Chủ động ứng phó thiên tai

Những năm gần đây, cùng với xu hướng của thế giới, Việt Nam luôn chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Xác định được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Ủy ban Quốc gia về BĐKH đã triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động ứng phó BĐKH.
Chủ động ứng phó thiên tai

Những năm gần đây, cùng với xu hướng của thế giới, Việt Nam luôn chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Xác định được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Ủy ban Quốc gia về BĐKH đã triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động ứng phó BĐKH.

Tác động của BĐKH với Việt Nam rất nghiêm trọng

Theo Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong nhiều nghiên cứu đánh giá về tính dễ bị tổn thương do BĐKH tại Việt Nam, có những dự báo cho khung thời gian 20 năm, 50 năm và xa hơn nữa là cả 100 năm, nhưng dù dự báo nào, sử dụng mô hình nào, dựa trên yếu tố đánh giá nào, cũng đều chỉ rõ Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH.

Trong thực tế, BĐKH thậm chí diễn ra còn nhanh hơn rất nhiều so với các dự báo nghiên cứu. Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 - 0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El Nino, La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ. BĐKH thực sự đã làm gia tăng thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt. Trong vòng 10 năm (2001-2010), thiệt hại về tài sản do các loại thiên tai gây ra chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. Tác động của BĐKH đến nước ta là rất nghiêm trọng, đang là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững đất nước.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH, cho biết: Để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại từ tác động của BĐKH đồng thời tận dụng các cơ hội từ BĐKH để phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng cao năng lực thích ứng được xác định là một trong những trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong chính sách ứng phó với BĐKH tại Việt Nam. Nội dung của Chiến lược Quốc gia về BĐKH cũng đã nhấn mạnh: “Tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế carbon thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia”. Nâng cao năng lực thích ứng sẽ góp phần giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của BĐKH.

Đê biển hạn chế tác hại mưa, bão tại huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Mai Trọng Nhuận, Trưởng tiểu ban Chính sách Ủy ban Quốc gia về BĐKH, cho rằng, trong thời gian vừa qua, các chủ trương, chính sách về ứng phó với BĐKH đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các hoạt động ứng phó với BĐKH đã được triển khai đa dạng, toàn diện từ Trung ương đến địa phương. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội về BĐKH được nâng lên rõ rệt. Thông qua các diễn đàn quốc tế về BĐKH, vai trò và vị thế, uy tín của Việt Nam trong hoạt động BĐKH được tăng cường nên công tác vận động tài trợ quốc tế, hợp tác quốc tế đạt được một số thuận lợi cơ bản. Đặc biệt, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học như xây dựng kịch bản BĐKH, nước biển dâng và triển khai chương trình khoa học công nghệ quốc gia… đã bước đầu tạo luận cứ, cơ sở khoa học cho các hành động ứng phó với BĐKH của các bộ, ngành và địa phương.

Tiếp tục triển khai các biện pháp đồng bộ

Để nâng cao năng lực thích ứng, trong thời gian qua nhiều nỗ lực, giải pháp quan trọng được tích cực triển khai tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ.
Trước hết, hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật về BĐKH, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai không ngừng được xây dựng, hoàn thiện nhằm đề ra các định hướng ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm cho từng thời kỳ, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế. Đồng thời cũng tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện cơ cấu tổ chức về phòng tránh thiên tai, ứng phó với BĐKH, bảo đảm nguồn lực để triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH mang tính liên ngành, liên vùng và theo đặc thù của từng bộ, ngành, địa phương.

Tiếp đến, việc triển khai các chương trình quan trọng của quốc gia như Chương trình Mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH (NTP-RCC), Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC)..., cũng như các chương trình, đề án của các bộ, ngành, địa phương về ứng phó với BĐKH đã đạt được một số kết quả quan trọng, nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH. Việc quản lý rủi ro thiên tai được tăng cường thông qua việc xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai; công tác thích ứng với BĐKH được đẩy mạnh thông qua đầu tư nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông, xây dựng kế hoạch quản lý tài nguyên nước ở đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng; nguồn tri thức bản địa, giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái, thích ứng dựa vào cộng đồng... được nghiên cứu, tăng cường, triển khai ở nhiều nơi, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi trước tác động của BĐKH và đảm bảo sinh kế cho người dân...

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng luôn được chú trọng, tích cực triển khai sâu rộng, với nhiều hình thức, cách làm phong phú, sáng tạo. Các thông tin, kiến thức về BĐKH được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đã giúp cho nhân dân hiểu đúng tính nghiêm trọng của vấn đề BĐKH để thích nghi, điều chỉnh, sống chung với BĐKH; nhiều thói quen, hành vi của người dân cũng dần thay đổi theo hướng tích cực, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, các hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học-công nghệ trong nước về BĐKH được chú trọng phân bổ nguồn lực. Vấn đề BĐKH, mối liên hệ giữa BĐKH với phát triển kinh tế xã hội cũng đã được nghiên cứu sâu rộng; kịch bản BĐKH, nước biển dâng được liên tục cập nhật với mức độ chính xác ngày càng cao; báo cáo đặc biệt về quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thích ứng với BĐKH (SREX) với các khuyến nghị quan trọng về mặt chính sách được công bố, tạo cơ sở định hướng cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các kế hoạch ứng phó hiệu quả, quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, nhiều mô hình thích ứng với BĐKH được nghiên cứu, triển khai thí điểm tại một số địa phương như mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; mô hình xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp các giải pháp sinh kế cho người dân...  Những mô hình thí điểm mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của người dân và chính quyền địa phương được tổng kết, đánh giá để tiếp tục nhân rộng triển khai phù hợp ở các địa phương trên cả nước.

“Và một vấn đề quan trọng không kém chính là công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, tạo ra nhiều cơ hội để Việt Nam tiếp cận các cơ chế, chính sách toàn cầu và khu vực, từ đó chủ động tận dụng, chuyển hóa thành các cơ hội hợp tác song phương, đa phương, góp phần tăng cường nguồn lực hỗ trợ công tác thích ứng với BĐKH tại Việt Nam. Đây cũng chính là công tác cần được các tỉnh, thành địa phương quan tâm” - ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn - BĐKH Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho hay.

Các biện pháp thích ứng đang thực hiện và được đề xuất (trước 2020)

Các hành động thích ứng với BĐKH đang được thực hiện chủ yếu từ các dự án hỗ trợ và ngân sách nhà nước. Các chương trình, dự án chính gồm:

° Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH với mục tiêu đánh giá tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và các địa phương; Xác định các giải pháp ứng phó với BĐKH; Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH với trọng tâm là thích ứng.

° Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH nhằm hỗ trợ xây dựng, thực hiện các chính sách và khung thể chế, các dự án đầu tư về BĐKH.

° Chiến lược quốc gia về BĐKH xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm.Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH bao gồm 65 đề án, dự án thực hiện trong giai đoạn 2012-2020, trong đó 25 dự án là thích ứng với BĐKH.

° Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai đến năm 2020 với các hành động cụ thể, kết hợp hài hòa giữa các giải pháp phi công trình và giải pháp công trình được xem là cơ sở cho việc chỉ đạo và thống nhất hành động một cách nhất quán và mạnh mẽ ở tất cả các cấp và cộng đồng. Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược (2009-2010) bao gồm 36 dự án với tổng kinh phí khoảng 13 tỷ USD.

° Chương trình “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, được thực hiện trong thời hạn 12 năm tại 6.000 xã và thôn bản thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai với nội dung chính là tập trung vào việc giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Đồng thời với các chương trình quốc gia, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, trong đó chú trọng đến các lĩnh vực và khu vực dễ bị tổn thương.

HẢI NGỌC - CHÂU TUẤN

Tin cùng chuyên mục