Chủ dự án thủy điện chây ì trồng rừng thay thế

Sau gần 10 năm, hàng trăm dự án thủy điện lớn nhỏ và chưa kể hàng ngàn dự án chuyển đổi rừng sang nhiều mục đích khác trong cả nước mới chỉ trồng trả cho nhà nước phần diện tích rừng bị đốn hạ với khoảng 3,4% yêu cầu.
Chủ dự án thủy điện chây ì trồng rừng thay thế

Sau gần 10 năm, hàng trăm dự án thủy điện lớn nhỏ và chưa kể hàng ngàn dự án chuyển đổi rừng sang nhiều mục đích khác trong cả nước mới chỉ trồng trả cho nhà nước phần diện tích rừng bị đốn hạ với khoảng 3,4% yêu cầu.

Mỗi dự án thủy điện được triển khai, có đến hàng ngàn hécta rừng bị đốn hạ.

10 năm vẫn ì ạch

Vừa qua, tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ NN-PTNT với lãnh đạo 63 tỉnh và thành phố trong cả nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát dứt khoát nói: “Tôi đã làm việc và thống nhất với Bộ trưởng Bộ Công thương, nếu chủ đầu tư, doanh nghiệp nào cố tình hoặc chây ì không thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ phải rút giấy phép hoạt động”.

Từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2006/NĐ-CP về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định: “Cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng sẽ chuyển đổi”.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII cũng đã ban hành nghị quyết chỉ đạo triển khai nghiêm túc trách nhiệm hoàn thành việc trồng rừng thay thế trong năm 2015 đối với các công trình thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác.

 

* Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT và các tỉnh vẫn chưa có kế hoạch trồng bù lại rừng hoặc triển khai chậm phải có báo cáo kế hoạch cụ thể lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-1-2015.

 

Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, câu chuyện các địa phương chây ì, có nhiều địa phương tổ chức trồng lại rừng bị chuyển đổi một cách chậm chạp, thực hiện không nghiêm túc các chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ lại một lần nữa được các đại biểu đặt ra trong phiên chất vấn, trở thành một trong những vấn đề nóng hiện nay. Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tính đến tháng 12-2014, tiến độ trồng lại diện tích rừng cần thay thế trên cả nước mới chỉ đạt 3,4%. Ông Nguyễn Bá Ngãi khẳng định, từ năm 2006 đến 2014, tại 55 tỉnh và thành phố trong cả nước đã có 2.320 dự án đầu tư có chuyển đổi mục đích rừng sang mục đích khác với tổng diện tích rừng cần phải trồng lại hơn 76.040ha nhưng hiện mới chỉ trồng được 2.540ha, còn phải trồng 73.500ha.

“Đến nay, những địa phương có diện tích cần phải trồng rừng thay thế rất lớn như Lai Châu, Thanh Hóa, Gia Lai, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Trà Vinh, Bình Phước… nhưng lại chưa trồng. Đặc biệt có 27 dự án có diện tích rừng cần trồng bù với hơn 100ha/dự án nhưng vẫn chưa hề thực hiện” - ông Nguyễn Bá Ngãi nói. Trong đó, đứng đầu là dự án thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa) với 1.179ha, dự án thủy điện Lai Châu với 1.533ha, dự án thủy điện Sơn La: 385ha, dự án thủy điện Hủa Na - Nghệ An: 1.433ha…

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, mặc dù Quốc hội và Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo một cách quyết liệt về việc trồng rừng thay thế nhưng các địa phương vẫn thiếu quan tâm đúng mức, chậm chủ động tháo gỡ vướng mắc và đôn đốc các chủ dự án. Do không bố trí được quỹ đất để trồng lại rừng thay thế, một số địa phương đã chấp thuận cho chủ dự án nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng nhưng lại để vốn tồn đọng, thậm chí có nơi lại đề nghị dùng tiền này để chi cho nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng thay vì nhiệm vụ trồng rừng thay thế.

Tại cuộc họp, ông Dương Công Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng sở dĩ các dự án thủy điện chậm tiến độ trồng rừng bù vì các địa phương chậm hoặc không bố trí được quỹ đất để trồng rừng bù, cũng không có đơn giá thống nhất về tiền phải nộp cho mỗi hécta chuyển đổi.

Rút giấy phép hoặc không mua điện

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định cần phải xem xét thật kỹ yêu cầu sử dụng phần tiền các chủ dự án nộp Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng vào việc chăm sóc và bảo vệ rừng. Tuy nhiên trước mắt, buộc phải chi đúng mục đích là trồng lại đúng phần diện tích rừng đã bị dự án chuyển đổi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, với tiến độ trồng bù lại rừng như hiện nay cho thấy các địa phương và chủ dự án vẫn đang chậm trễ, thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ về việc trồng rừng thay thế. Nhiều chủ đầu tư dự án cho đến nay vẫn còn chưa biết trồng bù rừng ở đâu, cây gì, nguồn vốn như thế nào… “Tôi đã làm việc, trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và cùng thống nhất, đối với các dự án cố tình chây ì hoặc chậm trễ trồng bù lại rừng hoặc thực hiện các quy định về trồng lại rừng thay thế do các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì sẽ phải rút giấy phép hoạt động”. Đồng thời, theo quy định các dự án chậm 1 năm thì sẽ bị phạt 400 - 500 triệu đồng.

Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương cũng thống nhất đề nghị rút giấy phép đối với các dự án chây ì trồng rừng hoặc chậm nộp tiền và đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam không mua điện của các dự án tư nhân vi phạm.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục