Chủ nhà và giấc mơ cá chép hóa rồng!

Chủ nhà và giấc mơ cá chép hóa rồng!
Chủ nhà và giấc mơ cá chép hóa rồng! ảnh 1

Jie Zeng

Chủ nhà Trung Quốc đã đổ hàng triệu USD để đầu tư cho môn quần vợt ở Olympic Bắc Kinh,và họ cũng không có kế hoạch dừng lại một khi Olympic chấm dứt. Đất nước có 1,3 tỷ dân này có quyết tâm đưa quần vợt thăng hoa như kiểu “cá chép hóa rồng” giống người láng giềng Nga hay không?

Nói gì thì nói, Trung Quốc đã gặt hái được rất nhiều thành công khi đầu tư chiến lược lâu dài cho mục tiêu đôi nữ, không phải trong các “hạng, mục” đánh đơn. Sau chiếc HCV đôi nữ ở Athens 2004 của Sun Tiantian và Li Tung, Trung Quốc có thêm các danh hiệu đôi ở các kỳ Grand Slam đình đám (Australia Open 2006 và Wimbledon 2006) nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn của Yan Zi và Zheng Jie. Các cô gái Trung Quốc này đang đối mặt với nhiệm vụ “săn vàng” ở nội dung đôi nữ Olympic lần này. Tuy quần vợt Trung Quốc không chỉ nhắm đến mục tiêu Olympic đang diễn ra mà còn hướng đến một tương lai xa hơn, chí ít họ cũng cần thêm những tấm huy chương khác nữa để “ăn nói” với đông đảo người dân hâm mộ.

Ông Thomas Hogstedt - từng là HLV của tay vợt nổi tiếng nước Đức Tommy Haas, đã làm việc với các tay vợt hàng đầu Trung Quốc trong 1 tháng trời vào khoảng thời gian cuối năm 2005, đầu năm 2006, và đã được thuê như là một HLV dài hạn cho quần vợt Trung Quốc kể từ sau US Open 2007 - cho biết: “Tôi nghĩ các tay vợt của tôi đang chịu nhiều áp lực hơn bất kỳ người nào trước đây. Luôn luôn là như vậy. Họ được mong chờ sẽ thi đấu thành công”.

Dù vậy, ông Hogstedt tin rằng thành công hay thất bại của quần vợt Trung Quốc ở Olympic - cho dù có huy chương hay không - chỉ là một chỉ số đo lường sai lệch về tiềm năng của thị trường này vì chắc chắn Trung Quốc sẽ tiến xa hơn trong tương lai, sau Olympic: “Mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Tôi nghĩ là như vậy. Họ cũng đang cố gắng phát triển tiềm năng của các tay vợt nam”.

Chủ nhà và giấc mơ cá chép hóa rồng! ảnh 2
Yan và Jie với chiếc HCV Asiad Doha 2006.

Hiện tại, nhiều tay vợt Trung Quốc bắt đầu tập luyện cho mình cái thói quen ra nước ngoài tập huấn và thi đấu - noi gương của Li Fang và Chen Li hồi thập niên 80. Li Na đã đến Học viện quần vợt của John Newcombe ở Texas (Mỹ). Một số người khác thì chọn Học viện quần vợt Nick Bollettieri làm nơi gắn kết cho những ước mơ của mình. Đó là cả một quá trình thay đổi nếu nhớ lại quãng thời gian trước khi Trung Quốc giành quyền tổ chức Olympic Bắc Kinh - khoảng năm 2001 - CTA hiếm khi nhận lời tư vấn về phương pháp huấn luyện kỹ thuật và tập luyện thể lực của các chuyên gia bên ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, làn sóng mở cửa vì Olympic Bắc Kinh đã tác động đến mọi môn thể thao - như cả bóng rổ, bóng đá… chứ không phải chỉ riêng quần vợt. Giờ đây, ngoài ông Hogstedt, rất nhiều chuyên gia quần vợt nước ngoài có kinh nghiệm khác đang giúp đỡ CTA theo nhiều cách khác nhau như tập luyện thể lực, hướng dẫn kỹ-chiến thuật thi đấu, tìm kiếm và đào tạo tài năng… Doug MacCurdy - cựu Giám đốc phát triển tài năng trẻ của Hiệp hội quần vợt Mỹ (USTA) và ITF, người hiện đang làm việc ở Ấn Độ, hay Des Tyson - một HLV Australia đang làm việc với các tài năng trẻ quần vợt Trung Quốc, và MacCurd - đến Trung Quốc lần đầu từ năm 1986 nhưng đến năm 2005 mới bắt tay giúp đỡ quần vợt nước này là những minh chứng dồi dào nhất cho sự mở cửa đón chất xám của quần vợt Trung Quốc.

Cũng như trong các môn thể thao sử dụng vợt khác, CTA đang cố tạo ra những lứa VĐV nằm trong tốp đầu thế giới. Nếu so sánh với bóng bàn nữ và bóng bàn nam (tốp 5 nữ và tốp 5 nam có đến… 9 tay vợt Trung Quốc) hay cầu lông (trong tốp 10 thì có đến 7 tay vợt Trung Quốc), quần vợt còn một khoảng cách cực lớn để vươn lên. Nhưng họ đang có niềm tin và lớn hơn hết là họ có nhiều tiềm năng. Để thành công torng bóng bàn hay cầu lông, Trung Quốc không cần đi xa để học hỏi, họ có đủ các chuyên gia lão luyện ở quê nhà.

Chủ nhà và giấc mơ cá chép hóa rồng! ảnh 3
Sun va Li với chiếc HCV Olympic Athens 2004.

Và Trung Quốc đang cố gắng hướng quần vợt theo một con đường tương tự - họ không chú trọng gửi các tài năng trẻ ra thế giới để chống lại những đối thủ mạnh nhất mà giữ các tài năng trẻ ở nhà với chế độ tập luyện và ăn uống cực kỳ nghiêm ngặt theo kiểu “cần cù bù thông minh”. Chính ông MacCurdy phải lên tiếng thừa nhận: “Đó là một cách huấn luyện hiệu quả và có tiềm năng phát triển. Họ tập luyện trong một thời gian dài mà không thi đấu. Có rất nhiều sự cạnh tranh và có rất nhiều giải đấu trong nội bộ bắt đầu được lập ra”.

Huyền thoại quần vợt người Mỹ gốc Trung Quốc Michael Chang cũng đồng ý: “Ở nước Mỹ, bạn có thể gửi con cái vào các giải đấu mỗi tuần. Nếu bạn không có các giải trẻ, bạn sẽ gửi con mình vào các giải đấu trưởng thành. Họ không có các giải đấu đa dạng như ở Trung Quốc. Từ năm 2002, CTA mới bắt đầu cho các tay vợt Trung Quốc ra nước ngoài cọ xát vì ở trong nước quá ít các giải đấu. Kể từ đó, các tay vợt Trung Quốc có nhiều các giải đấu để mở mang tầm nhìn, trong khi số giải đấu ở quê nhà không ngừng “mọc” lên. Chính Yan giờ đây đã phải thốt lên: “Quá nhiều giải đấu, đôi khi bạn cần sự nghỉ ngơi”.

Trước giờ, Yan cũng như các tay vợt Trung Quốc khác chưa bao giờ phàn nàn lịch thi đấu mà CTA muốn họ phải tuân thủ. Cô từng bắt đầu tập luyện quần vợt từ năm lên 6 với HLV vốn là bạn của mẹ cô (Yan từng bắt đầu với… bóng bàn, nhưng cô nhanh chóng khiếp hãi các HLV - “Rất khắc nghiệt, họ cứ bắt tôi chạy, chạy và chạy”, Yan tâm sự). Cô thường tập luyện ở quê nhà Tứ Xuyên - khu vực đã bị tàn phá sau vụ động đất hồi tháng 5 (gia đình cô và Zheng đều may mắn thoát chết).

Kể từ khi trở thành một tay vợt chuyên nghiệp hồi năm 2003, Yan đã nhìn thấy CTA có nhiều sự thay đổi, với cô là những thay đổi tích cực. Cô được đi đây đi đó nhiều hơn, cô được giữ lại từ 50 đến 65% tiền thưởng ở các giải chuyên nghiệp. Cô và Zheng ký được hợp đồng tài trợ với hãng Rolex. Theo tờ China Daily, hồi năm ngoái, Yan và Zheng kiếm được khoảng 2 triệu USD tiền tài trợ. Yan nói về CTA: “Họ muốn thay đổi. Họ muốn chúng tôi sống tốt hơn”.

Kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa với thế giới 30 năm trước, đã có nhiều đổi thay các cơ sở vật chất của đất nước hơn 1 tỷ dân. Cùng với mức sống cao, đây là lúc để Trung Quốc trau chuốt thêm cho hình ảnh của mình với thế giới xung quanh, bằng văn hóa nghệ thuật và đặc biệt là với thể thao. Trong năm nay, Olympic đang diễn ra, thể thao Trung Quốc đang nỗ lực vươn lên một tầm cao mới và trong số này, quần vợt cũng không thể đứng ngoài quy trình vươn lên. Đây không chỉ là các thành tích nào với các tay vợt Trung Quốc, không chỉ là bao nhiêu tấm huy chương, mà còn là việc họ sẽ tạo nên ảnh hưởng thế nào lên nền quần vợt của thế giới, như những gì mà cầu lông, bóng bàn hay bóng rổ đã tạo ra…

Gạt qua mọi chuyện về tinh thần kỷ luật, về sự tận tụy với đất nước, ngày nay, trên khắp đất nước Trung Quốc, có rất nhiều tay vợt chuyên nghiệp - và đó chính là “vụ mùa” mà quần vợt Trung Quốc đã trúng đậm. Có thể những tay vợt chuyên nghiệp này đặt mong muốn chứng tỏ khả năng của cá nhân với thế giới quần vợt chuyên nghiệp lên hàng đầu nhưng có điều chắc chắn, dù có đi đâu, đến đâu, họ cũng không bao giờ rời bỏ đất nước Trung Quốc như những gì mà tay vợt Hu Na đã từng làm hồi năm 1982. Xin mượn câu nói của Yan để kết thúc “một vấn đề gai góc” - “Bây giờ, chúng tôi đi khắp nơi trên thế giới. Nhưng tôi vẫn cảm thấy Trung Quốc tốt hơn tất cả mọi nơi. Tôi thích sống ở quê nhà của mình”.

Nếu biết cách tận dụng tốt các nguồn lực, các tiềm năng, các nhân tài, các phương hướng phát triển đúng đắn và tiền của, quần vợt Trung Quốc sẽ thăng hoa theo kiểu “cá chép hóa rồng” như những gì mà quần vợt Nga đang gặt hái mấy năm trời qua. Và chắc chắn họ sẽ không đi vào cái ngõ cụt mà quần vợt Nhật Bản - vốn định “phùng mang trợn mắt” để thành cọp sau những năm 80 của thế kỷ 21 nhưng không may chỉ trở thành “một con cọp giấy” - đang lâm vào. Dù sao, những người trong cuộc như Yan vẫn tỏ ra thận trọng: “Ừm, tôi không biết chắc. Hiện giờ, tôi chưa thể nói được chuyện gì”.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục