Chủ động xử lý khủng hoảng truyền thông

Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức (TPHCM) vừa triển khai buổi tập huấn về kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông cho hơn 350 cán bộ quản lý là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn.

Đây là địa phương đầu tiên trong số 22 quận, huyện và TP Thủ Đức quan tâm công tác truyền thông, qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền và xử lý khủng hoảng thông tin (nếu có) trong các cơ sở giáo dục. Trước đó, vào tháng 5-2023, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp Trung tâm Báo chí thành phố tổ chức buổi tập huấn cũng với nội dung trên cho khoảng 200 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thành phố.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, công tác truyền thông là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Bên cạnh trách nhiệm quản lý về chuyên môn, cán bộ quản lý trường học cần được trang bị kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông nhằm giúp cha mẹ học sinh hiểu rõ hơn về các hoạt động của nhà trường, qua đó tăng cường sự phối hợp và hỗ trợ trường trong các hoạt động giáo dục. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa với nhiều thay đổi lớn về nội dung, phương pháp dạy học, kỹ năng xử lý truyền thông sẽ giúp các trường loại bỏ những thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của trường, đồng thời xây dựng mối quan hệ tương tác hai chiều tốt đẹp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thực tế hiện nay cho thấy, công tác truyền thông được thực hiện rất tốt ở bậc đại học do được đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ở bậc phổ thông, nhiều cán bộ quản lý trường học vẫn còn mang tư tưởng “bao cấp”, trường học không cần làm gì vẫn có học sinh. Đó là suy nghĩ hết sức sai lầm trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, các kênh thông tin nếu không được quản lý tốt sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của nhà trường.

Theo TS Huỳnh Văn Thông, nguyên Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), khi có vấn đề xảy ra trong trường học, nhà quản lý không thể im lặng, để cho sự suy diễn vô căn cứ tràn lan trên mạng xã hội. Thay vào đó, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị là đối mặt với truyền thông theo chiến lược cân bằng thông tin, tạo cơ hội để lan tỏa những điều tốt đẹp của nhà trường, qua đó xây dựng hình ảnh nhà trường nhằm tạo niềm tin cho phụ huynh. Đây là hướng đi cần thiết thể hiện sự chuyên nghiệp và ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Tin cùng chuyên mục