Chủ động ứng phó với thời tiết bất thường

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã phải chứng kiến những hiện tượng bất thường của thời tiết. Đầu năm, không khí lạnh và ẩm không chỉ kéo dài ở miền Bắc mà lan rộng vào miền Trung, cực Nam Trung bộ và cả Nam bộ. Hàng trăm năm qua, chưa bao giờ vào giữa tháng 3 Âm lịch, miền Nam Trung bộ, Vũng Tàu, TPHCM phải đón cơn bão số 1 mạnh, đi nhanh với vùng ảnh hưởng lớn như năm nay. Sau đó là nắng nóng lịch sử, tuyết rơi vào mùa khô ở Sapa, mưa đá dị thường ở miền Bắc, miền Trung; triều cường, mưa lớn kéo dài gây ngập úng ở Nam bộ...

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã phải chứng kiến những hiện tượng bất thường của thời tiết. Đầu năm, không khí lạnh và ẩm không chỉ kéo dài ở miền Bắc mà lan rộng vào miền Trung, cực Nam Trung bộ và cả Nam bộ. Hàng trăm năm qua, chưa bao giờ vào giữa tháng 3 Âm lịch, miền Nam Trung bộ, Vũng Tàu, TPHCM phải đón cơn bão số 1 mạnh, đi nhanh với vùng ảnh hưởng lớn như năm nay. Sau đó là nắng nóng lịch sử, tuyết rơi vào mùa khô ở Sapa, mưa đá dị thường ở miền Bắc, miền Trung; triều cường, mưa lớn kéo dài gây ngập úng ở Nam bộ...

Theo các chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, tình hình khí hậu, thời tiết thời gian vừa qua thật ra là chuyện bình thường trong chuỗi dài câu chuyện về biến đổi khí hậu. Với phân tích đó, các chuyên gia cảnh báo Việt Nam sẽ phải “căng sức” chống lại những diễn biến khí hậu phức tạp do hiện tượng La Nina đem lại. 

Vào những tháng cuối năm, các tỉnh Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ; Bắc bộ và Bắc Trung bộ cần đề phòng các đợt rét đậm kéo dài. Diễn biến bất thường của thời tiết cộng với điều kiện tự nhiên về nắng hạn, mưa bão hàng năm ở nước ta thường xuyên gây nhiều thiệt hại. Do đó, việc chủ động ứng phó là hết sức cấp bách.

Thời gian vừa qua, công tác phòng, chống thiên tai, thời tiết bất thường trên cả nước được quan tâm thường xuyên; từ trung ương đến cơ sở đều có hệ thống ban chỉ đạo, chỉ huy với đầy đủ các thành phần của bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho công tác này cũng được đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, “phần mềm” là kỹ năng ứng phó và cách thức tổ chức sản xuất, quy luật mùa vụ và giống cây trồng, vật nuôi… lại ít được chú ý hoặc phổ biến cho người dân vùng thường xuyên bị thiên tai hay thời tiết bất thường.

Tại ĐBSCL, trước nguy cơ nước biển dâng và ngập mặn sẽ xảy ra trên diện rộng, kéo dài, giống lúa chịu mặn mới được lai tạo, nhưng quy mô nhỏ và chỉ mới trồng thử nghiệm. Tại Cần Thơ, một cuộc khảo sát bằng phương pháp phỏng vấn về tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu lên quy mô gia đình đã được Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện tại 4 khu vực thuộc quận Bình Thủy và huyện Vĩnh Thạnh. Có đến 200 hộ được chọn một cách ngẫu nhiên trong các khu vực khảo sát của 2 quận, huyện này.

Kết quả khảo sát cho thấy người dân tại các khu vực nông thôn bị tổn thương do các tác động của biến đổi khí hậu nhiều hơn so với người dân sống ở vùng đô thị hoặc ven đô. Trẻ em, người già, người khuyết tật và người nghèo là các nhóm bị tổn thương nhất. Việc phòng ngừa thiên tai của người dân địa phương chưa đủ tốt. Sự chuẩn bị của người dân, thông tin, tập huấn từ chính quyền và các tổ chức dân sự liên quan đến ô nhiễm, thiên tai, biến đổi khí hậu đến với dân chúng chưa nhiều và chưa làm thay đổi nhiều về hành vi của người dân. Điều đó cho thấy, bản thân người dân rất khó chủ động ứng phó với thiên tai, thời tiết bất thường nếu thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi thảo luận Luật Phòng chống thiên tai, rất nhiều đại biểu đã đề nghị cân nhắc nội dung dự thảo về nguyên tắc “phòng, tránh thiên tai là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, trong đó cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau, Nhà nước hỗ trợ”. Theo các đại biểu, nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ” không hợp lý mà nên sửa lại “Nhà nước chịu trách nhiệm” để khẳng định vai trò chủ đạo, trách nhiệm chính của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai và bố trí ngân sách cho hoạt động này. Đồng thời, các đại biểu cũng yêu cầu làm rõ các loại quỹ và mô hình quản lý, sử dụng các quỹ. Luật cũng cần nhấn mạnh công tác phòng ngừa, dự báo; không để xảy ra thiên tai mới lo khắc phục.

Theo các chuyên gia, để giúp người dân chủ động ứng phó trước những diễn biến bất thường của thời tiết, phòng tránh thiên tai, Nhà nước cần tổ chức thêm các hoạt động truyền thông, tập huấn, và phát hành các tài liệu về phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần thiết xây dựng một số mô hình người dân tự ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu để phổ biến rộng; chính quyền từng địa phương sớm xây dựng chiến lược và quy hoạch phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn của mình, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục