều thống nhất cho rằng việc xây dựng đề án án này là rất cần thiết. Hiện ban soạn thảo đang tổng hợp, hoàn thiện đề án để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XI) làm luận cứ ban hành nghị quyết của Trung ương Đảng về ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
HÀ PHƯƠNG